TIN HOA KỲ


Khắc tinh của những 'con ma' trong giới y dược


Luật sư Daniel Miles được mệnh danh là khắc tinh của giới dược sĩ dởm và những công ty chuyên gian lận tiền bán thuốc. Hàng chục công ty dược phẩm Mỹ đang phải chống đỡ với vị luật sư này.

Sinh trưởng trong gia đình với truyền thống làm ngân hàng, Daniel Miles theo quyết định của cha mẹ để chọn học Khoa Kinh doanh, Đại học Alabama ở Mỹ.

Sau khi tốt nghiệp, Miles không có đủ tiền tiếp tục đi học nhưng lại nung nấu ý định theo đuổi ngành luật nên ông chấp nhận xin làm một chân thanh tra nội bộ Ngân hàng AmSouth ở tiểu bang Alabama với mức lương cao.

Công việc đã giúp ông có nguồn tài chính vững chắc, để rồi sau này ông thi đỗ vào Trường luật Cumberland và tốt nghiệp loại xuất sắc năm 1989. Cuối năm 1991, Daniel Miles sang làm tại hãng luật danh tiếng Beasley. Những vụ án đầu tiên ông thụ lý hầu hết tập trung vào hai lĩnh vực: gian lận bảo hiểm và thế chấp tín dụng. Miles nắm bắt nhanh các giao dịch "chìm bất thường", để từ đó phán đoán và giành chiến thắng về cho thân chủ.

Tuy vậy, không phải lúc nào tên tuổi của Daniel Miles cũng được coi trọng. Đã có thời điểm dư luận tỏ ra hoài nghi về những phán xét có phần vội vã của ông. Trường hợp vụ kiện nhằm vào thịt bò của Hãng Taco Bell là một ví dụ.

Tháng 1/2011, Daniel Miles nhận thay mặt cho một phụ nữ tên Amanda Obney ở California, tuyên bố sẽ khởi kiện hãng Taco Bell vì cho rằng thứ gọi là “bánh mì kẹp thịt bò kiểu Mexico" của hãng này chỉ chứa có 35% thịt bò, thấp hơn tiêu chuẩn của cơ quan quản lý thực phẩm. Ông cho rằng, cách thức quảng cáo và tiếp thị của Taco Bell gây ngộ nhận về chất lượng thịt bò trong bánh mì kẹp thịt.

Hãng Taco Bell đã phản pháo bằng một chiến dịch quảng cáo tiêu tốn 4 triệu USD, đưa ra bằng chứng cho thấy Miles đã "bịa đặt" con số 35% để hạ thấp uy tín của hãng. Theo đó, nhân của món bánh mì kẹp thịt thực chất chứa đến 90% thịt bò, 10% phần còn lại là gia vị và rau.

Trong một tuyên bố phát đi vào giữa tháng 4/2011, Daniel Miles nói rằng, do có sự thay đổi trong cách tiếp thị sản phẩm của Taco Bell nên vụ kiện bị hủy bỏ. Và hiển nhiên, luật sư này cũng yêu cầu thân chủ tự nguyện rút bỏ cáo buộc.


Daniel Miles và hãng luật Beasley tham gia đại diện cho 73 vụ kiện các công ty dược phẩm ở Mỹ.

Dù vướng phải vụ ầm ĩ Taco Bell nhưng Daniel Miles vẫn được mệnh danh là khắc tinh của giới dược sĩ "rởm" và những công ty chuyên gian lận tiền bán thuốc. Vài chục công ty dược phẩm Mỹ đang phải chống đỡ với vị luật sư này trong các vụ kiện đòi bồi thường vì đã "thổi" giá bán thuốc cho chương trình y tế cộng đồng Medicaid của Chính phủ Mỹ dành cho các gia đình và cá nhân nghèo.

Trong chiến thắng gần đây nhất, cuối tháng 10 vừa qua, Daniel Miles đã phản biện thành công tại tòa, khiến hãng Dược phẩm Watson bị cáo buộc đã nâng cao trái phép giá bán của một loạt các danh mục thuốc và dụng cụ y tế để vơ vét hàng triệu USD từ ngân sách y tế bang Mississippi. Hãng Watson đã phải bồi thường 12,4 triệu USD và công khai toàn bộ các hóa đơn chứng từ mờ ám đi kèm.

