THẾ GIỚI CHUNG QUANH - KE THU NGUOI TRUNG QUOC

alt

Trên thế giới không có nước nào có lịch sử lâu đời như Trung Quốc, không có nước nào có một nền văn hóa không đứt đoạn như Trung Quốc, mà cái văn hóa đó lại đã từng đạt đến một nền văn minh cao độ. Người Hy-Lạp thời nay với người Hy-Lạp ngày xưa chẳng liên quan gì với nhau. Người Ai-Cập cũng vậy. Nhưng người Trung Quốc hôm nay thì đúng là hậu duệ của người Trung Quốc cổ đại. Tại sao một nước khổng lồ như vậy, một dân tộc to lớn như vậy ngày nay lại ra nông nỗi xấu xa ấy? Chẳng những bị người nước ngoài ức hiếp mà còn bị ngay dân mình ức hiếp. Nào là vua bạo ngược, quan bạo nguợc, mà cả dân (quần chúng) cũng bạo ngược. 

alt

Thế kỷ thứ XIX, quần đảo Nam Dương - thời nay tức là Đông Nam Á, còn là thuộc địa của Anh và Hà Lan, có một chuyên viên Anh đóng ở Malaysia nói rằng: "Làm người Trung Quốc ở thế kỷ thứ XIX là một tai họa". Bởi vì ông này đã thấy cộng đồng người Hoa sống ở quần đảo Nam Dương giống một lũ lợn, vô tri vô thức, tự sinh tự diệt, tùy thời còn có thể bị sát hại hàng loạt. Thế mà tôi thấy người Hoa ở thế kỷ XX so với người Hoa ở thế kỷ XIX tai họa của họ còn lớn hơn.

Điều làm chúng ta đau khổ nhất là bao mong đợi của người Hoa từ một trăm năm nay cơ hồ như đã bị tiêu tan toàn bộ. Cứ mỗi lần có một mong chờ trở lại, hứa hẹn nước nhà một tương lai sáng sủa hơn, thì kết quả lại càng làm cho chúng ta thất vọng và tình hình lại càng trở nên tệ hại hơn. Một mong chờ khác lại đến, để rồi lại đem về những ảo vọng, thất vọng, những tồi tệ liên miên vô tận.

Dân tộc cố nhiên là trường tồn, sinh mệnh của cá nhân là hữu hạn. Một đời người có được bao ước vọng lớn? Có được bao lý tưởng lớn, chịu được mấy lần tan vỡ ? Con đường trước mặt sáng sủa thế nào? Hay lại đen tối? Thật khó nói cho hết!

alt

Bốn năm trước, lúc tôi diễn giảng tại New York, đến đoạn "chối tai", có một người đứng dậy nói: "Ông từ Đài Loan đến, ông phải nói cho chúng tôi nghe về những hy vọng, phải cổ võ nhân tâm. Sao lại đi đả kích chúng tôi?". 

Con người đương nhiên cần được khích lệ, vấn đề là khích lệ rồi sau đó làm gì nữa? Tôi từ nhỏ cũng từng được khích lệ rồi. Lúc 5, 6 tuổi, tôi được người lớn nói với tôi: "Tiền đồ của Trung Quốc nằm trong tay thế hệ các cháu đấy!" Tôi cho rằng trách nhiệm của tôi lớn quá, chắc không thể nào đảm đương nổi. Sau đó tôi lại nói với con tôi: "Tiền đồ của Trung Quốc nằm trong tay thế hệ các con đấy!" Bây giờ con tôi lại nói với cháu tôi: "Tiền đồ Trung Quốc nằm trong tay thế hệ các con đấy!"

Một đời, rồi một đời, biết bao nhiêu lần một đời ? Đến đời nào thì mới thật khá lên được ? Tại Trung Quốc đại lục rộng lớn, sau thời Phản hữu (Phong trào chống phe hữu năm 1958), tiếp theo lại là Đại Cách Mạng Văn Hóa long trời lở đất. Từ ngày loài người có lịch sử đến nay chưa bao giờ thấy được một tai họa do con người làm ra to lớn đến như vậy. Chẳng nói đến tổn thất sinh mạng, cái tổn thương lớn lao nhất là sự chà đạp nhân tính, dầy xéo lên phẩm hạnh cao quý. Con người nếu rời bỏ nhân tính và những đức hạnh cao quý thì sánh với cầm thú

Bây giờ người ta nói nhiều về Hương Cảng [Hồng-Kông]. Bất cứ nước nào, nếu có đất đai bị nước ngoài chiếm cứ đều cảm thấy tủi nhục. Chờ cho đến lúc lấy được về chẳng khác nào lòng mẹ bị mất con. Ai cũng nhớ chuyện nước Pháp lúc phải cắt hai tỉnh Alsace và Lorraine giao cho Đức đã đau khổ như thế nào, lúc lấy lại được về đã sung sướng ra sao.

Nhưng Hương Cảng của chúng ta chỉ cần nghe đến việc trả về tổ quốc là lập tức hồn bay phách lạc. Chuyện gì mà lạ thế?

