CHUYỆN LẠ!
Bạn có thể không tin vào mắt mình nhưng chúng thật sự tồn
tại. Chúng sẽ khiến bạn khó cầm được nước mắt, khiến bạn dựng tóc gáy hoặc tăng
tốc nhịp tim.
Hồ Retba ở Senegal
Hồ Retba (còn gọi là Lac Rose) nằm ở phía Bắc bán đảo
Cap-Vert ở Senegal. Cái tên này xuất phát từ nước hồ có màu hồng, trông như sữa
dâu. Nguyên nhân, theo các nhà khoa học, là do loại tảo Dunaliella salina có
nhiều trong nước hồ.
Hồ còn nổi tiếng vì hàm lượng muối cao, cho phép con người
nổi trên mặt nước như biển Chết. Cũng nhờ vậy mà xung quanh hồ phát triển ngành
làm muối.
Hồ Retba đang được Ủy ban Di sản thế giới cân nhắc đưa vào
danh sách di sản thiên nhiên thế giới.
Bậc thang tự nhiên Badab-e Surt ở Iran
Với cấu tạo đá vôi, bậc thang tự nhiên Badab-e Surt ở tỉnh
Mazandaran - Iran khiến du khách choáng váng vì nét đẹp hùng vĩ của nó. Thắng
cảnh này được hình thành bởi 2 con suối nước khoáng chảy từ trên núi xuống. Qua
hàng ngàn năm, nơi này trông như một bậc thang khổng lồ với các hồ nước màu
cam, đỏ và vàng.
Hai con suối nằm ở độ cao 1.840 m so với mực nước biển và có
những đặc tính tự nhiên khác biệt. Nước của con suối đầu tiên chứa nhiều muối,
được cho là chữa được chứng thấp khớp và các bệnh về da. Con suối thứ 2 có vị
chua và chủ yếu có màu cam do ảnh hưởng của ôxit sắt có trong nước.
Bậc thang tự nhiên Badab-e Surt ở Iran. Ảnh: Abduzeedo
Hồ Nguyệt Nha Tuyền ở Trung Quốc
Nguyệt Nha Tuyền là hồ nước ngọt có dạng bán nguyệt nằm ở
một ốc đảo 2.000 năm tuổi trong sa mạc Gobi, cách thành phố Đôn Hoàng 6 km về
phía Nam. Tên Yueyaquan có từ thời nhà Minh.
Theo lần đo đạc năm 1960, độ sâu trung bình của hồ vào
khoảng 4-5 m, tối đa là 7,5 m. Trong 40 năm sau đó, hồ ngày càng cạn. Vào những
năm 90 của thế kỷ trước, hồ chỉ còn diện tích 5.500 m vuông với độ sâu bình
quân là 0,9 m (tối đa 1,3 m). Đến năm 2006, chính quyền địa phương bắt đầu nỗ
lực cứu hồ khỏi nguy cơ bị sa mạc nuốt chửng. Kể từ đó, độ sâu và kích thước
của hồ tăng dần.
Hồ Nguyệt Nha Tuyền ở Trung Quốc. Ảnh: Abduzeedo
Hồ Natron ở Tanzania
Hồ Natron ở Tanzania nổi tiếng với màu đỏ đặc trưng và tốc
độ bốc hơi cao. Vào mùa khô, khi nước bốc hơi, hàm lượng muối tăng lên mức tối
đa, trở thành nơi sinh sôi nảy nở của những vi sinh vật ưa muối. Một số loài
trong đó sản sinh ra những sắc tố khiến nước có màu đỏ. Nhìn từ trên cao, trông
hồ không khác gì bề mặt sao Hỏa.
Ông Nick Brandt, một nhiếp ảnh gia nổi tiếng của khu vực
Đông Phi, gần đây đã đến hồ Natron và chứng kiến cảnh tượng đáng sợ: các sinh
vật “hóa đá” nếu chẳng may sa chân xuống hồ. Theo các nhà khoa học, sự kết hợp
của các hóa chất trong nước hồ chính là nguyên nhân đông cứng các sinh vật như
chim, dơi...
Hồ Natron ở Tanzania. Ảnh: Abduzeedo
Dòng sông ngũ sắc Cano Cristales ở Colombia
Nằm ở Công viên quốc gia Sierra de la Macarena tại Meta -
Colombia, Cano Cristales là kỳ quan độc nhất vô nhị của thế giới. Nhiều người
gọi nó là “dòng sông ngũ sắc”, “dòng sông bắt nguồn từ thiên đường” hoặc “dòng
sông đẹp nhất thế giới”.