Cách đây không lâu, cũng tại bang Mississippi, Daniel Miles đã phanh phui vụ gian dối công bố giá thuốc của công ty dược phẩm lớn nhất tiểu bang Mississippi, khiến công ty này phải mất một khoản đền bù lên tới gần 30 triệu USD, cộng thêm 4 triệu USD tiền phạt.

Cho đến nay tiểu bang Mississippi đã nhận đền bù và thắng trong hai vụ kiện quan trọng nêu trên, tổng cộng 120 triệu USD từ các công ty dược phẩm liên quan tới việc nâng khống giá thuốc bán cho chương trình Medicaid của tiểu bang.

Cho đến nay, Miles đã thay mặt cho 7 bang kiện hàng trăm công ty ra tòa về tội gian lận giá bán dược phẩm gây thiệt hại cho người nghèo, hy vọng sẽ đòi lại hàng tỉ USD ngân sách bị bòn rút.

Ông bị coi là "kẻ thù" của hàng trăm công ty dược khi danh sách số lượng các công ty bị kiện ở từng bang ngày càng dài thêm: Mississippi - 86 công ty, Louisiana - 108, Nam Carolina - 18, Kansas - 33, Utah - 43, Hawaii - 44 và Alaska - 34. Miles gây xôn xao dư luận khi tiết lộ âm thầm tiến hành một cuộc điều tra dựa trên bảng giá do các công ty dược công bố. Kết quả cho thấy mức chênh lệch rất lớn giữa giá bán buôn trung bình dành cho các chương trình y tế cộng đồng Medicaid với giá thực dành cho các nhà phân phối truyền thống của họ.

Một công bố khác của Daniel Miles cho biết nhiều bác sĩ, công ty dược phẩm, công ty cung cấp dụng cụ y tế đã và đang ăn cắp hàng tỉ USD qua ngả Medicaid bằng cách bịa ra những công ty ma, những bệnh nhân, bác sĩ "ma" và những cuộc giải phẫu chỉ có trên giấy tờ. Theo đó, tội gian trá của những "tay ma đầu" làm những chuyện giả mạo chứng từ rất dễ phát hiện. Chúng chế tạo ra khoảng 50.000 hồ sơ tính tiền, dùng tên của những vị y sĩ già đã qua đời từ hàng chục năm trước.

Cuối tuần trước, Daniel Miles và các đồng nghiệp tại Beasley Allen cũng quyết định đại diện cho bang Alamaba trong 73 vụ kiện khác nhằm vào các công ty dược với cùng một tội: "Thổi" giá bán thuốc cho chương trình Medicaid của bang này. Kể từ năm 2008 đến nay, họ đã giành được thắng lợi ở một số trường hợp với tổng số tiền 352,4 triệu USD bồi thường cho ngân sách, chưa kể 123,15 triệu USD tiền bồi thường khác được dàn xếp trực tiếp bên ngoài tòa án với các công ty sản xuất dược bị kiện tại bang Alabama.

Điều đáng tiếc là tệ nạn ăn cắp tiền của chương trình Medicaid diễn ra bừa bãi ở khắp mọi nơi. Những luật sư như Daniel Miles, dù tài năng đến mấy, cũng chẳng thể nào có đủ sức để theo dõi, phân tích toàn bộ hồ sơ trong cả một hệ thống y tế công.