Còn nói về Đài Loan, hiện nay nhiều thanh niên người tỉnh này hoặc người nơi khác ở đây đều chủ trương Đài Loan độc lập. Tôi nhớ lại 30 năm trước đây, lúc Nhật Bản trả lại Đài Loan cho Trung Quốc (1945), mọi người sung sướng như si cuồng chẳng khác nào đứa con lạc mẹ lại tìm được đường về nhà. Cái gì đã xảy ra sau 30 năm đó để cho đứa con kia lại muốn bỏ nhà ra đi?


alt

Ở nước ngoài, có lúc tôi dừng lại trong công viên, nhìn trẻ con ngoại quốc, thấy sao chúng sung sướng thế. Trong lòng tôi lúc ấy tự nhiên cảm thấy thèm thuồng quá. Chúng không phải mang gánh nặng, con đường chúng đi bằng phẳng, rộng rãi quá, tâm lý khỏe mạnh, sung mãn, sảng khoái. Con trẻ Đài Loan chúng ta đến trường học, đeo kính cận, mặt khó đăm đăm vì phải đối phó với áp lực bài vở. Mẹ ngất ngã xuống đất, con đến đỡ mẹ dậy, mẹ kêu rống lên:
"Mẹ có chết cũng chẳng sao, việc gì đến con! Con đi học bài đi! Đi học bài đi!" 


Vợ tôi lúc dạy học ở Đài Loan, thỉnh thoảng cứ đề cập đến đạo đức làm người, tức thì sinh viên nhao nhao phản đối: "Chúng tôi không cần học làm người, chỉ cần học để ứng phó với việc thi cử". Lại nhìn về trẻ con ở Trung Quốc lục địa, từ nhỏ đã phải học đánh đấu nhau, lừa dối bịp bợm nhau, lại luyện tập cách lừa bạn, phản đồng chí, lại phải học cách bốc phét, bịa đặt. Một nền giáo dục đáng sợ thay! Một thế hệ nữa những đứa trẻ này lớn lên sẽ như thế nào?

Người ta thường nói: "Mình nắm tương lai mình trong tay mình". Lúc đã luống tuổi, tôi thấy câu này không ổn; sự thực, có lẽ chỉ nắm được một nửa trong tay mình, còn một nửa lại ở trong tay của kẻ khác.

Kiếp người trên đời này giống như một cục sỏi trong một máy nhào xi-măng, sau khi bị nhào trộn, thân chẳng tự chủ được. Điều ấy khiến tôi cảm thấy đó không phải là một vấn đề của riêng một cá nhân nào, nhưng là một vấn đề xã hội, văn hóa.

Lúc chết, Chúa Giê-Su (Jesus) bảo: "Hãy tha thứ cho họ, họ đã làm những điều mà họ không hề hiểu". Lúc trẻ, đọc câu này tôi cho rằng nó chỉ là một câu tầm thường. Lớn lên rồi lại vẫn thấy nó không có gì ghê gớm cả, nhưng đến cái tuổi này rồi tôi mới phát hiện rằng nó rất thâm thúy, thật đau lòng thay! Có khác nào người Trung Quốc sở dĩ trở thành xấu xí như ngày nay bởi chính vì họ không hề biết rằng mình xấu xí.


Chúng ta có đủ tư cách làm chuyện đó và chúng ta có lý do tin rằng Trung Quốc có thể trở thành một nước rất tốt đẹp. Chúng ta không cần cứ phải muốn có một quốc gia hùng mạnh. Quốc gia không hùng mạnh thì có can hệ gì ? Chỉ cần sao cho nhân dân hạnh phúc rồi thì đi tìm quốc gia hùng mạnh cũng chưa muộn.

Tôi nghĩ người Trung Quốc chúng ta có phẩm chất cao quý. Nhưng tại sao cả trăm năm rồi, cái phẩm chất ấy thủy chung vẫn không làm cho người Trung Quốc thoát khỏi khổ nạn?

Nguyên do vì sao?

Tôi muốn mạo muội đề xuất một câu trả lời có tính cách tổng hợp: Đó là vì văn hóa truyền thống Trung Quốc có một loại siêu vi trùng, truyền nhiễm, làm cho con cháu chúng ta từ đời này sang đời nọ không khỏi được bệnh.

Có người sẽ bảo: "Tự mình không xứng đáng, lại đi trách tổ tiên!". Xét cho kỹ câu nói này có một sơ hở lớn. Trong vở kịch nổi tiếng "Quần ma" (Những con ma) của Ibsen (íp-sen) có kể chuyện hai vợ chồng mắc bệnh giang mai sinh ra một đứa con cũng bị bệnh di truyền. Mỗi lần phát bệnh nó lại phải uống thuốc. Có lần tức quá nó kêu lên: "Con không uống thuốc này đâu! Con thà chết đi thôi! Bố mẹ đã cho con cái thân thể như thế này à!?" Trường hợp này thì nên trách đứa bé hay trách bố mẹ nó? Chúng ta không phải trách bố mẹ, cũng không phải trách tổ tiên chúng ta, nhưng nhất quyết phải trách cái thứ văn hóa họ đã truyền lại cho chúng ta.