Dòng sông này trông không khác bất kỳ dòng sông bình thường
nào khác trong phần lớn thời gian của năm. Nhưng vào khoảng ngắn giữa mùa khô
(thường là từ tháng 9 đến tháng 11), dòng sông sẽ bùng nổ màu sắc nhờ một loại
thực vật độc đáo có tên Macarenia clavigera tạo ra những dòng nước màu đỏ, hòa
quyện với sắc vàng và xanh lá cây của cát, sắc xanh dương của nước… Một điểm lạ
khác là không có loài cá nào sống tại dòng sông này.
Dòng sông ngũ sắc Cano Cristales ở Colombia. Ảnh: Abduzeedo
“9 địa ngục Beppu” ở Nhật Bản
Tọa lạc trên đảo Kyushu, thành phố Beppu là quê hương của
2.800 suối nước nóng. Trong số này có 9 con suối được gọi là “9 địa ngục của
Beppu”. Địa ngục số 1 có tên Umi Jigoku (địa ngục biển) với nước suối màu ngọc
lam và đủ nóng để luộc được trứng. Địa ngục số 2 là Oniishibou (địa ngục sư đầu
trọc), xuất phát từ lớp đất bùn xám sôi sùng sục trên bề mặt suối, trông như
đầu của các thầy tu.
Địa ngục số 1 Umi Jigoku. Ảnh: Globeimages
Địa ngục số 3 mang tên Shiraike Jigoku (địa ngục hồ trắng)
do hàm lượng canxi cao làm nước suối có màu trắng sữa. Địa ngục số 4 là Yama
Jigoku (địa ngục núi), được hình thành bởi một núi lửa bùn. Nó phun trào nhiều
đến nỗi tạo ra một ngọn núi nhỏ được bao quanh bởi các hồ nhỏ.
Địa ngục số 2 Oniishibou. Ảnh: protravelclub
Địa ngục số 5 có tên Kamada Jigoku (địa ngục nồi nấu ăn) do
nó nằm cạnh bức tượng con quỷ màu đỏ đang nấu ăn. Oniyama Jigoku (địa ngục núi
quỷ) là tên gọi của địa ngục số 6 với dòng nước mạnh đến mức cuốn trôi cả chiếc
xe. Ngoài ra, đây còn là nơi sinh sống của khoảng 100 cá sấu hung dữ.
Địa ngục số 3 Shiraike Jigoku. Ảnh: Protravelclub
Địa ngục số 7 được gọi là Kinryu Jigoku (địa ngục rồng vàng)
bởi nơi này có một bức tượng rồng và dòng suối chảy ra từ mũi nó. Địa ngục số 8
là Chinoike Jigoku (địa ngục ao máu) do khoáng chất có chứa sắt trong hồ làm
nên màu đỏ tươi của nước suối. Địa ngục số 9 là Tatsumaki Jigoku (vòi địa
ngục). Mạch nước nóng ở đây cứ 30 phút phun một lần và có nhiệt độ vào khoảng
105 độ C.
“Lâu đài bông” Pamukkale ở Thổ Nhĩ Kỳ
Pamukkale được xem là “viên ngọc” thật sự của Thổ Nhĩ Kỳ và
là một trong những kỳ quan thiên nhiên của thế giới. Nằm ở thung lũng sông
Menderes ở tỉnh Denizli, danh lam này ẩn chứa không ít bí ẩn. Theo tiếng Thổ
Nhĩ Kỳ, Panukkale có nghĩa là “lâu đài bông”.
Nơi này nổi tiếng với những suối nước nóng chứa nhiều muối
khoáng cacbonat, tích tụ thành những "ruộng bậc thang" đá vôi vô cùng
ấn tượng. Vùng rộng lớn trắng xóa này dài 2.700 m, cao 160 m, rộng 600 m và có
thể được nhìn thấy từ cách xa 20 km.
“Lâu đài bông” Pamukkale ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh:
Điều cần chú ý là du khách không được phép mang giày khi đi
trên lớp đá vôi để tránh làm hư hại. Tại khu vực này có khoảng 17 suối nước
nóng nhiệt độ từ 35 độ C đến 100 độ C. Nguồn nước này có thể dùng để chữa nhiều
loại bệnh khác nhau. Pamukkale đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên
thế giới.
Xuân Mai (Theo Abduzeedo)
No comments:
Post a Comment