Chính Miles đã thất vọng thốt lên khi Hiệp hội Chống gian lận y tế Mỹ ước tính rằng có khoảng 60 tỷ USD bị thất thoát vì những vụ gian lận này…

Theo Cảnh sát toàn cầu

**********************************************************************

Glenn Greenwald, kẻ làm cả chính quyền Mỹ bối rối

Nhà báo Glenn Greenwald, làm việc cho «Guardian», đang điều trần tại Tiểu ban điều tra Thượng viện Brazil, Brasilia, ngày 09/10/2013

AFP/Evaristo Sa
Thanh Hà       
Edward Snowden được nhiều người biết đến, nhưng còn rất nhiều tài liệu mật của Snowden còn chưa được công bố. Người nắm giữ kho « thuốc nổ » đó chính là Glenn Greenwald, một nhà báo người Mỹ từng làm việc cho tờ báo Anh, The Guardian. Gần nửa năm qua, mỗi lần Greenwald hé lộ thêm thông tin được Snowden cung cấp, chính quyền Mỹ lại đau đầu và phải giải thích với các đối tác quốc tế về những hành vi như là nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức, hay âm thầm theo dõi Brazil.

Quan hệ giữa Washington và nhiều « nước bạn » từ Âu sang Á và ngay cả tại Châu Mỹ đã nguội lạnh khi các vụ do thám, theo dõi do Cơ quan An ninh Quốc gia NSA tiến hành được đưa ra ánh sáng.

Glenn Greenwald là ai ? Duyên cớ nào đã đưa chân nhà báo này đến Hồng Kông và trở thành điểm tựa của Snowden ? Greenwald còn nắm giữ những thông tin nào có thể khiến tình báo Hoa Kỳ phải « đứng ngồi không yên » ?

Phóng viên của tuần báo Pháp Télérama đã tiếp xúc với Glenn Greenwald tại Rio de Janeiro, Brazil, nơi anh đã định cư từ gần một chục năm qua. Greenwald là một công dân Mỹ, sinh ra New York năm năm 1967. Trước khi hành nghề nhà báo, anh đã từng là luật sư, là một nhà viết blog.

Glenn Greenwald cộng tác với nhiều tờ báo Mỹ. Năm 2009 anh được trao tặng giải thưởng dành cho nhà báo tự do. Một năm sau Greenwald đoạt giải thưởng dành cho người viết báo mạng. Tháng 8/2012, anh bắt đầu cộng tác với tờ báo Anh The Guardian và với tư cách phóng viên của tờ báo này, Glenn Greenwald đã tiếp xúc với Edward Snowden, rồi tiết lộ những « thông tin động trời » về hành tung của ngành tình báo Mỹ do Snowden cung cấp.

Trả lời tạp chí Pháp, Glenn Greenwald nhắc lại điểm khởi đầu của sự hợp tác với cựu nhân viên tình báo Hoa Kỳ, Edward Snowden. Mười năm hành nghề luật sư, Greenwald luôn khẳng định lập trường trên các hồ sơ có liên quan đến quyền tự do dân sự. Bốn năm sau biến cố 11 tháng 9, khi hai tòa tháp đôi của khu thương mại World Trade Center ở New York bị tấn công, Glenn Greenwald đã lập ra một trong blog lấy tên « Unclaimed Territory ». Trang blog này chủ yếu đánh động dư luận về những thay đổi trong chính sách của Hoa Kỳ.

Về phần mình, Snowden tìm kiếm một điểm tựa đáng tin cậy, một người nắm rõ hồ sơ về những hoạt động mờ ám của bộ máy an ninh Hoa Kỳ và nhất là người đó phải có khả năng chịu đựng áp lực từ mọi phía. Theo lời kể của Glenn Greenwald, vào cuối năm 2012, Snowden đã tìm cách liên lạc với anh qua email. Bức điện thư đầu tiên có nội dung khá mơ hồ. Trong đó Edward Snowden hướng dẫn cho Greenwald sử dụng một chương trình phần mềm đặc biệt để hai người có thể trao đổi với nhau một cách an toàn.

Trước sự thờ ơ của Glenn Greenwald, Snowden đã tìm cách thuyết phục phóng viên của báo The Guardian qua trung gian một người thứ ba là nhà làm phim người Mỹ Laura Poitras. Nữ đạo diễn Laura Poitras chuyên thực hiện phim tài liệu có liên quan đến các hoạt động của ngành tình báo. Khi đó Poitras đang làm việc tại Berlin.