Một nước rộng ngần đó, một dân tộc lớn ngần đó, chiếm đến một phần tư dân số toàn cầu, lại là một vùng cát chảy của sự đói nghèo, ngu muội, đấu tố, tắm máu mà không tự thoát được. Tôi nhìn cách cư xử giữa con người với nhau ở những nước khác mà lại càng thèm. Cái văn hóa truyền thống kiểu nào để sinh ra hiện tượng này? Nó đã khiến cho người Trung Quốc chúng ta mang sẵn trong mình nhiều đặc tính rất đáng sợ!

alt

Một trong những đặc tính rõ nhất là dơ bẩn, hỗn loạn, ồn ào. Đài Loan đã từng có một dạo phải chống bẩn và chống hỗn loạn, nhưng chỉ được mấy ngày. Cái bếp của chúng ta vừa bẩn vừa lộn xộn. Nhà cửa chúng ta cũng vậy. Có nhiều nơi hễ người Trung Quốc đến ở là những người khác phải dọn đi. Tôi có một cô bạn trẻ tốt nghiệp đại học chính trị. Cô này lấy một người Pháp rồi sang Pa-ri sinh sống. Rất nhiều bạn bè đi du lịch Âu châu đều ghé nhà cô trú chân. Cô ta bảo với tôi: "Trong tòa nhà tôi ở, người Pháp đều dọn đi cả, bây giờ toàn người Á đông nhảy vào!" (Người Á đông có khi chỉ người châu Á nói chung, có khi lại chỉ người Trung Quốc). Tôi nghe nói vậy rất buồn, nhưng khi đi xem xét tận mắt mới thấy là chỗ nào cũng đầy giấy kem, vỏ hộp, giầy dép bừa bãi, trẻ con chạy lung tung, vẽ bậy lên tường, không khí trong khu bốc lên một mùi ẩm mốc. Tôi hỏi: "Các người không thể tổ chức quét dọn được hay sao?" Cô ta đáp: "Làm sao nổi!"

alt
alt

Không những người nước ngoài thấy chúng ta là bẩn, loạn, mà qua những điều họ nhắc nhở chúng ta cũng tự thấy mình là bẩn, loạn.
Còn như nói đến ồn ào, cái mồm người Trung Quốc thì to không ai bì kịp, và trong lĩnh vực này người Quảng Đông phải chiếm giải quán quân. Ở bên Mỹ có một câu chuyện tiếu lâm như sau: Có hai người Quảng Đông lặng lẽ nói chuyện với nhau, người Mỹ lại tưởng họ đánh nhau, bèn gọi điện báo cảnh sát. Khi cảnh sát tới, hỏi họ đang làm gì, họ bảo: " Chúng tôi đang thì thầm với nhau".

Tại sao tiếng nói người Trung Quốc lại to? Bởi tâm không yên ổn. Cứ tưởng lên cao giọng, to tiếng là lý lẽ mình mạnh. Cho nên lúc nào cũng chỉ cốt nói to, lên giọng, mong lý lẽ đến với mình. Nếu không, tại sao họ cứ phải gân cổ lên như thế?

Tôi nghĩ những điểm này cũng đủ để làm cho hình ảnh của người Trung Quốc bị tàn phá và làm cho nội tâm mình không yên ổn. Vì ồn ào, dơ bẩn, hỗn loạn dĩ nhiên có thể ảnh hưởng tới nội tâm, cũng như sáng sủa, sạch sẽ với lộn xộn, dơ bẩn là hai thế giới hoàn toàn khác xa nhau.

Còn về việc xâu xé nhau thì mọi người đều cho đó là một đặc tính nổi bật của người Trung Quốc. Một người Nhật đơn độc trông chẳng khác nào một con lợn, nhưng ba người Nhật hợp lại lại thành một con rồng. Tinh thần đoàn kết của người Nhật làm cho họ trở thành vô địch.

Bởi vậy trong lĩnh vực quân sự cũng như thương mại người Trung Quốc không thể nào qua mặt được người Nhật. Ngay tại Đài Loan, ba người Nhật cùng buôn bán thì lần này phiên anh, lần sau đến lượt tôi. Người Trung Quốc mà buôn bán thì tính cách xấu xa tức thì lộ ra bên ngoài theo kiểu: Nếu anh bán 50 tôi sẽ bán 40. Anh bán 30 tôi chỉ bán 20.

Cho nên, có thể nói, mỗi người Trung Quốc đều là một con rồng, nói năng vanh vách, cứ như là ở bên trên thì chỉ cần thổi một cái là tắt được mặt trời, ở dưới thì tài trị quốc bình thiên hạ có dư. Người Trung Quốc ở một vị trí đơn độc như trong phòng nghiên cứu, trong trường thi - nơi không cần quan hệ với người khác - thì lại có thể phát triển tốt. Nhưng nếu ba người Trung Quốc họp lại với nhau, ba con rồng này lại biến thành một con heo, một con giòi, hoặc thậm chí không bằng cả một con giòi nữa. Bởi vì người Trung Quốc có biệt tài đấu đá lẫn nhau.

Chỗ nào có người Trung Quốc là có đấu đá, người Trung Quốc vĩnh viễn không đoàn kết được, tựa hồ trên thân thể họ có những tế bào thiếu đoàn kết. Vì vậy khi người nước ngoài phê phán người Trung Quốc không biết đoàn kết thì tôi chỉ xin thưa: "Anh có biết người Trung Quốc vì sao không đoàn kết không? Vì Thượng đế muốn thế. Bởi vì nếu một tỷ người Hoa đoàn kết lại, vạn người một lòng, anh có chịu nổi không? Chính ra Thượng Đế thương các anh nên mới dạy cho người Hoa mất đoàn kết!" Tôi tuy nói thế nhưng rất đau lòng.

Người Trung Quốc không chỉ không đoàn kết, mà mỗi người lại còn có đầy đủ lý do để có thể viết một quyển sách nói tại sao họ lại không đoàn kết. Cái điều này thấy rõ nhất tại nước Mỹ với những hình mẫu ngay trước mắt. Bất cứ một xã hội người Hoa nào ít nhất cũng phải có 365 phe phái tìm cách tiêu diệt lẫn nhau.

Ở Trung Quốc có câu: "Một hòa thượng gánh nước uống, hai hòa thượng khiêng nước uống, ba hòa thượng không có nước uống". Người đông thì dùng để làm gì? Người Trung Quốc trong thâm tâm căn bản chưa biết được tầm quan trọng của sự hợp tác. Nhưng nếu anh bảo họ chưa biết, họ lại có thể viết ngay cho anh xem một quyển sách nói tại sao cần phải đoàn kết.

Lần trước (năm 1981) tôi sang Mỹ ở tại nhà một người bạn làm giáo sư đại học - anh này nói chuyện thì đâu ra đấy; thiên văn, địa lý; nào là làm sao để cứu nước... - Ngày hôm sau tôi bảo:

"Tôi phải đi đến đằng anh A một tý!". Vừa nghe đến tên anh A kia, anh bạn tôi trừng mắt giận dữ. Tôi lại bảo: "Anh đưa tôi đi một lát nhé!". Anh ta bảo: "Tôi không đưa, anh tự đi cũng được rồi!".

Họ cùng dạy học tại Mỹ, lại cùng quê với nhau mà tại sao không thể cùng đội trời chung? Có thể nào nói như vậy là hợp lý được? Bởi vậy việc người Hoa cắn xé nhau là một đặc trưng nghiêm trọng.

Những người sống tại Mỹ đều thấy rõ điều này: đối xử với người Trung Quốc tệ hại nhất không phải là người nước ngoài, mà chính lại là người Trung Quốc với nhau. Bán rẻ người Trung Quốc, hăm dọa người Trung Quốc lại cũng không phải là người Mỹ mà là người Hoa. Tại Ma-lai-xi-a có một chuyện thế này. Một ông bạn tôi làm nghề khai thác mỏ khoáng sản. Anh ta bỗng nhiên bị tố cáo một chuyện rất nghiêm trọng. Sau khi tìm hiểu mới biết rằng người tố cáo mình lại là một bạn thân của anh ta, một người cùng quê, cùng đến Ma-lai-xi-a tha phương cầu thực với nhau. Người bạn tôi chất vấn anh kia: "Tại sao anh lại đi làm cái việc đê tiện đó?". Người kia bảo: "Cùng đi xây dựng cơ đồ, bây giờ anh giàu có, tôi vẫn hai tay trắng. Tôi không tố cáo anh thì tố ai bây giờ?"

Cho nên kẻ thù của người Trung Quốc lại là người Trung Quốc. 

alt

Không hiểu vì sao người ta lại so sánh người Trung Quốc với người Do Thái được? Tôi thường nghe nói "người Trung Quốc và người Do Thái giống nhau ở chỗ cần cù". Điều này phải chia làm hai phần:

Phần thứ nhất: cái đức tính cần cù từ mấy nghìn năm nay cũng chẳng còn tồn tại nữa, nó đã bị thời kỳ "Tứ nhân bang" (bè lũ bốn tên) phá tan tại lục địa rồi.

Phần thứ hai: chúng ta còn gì để có thể đem so sánh với người Do Thái được? Báo chí Trung Quốc thường đăng: "Quốc hội Do Thái (Knesset) tranh luận mãnh liệt, ba đại biểu là ba ý kiến trái ngược nhau", nhưng cố ý bỏ sót một sự kiện quan trọng là sau khi họ đã quyết định với nhau thì hình thành một phương hướng chung. Tuy bên trong quốc hội tranh cãi tơi bời, bên ngoài đang giao chiến, bốn phía địch bao vây, nhưng I-xra-en vẫn tổ chức bầu cử.

Ai cũng biết cái ý nghĩa của bầu cử là vì có đảng đối lập. Không có đảng đối lập thì bầu cử chỉ là một trò hề rẻ tiền.