Poitras là người đã hướng dẫn cho Glenn Greenwald để anh liên lạc được với Snowden ngoài vòng kiểm soát của « tai mắt » Hoa Kỳ. Đến giữa tháng 5/2013 thì Greenwald nối được đường dây đỏ với Snowden. Snowden đề nghị họ gặp nhau ở Hồng Kông. Greenwald thuyết phục ban biên tập báo Guardian để cho anh đáp máy bay tới Hồng Kông. Mọi chuyện bắt đầu từ đó. Greenwald và Snowden gặp nhau tại một khách sạn.

Trái với lo ngại của cả cựu nhân viên tình báo Hoa Kỳ lẫn nhà báo Glenn Greenwald, dư luận thế giới không hề dửng dưng trước những thông tin liên quan đến lối hành xử của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ .

Về câu hỏi liệu Greenwald có còn nhiều thông tin nóng hổi chưa tiết lộ ra bên ngoài hay không, đương sự cho biết « phần lớn » những tin anh được Snowden cung cấp vẫn còn được giấu kín ở một nơi bí mật. Cựu phóng viên của báo Guardian cho hay, anh đang nắm giữ nhiều tài liệu về nội dung thư từ mà Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ thu thập được cũng về phương cách hoạt động của NSA. Theo Glenn Greenwald, chắc chắn những tài liệu đó, sẽ gây chấn động trong dư luận.

Vấn đề đặt ra là chính phủ Mỹ có thể theo dõi tất cả những thư từ liên lạc, có thể chặn bất kỳ một lá thư nào hay biết rõ ai liên lạc với ai và những người đó liên lạc với nhau với nhịp độ nào. Vì vậy Glenn Greenwald hết sức thận trọng.
Bản thân anh và những người chung quanh đang chịu nhiều áp lực, nếu không muốn nói là bị sách nhiễu, hù dọa. Nhưng Greenwald khẳng định anh sẽ cho công bố cho đến tài liệu cuối cùng tất cả những gì được Snowden chuyển đến tay anh. Đối với Glenn Greenwald, đó là nhiệm vụ của một nhà báo, có nghĩa là phải phơi bày ra ánh sáng những kế hoạch mà các giới có thế lực đang chuẩn bị trong bóng tối.


Nhiều tập đoàn Internet Mỹ đòi Washington sửa luật an ninh


REUTERS/Pawel Kopczynski
Thanh Hà
Sau những tiết lộ NSA theo dõi người sử dụng internet, tám tập đoàn tin học hàng đầu của Mỹ, từ Microsoft đến Google gửi thư đến Tổng thống Barack Obama. Họ yêu cầu chính quyền điều chỉnh luật về an ninh. Mục tiêu là nhằm tái tạo lòng tin của người sử dụng internet.

Trong một bức thư ngỏ gửi tới Tổng thống Hoa Kỳ và Hạ viện đề ngày 09/12/2013, tám tập đoàn công nghệ cao của Mỹ gồm Twitter, OAL, Yahoo, LinkedIn, Facebook, Apple, Microsoft và Google viết : « Chúng tôi hiểu được rằng chính phủ có trách nhiệm bảo đảm an ninh cho các công dân. Thế nhưng, những tiết lộ được phơi bày ra ánh sáng vào mùa hè vừa qua cho thấy, chính quyền cần cải tổ luật lệ trong lĩnh vực này ».

Tám tập đoàn tin học vừa nêu muốn nói tới chương trình PRISM được Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) sử dụng. Chương trình đó nhằm nghe lén điện thoại, đọc lén thư của các khách hàng có tài khoản trên các mạng xã hội hay có tài khoản trên Google, Yahoo … Theo tiết lộ của cựu nhân viên tình báo Mỹ, Edward Snowden, NSA đã thu thập hàng triệu thư từ trao đổi trên thế giới. Snowden giải thích rằng dưới áp lực của chính quyền Mỹ, các đại gia tin học của Hoa Kỳ đã bắt buộc phải « hợp tác » với NSA.