Tại Trung Quốc chúng ta, hễ có ba người sẽ cũng có ba ý kiến, nhưng cái khác nhau là: sau khi đã quyết định xong, ba người đó vẫn làm theo ba phương hướng khác nhau. Giống như nói hôm nay có người đề nghị đi New York, người đề nghị đi San Francisco. Biểu quyết, quyết định đi New York, nếu ở I-xra-en cả hai người sẽ cùng đi New York, nhưng ở Trung Quốc thì một người sẽ bảo: "Anh đi New York đi, tôi có tự do của tôi, tôi đi San Francisco!"

Người Trung Quốc không thể đoàn kết, hay cắn xé nhau, những thói xấu đó đã thâm căn cố đế. Không phải vì phẩm chất của họ không đủ tốt. Nhưng vì con siêu vi trùng trong văn hóa Trung Quốc ấy làm cho chúng ta không thể đè nén, khống chế hành vi của chúng ta được. Biết rõ rành rành là xâu xé nhau, nhưng vẫn xâu xé nhau. Nếu nồi vỡ thì chẳng ai có ăn, nhưng nếu trời sụp thì người nào cao hơn người đó phải chống đỡ.

Cái loại triết học xâu xé nhau đó lại đẻ ra nơi chúng ta một hành vi đặc thù khác: "Chết cũng không chịu nhận lỗi". Có ai nghe thấy người Trung Quốc nhận lỗi bao giờ chưa? Giả sử anh nghe một người Trung Quốc nói: "Việc này tôi đã sai lầm rồi!" Lúc đó anh phải vì chúng tôi mà uống rượu chúc mừng.

Con gái tôi hồi bé có một lần bị tôi đánh, nhưng cuối cùng hóa ra là nó bị oan. Nó khóc rất dữ, còn tâm can tôi thì đau đớn. Tôi biết rằng đứa con thơ dại và vô tội của tôi chỉ biết trông cậy vào bố mẹ, mà bố mẹ bỗng nhiên trở mặt thì nó phải sợ hãi biết nhường nào. Tôi ôm con vào lòng rồi nói với nó: "Bố xin lỗi con. Bố không đúng. Bố làm sai. Bố hứa lần sau bố không làm như vậy nữa. Con gái ngoan của bố, con tha thứ cho bố nhé!" Nó khóc mãi không thôi. Cái sự việc này qua rồi mà lòng tôi vẫn còn đau khổ. Nhưng đồng thời tôi lại cảm thấy vô cùng kiêu hãnh bởi tôi đã dám tự nhận lỗi của mình đối với nó.

alt

Người Trung Quốc không quen nhận lỗi và có thể đưa ra hàng vạn lý do để che dấu cái sai trái của mình. Có một câu tục ngữ: "Đóng cửa suy gẫm lỗi lầm" (Bế môn tư quá). Nghĩ về lỗi của ai ? Dĩ nhiên của đối phương.

Lúc tôi đi dạy học, học sinh hàng tuần phải viết tuần ký để kiểm thảo hành vi trong tuần. Kết quả kiểm thảo thường là: "Hôm nay tôi bị người này người nọ lừa tôi. Cái người lừa tôi ấy đã được tôi đối xử mới tốt làm sao, cũng bởi vì tôi quá trung hậu!". Lúc đọc đến kiểm thảo của đối phương, lại cũng thấy anh học trò kia nói mình quá trung hậu. Mỗi người trong kiểm thảo của mình đều là người quá trung hậu. Thế còn ai là người không trung hậu?

Người Trung Quốc không thể nhận lỗi, nhưng cái lỗi vẫn còn đó, đâu phải vì không nhận mà nó biến mất. Để che đậy một lỗi của mình người Trung Quốc không nề hà sức lực tạo nên càng nhiều lỗi khác hòng chứng minh rằng cái đầu tiên không phải là lỗi. Cho nên có thể nói người Trung Quốc thích nói khoác, nói suông, nói dối, nói láo, nói những lời độc địa.

Họ liên miên khoa trương về dân Trung Quốc, về tộc Đại Hán, huyên thuyên về truyền thống văn hóa Trung Quốc, nào là có thể khuếch trương thế giới,v.v...Nhưng bởi vì không thể đưa ra chứng cớ thực tế nào nên tất cả chỉ toàn là những điều bốc phét.

Tôi chẳng cần nêu ví dụ về chuyện nói khoác, láo toét làm gì. Nhưng về chuyện nói độc của người Trung Quốc thì không thể không nói được. Ngay như chuyện phòng the, người phương Tây vốn rất khác chúng ta, họ thường trìu mến gọi nhau kiểu "Em yêu, em cưng" [Bá Dương dùng chữ "đường mật" và "ta linh" để dịch chữ Honey, Darling của tiếng Anh -ND] thì người Trung Quốc gọi nhau là "kẻ đáng băm vằm làm trăm khúc" (sát thiên đao đích).

Hễ cứ có dính đến lập trường chính trị hoặc tranh quyền đoạt lợi là những lời nói độc địa sẽ được tuôn ra vô hạn định, khiến cho ai nấy nghe thấy cũng phải tự hỏi: "Tại sao người Trung Quốc lại độc ác và hạ lưu đến thế?"