Trong 6 tháng qua, các tập đoàn tin học Mỹ lần lượt thông báo nâng cao mức độ an toàn cho khách hàng trước những ý đồ nghe trộm thông tin.
Tổng giám đốc Yahoo, bà Marissa Mayer, yêu cầu Hạ viện Hoa Kỳ sửa đổi luật về vấn đề an ninh và minh bạch hóa các hành vi của chính phủ. Một số tiếng nói khác thì cho rằng Hoa Kỳ không nên thu thập các thông tin cá nhân một cách vô tội vạ. Việc này sẽ « dẫn tới một số vi phạm nghiêm trọng về tự do », vốn là một trong những giá trị nền tảng của nước Mỹ.

*********************************************************************

Vùng nhận dạng phòng không hoạt động như thế nào

Các luật lệ tại vùng nhận dạng phòng không ở mỗi nước có những điểm khác biệt, nhưng hầu hết dựa theo các quy định tại vùng nhận dạng phòng không Bắc Mỹ. 

 
interceptor

Máy bay F-22A Raptor của Mỹ (trên) áp sát phi cơ Tu-95 Bear của Nga tại không phận ở bang Alaska hôm 22/11/2007. Ảnh: USAF
Một trong những câu hỏi được đặt ra liên quan tới vùng nhận dạng phòng không mới của Trung Quốc là nước này sẽ làm thế nào để thực thi các quy định họ đề ra: áp giải những máy bay từ chối tuân thủ, cố đẩy chúng đi, hay buộc chúng hạ cánh?
Trung Quốc tuyên bố quân đội sẽ "có những biện pháp phòng vệ khẩn cấp" chống lại các máy bay không tuân thủ luật của khu vực, nhưng không nói rõ đó là các biện pháp nào.
Những vùng nhận dạng phòng không không bị các hiệp ước hay tổ chức quốc tế chi phối, và thường được các chính phủ khác nhau thiết lập đơn phương. Tùy từng nước, luật lệ tại khu vực này có những điểm khác biệt và thực thi cũng khác. Điểm chung là hầu hết luật về vùng phòng không gắn với các quy định của Vùng nhận dạng phòng không Bắc Mỹ (ADIZ), bao trùm cả Mỹ và Canada.
Về kỹ thuật, các luật này yêu cầu hầu hết máy bay nước ngoài nộp kế hoạch bay cho chính quyền Mỹ trước khi cất cánh, cũng như báo cáo vị trí với cơ quan hàng không Mỹ liên quan "ít nhất một giờ trước khi đi vào ADIZ". Luật cũng quy định chi tiết về cách phi cơ quân sự Mỹ nhận dạng, giám sát và chặn các máy bay trong khu vực ADIZ.

may-bay-chan
Cơ chế chặn máy bay tại Vùng nhận dạng phòng không Bắc Mỹ. Đồ họa: FAA
Có ba giai đoạn trong một vụ chặn máy bay xâm phạm ADIZ.
Giai đoạn đầu tiên là tiếp cận. Theo quy trình tiêu chuẩn, máy bay bị chặn được tiếp cận từ phía sau. Các máy bay chặn thường được triển khai theo cặp, nhưng việc chỉ một máy bay làm nhiệm vụ chặn phi cơ cũng không hiếm. Đảm bảo sự ly an toàn là trách nhiệm của máy bay chặn trong toàn bộ thời gian tiến hành.
Nhận dạng là giai đoạn tiếp theo. Máy bay chặn sẽ bắt đầu việc tiếp cận có kiểm soát đối với máy bay mục tiêu, với khoảng cách đủ để nhận dạng tích cực và thu thập thông tin cần thiết. Máy bay chặn cũng có thể bay qua máy bay bị chặn khi đang thu thập thông tin ở khoảng cách an toàn dựa vào đặc điểm hoạt động của nó.
Giai đoạn cuối cùng là sau khi chặn. Một máy bay chặn có thể thực hiện việc thiết lập liên lạc thông qua tín hiệu ICAO (Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế) tiêu chuẩn. Trong những tình huống cấp bách, khi máy bay chặn đang cần phản ứng tức thì từ máy bay bị chặn, hoặc máy bay bị chặn không tuân thủ hướng dẫn, phi công có thể bay chéo qua đường bay của máy bay bị chặn, ở hướng nó dự kiến rẽ. Cự ly tối thiểu là 152 m và máy bay chặn bay hơi thấp hơn máy bay đối phương.
Máy bay chặn sẽ lắc mạnh cánh (vào ban ngày) và nhấp nháy đèn hoặc buồng đốt sau (vào ban đêm) khi đi qua đường bay của phi cơ bị chặn. Máy bay chặn sẽ lộn vòng theo hướng máy bay bị chặn dự kiến rẽ, rồi quay lại để xác thực xem liệu đối phương có tuân thủ hay không.
Phi cơ bị chặn phải rẽ ngay lập tức theo hướng của máy bay chặn. Nếu nó không phục tùng, máy bay chặn có thể bay qua đường bay của máy bay bị chặn lần thứ hai, đồng thời dùng pháo sáng như một tín hiệu cảnh báo phi cơ bị chặn phải lập tức rẽ theo hướng được đề nghị và rời khu vực.
Máy bay chặn chịu trách nhiệm giữ khoảng cách an toàn trong toàn bộ quá trình, vì an toàn bay là ưu tiên số một.
(Theo Wall Street Journal)