Lại nói ví dụ về chuyện tuyển cử. Nếu là người phương Tây thì tác phong như sau: "Tôi cảm thấy tôi có khả năng giữ chức vụ đó, xin mọi người hãy bầu cho tôi!". Còn người Trung Quốc sẽ xử sự như Gia Cát Lượng lúc Lưu Bị tới cầu hiền (tam cố thảo lư). Nghĩa là nếu được mời, anh ta sẽ năm lần bảy lượt từ chối, nào là "Không được đâu! Tôi làm gì có đủ tư cách!" Kỳ thực, nếu anh tưởng thật mà đi mời người khác thì anh ta sẽ hận anh suốt đời.

Chẳng khác nào nếu anh mời tôi diễn giảng, tôi sẽ nói: "Không được đâu, tôi chẳng quen nói chuyện trước công chúng!" Nhưng nếu anh thật sự không mời tôi nữa, sau này nếu nhỡ lại gặp nhau ở Đài Bắc, có thể tôi sẽ phang cho anh một cục gạch vào đầu.

Một dân tộc hành xử theo kiểu này không biết đến bao giờ mới có thể sửa đổi được lầm lỗi của mình; sẽ còn phải dùng mười cái lỗi khác để khỏa lấp cái lỗi đầu tiên, rồi lại dùng thêm trăm cái khác để che đậy mười cái kia thôi.

Trung Quốc diện tích rộng thế, văn hóa lâu đời thế, đường đường là một nước lớn. Thế mà, thay vì có một tấm lòng bao la, người Trung Quốc lại có một tâm địa thật hẹp hòi.

Cái tấm lòng bao la đáng lẽ chúng ta phải có ấy chỉ đọc thấy được trong sách vở, nhìn thấy được trên màn ảnh. Có ai bao giờ thấy một người Trung Quốc có lòng dạ, chí khí sánh ngang được với tầm vóc nước Trung Quốc không? Nếu chỉ cần bị ai lườm một cái là đã có thể rút dao ra rồi, thử hỏi nếu có người không đồng ý với mình thì sự thể sẽ ra sao?

Người Tây phương có thể đánh nhau vỡ đầu rồi vẫn lại bắt tay nhau, nhưng người Trung Quốc đã đánh nhau rồi thì cừu hận một đời, thậm chí có khi báo thù đến ba đời cũng chưa hết.

Mọi người Trung Quốc đều sợ sệt đến độ không còn biết quyền lợi mình là gì thì làm sao còn biết đấu tranh, gìn giữ nó được? Mỗi khi gặp một chuyện gì xảy ra y nhiên lại nói: "Bỏ qua cho rồi!"

Mấy chữ "bỏ qua cho rồi" này đã giết hại không biết bao nhiêu người Trung Quốc và đã biến dân tộc Trung Quốc thành một dân tộc hèn mọn.

Giả sử tôi là một người nước ngoài hoặc một bạo chúa, đối với loại dân tộc như thế, nếu tôi không ngược đãi nó thì trời cũng không dung tôi.

Cái não trạng hãi sợ này đã nuôi dưỡng bao nhiêu bạo chúa, làm tổ ấm cho bao nhiêu bạo quan. Vì vậy bạo chúa bạo quan ở Trung Quốc không bao giờ bị tiêu diệt.

Trong truyền thống văn hóa Trung Quốc, các vị có thể xem ở "Tư trị thông giám" (Một pho sử của Tư Mã Quang tóm hết chuyện hơn 2.000 năm để làm gương cho người đời sau), cái việc bo bo giữ mình đã được xem là kim chỉ nam và nhấn mạnh năm lần bảy lượt. Bạo chúa, bạo quan cũng chỉ cần dân chúng cứ bo bo giữ mình là được, cho nên người Trung Quốc mới càng ngày càng khốn đốn đến như thế.

Nơi nào người Trung Quốc đã đặt chân đến thì không thể có chỗ nào là không bẩn. Có hơn một tỷ người Trung Quốc trên thế giới này, làm sao mà không chật chội được? Ngoài ồn, chật, bẩn, loạn, lại còn thêm cái tật "thích xem" (người khác đau khổ), hoặc "chỉ quét tuyết trước nhà mình mà không động tý gì đến sương trên mái ngói nhà người khác".

Họ luôn mồm "nhân nghĩa" mà tâm địa ích kỷ, tham lam. Một đằng hô to khẩu hiệu: "Phải tử tế với người và súc vật!", trong khi đó ngày ngày không ngừng xâu xé lẫn nhau.

Tóm lại, người Trung Quốc đúng là một dân tộc vĩ đại, vĩ đại đến độ làm cho người đời nay không có cách nào hiểu nổi tại sao họ có thể tồn tại được trên quả địa cầu này những 5.000 năm?