ĐẠN ĐỊNH VỊ GPS TRANG BỊ CHO XE CẢNH SÁT MỸ .

Cảnh sát Mỹ vừa được trang bị một vũ khí lợi hại, tối tân giống trong các bộ phim ăn khách về điệp viên James Bond: các viên đạn định vị GPS có thể theo dõi vị trí chiếc xe của một nghi phạm.

Viên đạn được thiết kế để  các cuộc săn đuổi tốc độ cao an toàn hơn, khiến cảnh sát  theo dõi nghi phạm mà không phải mạo hiểm tính mạng của họ hoặc của người khác




.
Nguyên tắc  hoạt động của đạn GPS như sau: hệ thống sẽ được kích đông  bằng việc bấm một nút gắn bên trong xe  cảnh sát. Một chiếc nắp sau đó sẽ bật mở để phóng đi một viên đạn GPS và bám  chặt nó vào chiếc xe hơi mục tiêu ở phía trước.

Đạn GPS được bắt dính vào xe của nghi phạm, giúp cảnh sát có thể theo dõi vị trí và tốc độ của chiếc xe khả nghi. (Ảnh: BBC)


Một khi viên đạn đã bắt dính vào chiếc xe hơi của nghi phạm, cảnh sát có thể ngừng cuộc săn đuổi. Viên đạn đặc biệt sẽ giúp nhà cảnh sát  có thể giám sát và xác định vị trí cũng như tốc độ của chiếc xe khả nghi gần với những gì đang diễn ra trong thực tế.


Trevor Fischbach, giám đốc công ty sản xuất đạn định vị có tên Starchase, nói: "Đây là mộtvũ khí  quan trọng đối với cảnh sát. Chúng tôi đã tạo được khác biệt, từ việc giải cứu các bé gái khỏi bọn buôn người tới ngăn chặn các tài xế phạm luật".
Hệ thống đạn Starchase đã được sử dụng ở 4 tiểu bang của Mỹ là Iowa, Florida, Arizona và Colorado. Chi phí lắp đặt hệ thống cho một chiếc xe cảnh sát là 5.000 USD và mỗi viên đạn GPS có giá 500 USD.

Công ty sản xuất đạn định vị hiện mong muốn sẽ đưa hệ thống Starchase tới Anh.
Dave Allen, một giảng viên cấp cao tại Đại học Leeds (Anh) và là đồng tác giả một báo cáo mới đây về công nghệ tương lai cho cảnh sát Anh, đánh giá cao sự hữu dụng của hệ thống đạn định vị. Ông cho rằng, giá thành của thứ vũ khí lợi hại này sẽ giảm xuống đáng kể trong tương lai, giúp việc dùng nó trở nên phổ biến hơn.

Tuy nhiên, ông Allen khuyến  cáo, đạn GPS có thể dẫn tới một số vấn đề về quyền công dân./.

No comments:

Post a Comment