Bá Dương


**************************************************


MAO TRẠCH ĐÔNG CUỘC ĐỜI CHÍNH TRỊ VÀ TÌNH DỤC - PHẦN 1

Giờ Phút Cuối Cùng Của Mao Trạch Đông


Lý Chí Thỏa - Trần Trung Đạo Lược Dịch


"Thưa chủ tịch, chủ tịch cho gọi tôi ?" Mao Trạch Ðông cố mở mắt và nhấp môi. Mặc dù tôi cố trườn người tới trước để lắng nghe, nhưng chẳng nghe được gì ngoài tiếng "A a..." đứt khoảng. Chiếc mặt nạ chuyễn dưỡng khí tuột ra khỏi mặt, Mao đang ráng sức thở. Ðầu óc ông ta có thể còn tỉnh táo nhưng tiếng nói thì quả thật chẳng còn hy vọng gì. Với tư cách là bác sĩ riêng của Mao Trạch Ðông, tôi điều hành một y đội gồm 16 bác sĩ tài giỏi nhất Trung Quốc và được phụ giúp bởi 24 y tá giàu kinh nghiệm nhất cùng nhau lo một việc chung là cứu mạng Mao Trạch Ðông kể từ khi ông ta bị chấn động tim lần thứ hai ngày 26 tháng sáu năm 1976. Y đội được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm gồm ba bác sĩ và tám y tá để thay phiên nhau trực suốt ngày đêm bên cạnh Mao. Cá nhân tôi thì phải có mặt 24 trên 24, tôi chỉ ngủ vài ba tiếng đồng hồ mỗi đêm trong một văn phòng nhỏ sát với phòng bệnh của Mao Trạch Ðông.
Trong lúc đó thì nhân dân Trung Quốc chẳng biết một tí gì về tình trạng sức khỏe của lãnh tụ họ ngoài việc đoán mò qua những tấm hình hoạn hoằn lắm mới xuất hiện trên báo chí. Báo chí Cộng Sản thì bao giờ cũng lập đi lập lại một giọng điệu cố hữu rằng Chủ Tịch Mao sức khỏe vẫn dồi dào, mỗi buổi sáng nhiều trăm triệu dân vẫn tiếp tục hát bài "Suy Tôn Mao Chủ Tịch Sống Lâu Muôn Tuổi" Nhưng với chúng tôi, thì sinh mạng Mao Trạch Ðông chỉ còn tính bằng giờ và ngay cả thậm chí bằng phút. Bộ Chính Trị Ðảng Cộng Sản Trung Hoa cũng chia thành từng cặp kèm chế lẫn nhau, dựa theo cấp bực Ðảng và lập trường chính trị của mỗi cá nhân, để túc trực bên cạnh Mao. Ví dụ như Hoa Quốc Phong, một ủy viên đứng hàng thứ hai trong Bộ Chính Trị nhưng có lập trường ôn hòa cặp đôi với Vương Hồng Văn, ủy viên chính trị trẻ tuổi nhất nhưng lại có lập trường chính trị cực đoan tả khuynh. Hoa Quốc Phong phải nói là một trong những người trung thành và tận tụy với Mao nhất. Có lần chúng tôi đề nghị một phương pháp khá mới mẻ so với kỷ thuật y khoa lúc bấy giờ tại Trung Quốc là chạy một đường ống từ mủi xuống tới dạ dày Mao Trạch Ðông để có thể theo đó chuyền thức ăn. Trong đám lãnh tụ Cộng Sản chỉ có một mình Hoa Quốc Phong là dám tình nguyện dùng thân thể chính mình để làm thí nghiệm trước. Tôi có cảm tình với Hoa Quốc Phong, tư cách và phong độ của ông ta thật hiếm hoi trong hàng ngũ lảnh tụ Cộng Sản suy thoái và thối nát. Khi chính sách "Bước Tiến Nhảy Vọt" của Mao thất bại, nền kinh tế vào giai đoạn suy thoái trầm trọng, các lảnh đạo Cộng Sản địa phương vẫn tiếp tục trò báo cáo láo rằng năng suât gia tăng, chỉ có mỗi Hoa Quốc Phong đủ can đảm nói "nhân dân đang sụt cân, gia súc đang sụt cân, và ngay cả đất đai cũng sụt cân". Mao Trạch Ðông chọn Hoa Quốc Phong thừa kế mình cả vị trí trong đảng lẫn ngoài chính phủ, ngoài việc nhận thấy đức tính trung thành trong người Hoa Quốc Phong, còn nhằm mụch đích để cân đối cán cân quyền lực trong hàng ngũ lãnh đạo Cộng đảng Trung Hoa đang đấu tranh giữa hai phe Giang Thanh và Ðặng Tiểu Bình.

Trở lại với tình trạng sức khỏe của Mao, khoảng nửa đêm ngày 8 tháng 9 năm 1976, các bác sĩ chích cho Mao một mũi nhân sâm để kích thích nhịp tim của ông ta. Áp suất máu nhờ vậy đã tăng được chút ít và mạch cũng bắt đầu đập rõ hơn nhưng tôi biết những cải thiện đó chỉ có tích cách tạm thời. Hoa Quốc Phong kéo tôi ra ngoài và hỏi "Liệu còn cách nào khác không ?" Tôi nói là không. Im lặng, tôi nhìn Hoa Quốc Phong. Không khí dường như ngưng đọng lại. Âm thanh duy nhất trong phòng là tiếng nhịp đều của chiếc máy bơm dưỡng khí. Tôi lắc đầu và nói nhỏ với họ Hoa "Chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể làm".

Hoa Quốc Phong quay lại phía Uông Ðông Hưng, ủy viên Bộ Chính Trị, Giám Ðốc Ủy Ban Tổng Lý Quốc Vụ chuyên trách về các vấn đề Ðảng kiêm chỉ huy trưởng lực lượng anh ninh, chỉ thị: "Mời đồng chí Giang Thanh và các ủy viên Bộ Chính Trị ở Bắc Kinh đến đây ngay, đồng thời thông báo cho các ủy viên Bộ Chính Trị các miền trên toàn quốc báo cáo về Bắc Kinh". Sau khi Uông Ðông Hưng vừa đi ra ngoài thì một y tá chạy ra gặp tôi "Thưa Bác Sĩ Lý, cô Trương Ngọc Phượng nói rằng Mao Chủ Tịch muốn gặp bác sĩ", tôi hớt hải chạy vào bên trong.

Trương Ngọc Phượng nguyên là một tiếp viên trên chiếc xe lửa đặc biệt Mao Trạch Ðông thường dùng đi thanh tra các địa phương, bây giờ cô ta là thư ký tin cẩn của Mao. Tôi gặp cô ta lần đầu khi bắt gặp cô ta và Mao Trạch Ðông đang nhảy đầm trong một dạ tiệc do Mao tổ chức ở Trân Sa. Lúc đó nàng là một cô gái mười tám tuổi ngây thơ vô tội, có đôi mắt đen tròn và làn da trắng mịn màng. Tôi thấy cô ta cùng Mao Trạch Ðông ôm nhau nhảy và đêm đó Phượng đã ở lại với Mao. Mặc dù ghiền rượu nặng, Trương Ngọc Phượng đã xoay xở để giữ được lòng tin cậy ở Mao. Ngoại trừ tôi, bất cứ ai cũng phải được sự chấp thuận của Phượng trước khi được đến gần Mao. Có một lần khoảng tháng 6 năm 76, Hoa Quốc Phong đến gặp Mao trong lúc Trương Ngọc Phượng đang ngủ trưa, không ai dám đánh thức cô ta dậy, mãi hai tiếng đồng hồ cô ta vẫn chưa thức, thế là hôm đó Hoa Quốc Phong, dù là một nhân vật quyền lực chỉ xếp sau Mao, đành phải ra về không gặp được Mao Trạch Ðông. Một chuyện khác đã xảy ra cùng năm khi Ðặng Tiểu Bình bị bịnh và đang bị đối thủ tấn công về mặt chính trị, cô lập khỏi gia đình ông ta. Con gái của Ðặng viết thư cho Mao để yêu cầu ông ta can thiệp cho cô ta được ở gần để săn sóc cho cha. Trương Ngọc Phượng vì lý do gì đó chẳng thèm giao thư cho Mao, và kết quả là con gái của Ðặng Tiểu Bình không được gần cha. Quyền lực của Trương Ngọc Phượng ngày càng mạnh một phần cũng nhờ vào năng khiếu đặt biệt của cô ta để hiểu được giọng nói về già rất khó nghe của Mao. Cả tôi nhiều khi cũng phải nhờ cô ta giải thích.

Trương Ngọc Phượng, lúc đó, nói với tôi "Thưa bác sĩ, Mao Chủ Tịch muốn biết còn một hy vọng nào không ?". Với nhiều cố gắng, Mao gật đầu đồng ý với lời dịch của Trương Ngọc Phượng. Mao trườn tay để nắm lấy tay tôi. Mạch trong người Mao rất yếu và khó tìm. Ðôi má phính tròn của họ Mao, rất quen thuộc với nhân dân Trung Hoa đã xẹp lép, nước da đã đổi sang màu xám tro. Ánh mắt Mao nhìn lơ đãng, mất đi sự thu hút bình thường. Ðồ thị trên chiếc máy đo nhịp tim đã chạy bất thường. Các ủy viên Bộ Chính Trị như Hoa Quốc Phong, Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn và Uông Ðông Hưng đã lần lượt đến một cách âm thầm. Thình lình Giang Thanh cũng vừa bước vào vừa hét "Có ai nói dùm với tôi chuyện gì đang xảy ra không ?". Giang Thanh là vợ thứ tư của Mao. Hai người kết hôn ở Diên An năm 1938. Sau 1949, Giang Thanh bắt đầu nhàm chán với đời sống bất động của một phu nhân chủ tịch. Khi Cách Mạng Văn Hóa do Mao phát động xảy ra, Giang Thanh mới cơ hội xây dựng quyền lực riêng cho bà ta và được bầu vào Bộ Chính Trị. Cũng từ đó Mao và Giang Thanh hướng tới hai cuộc sống riêng biệt nhưng Mao chưa bao giờ cảm thấy thích hợp để ly dị Giang Thanh và cưới vợ khác. Ðối với Giang Thanh, không phải dể dàng để chấp nhận sự có mặt của Trương Ngọc Phượng, nhưng cuối cùng bà ta cũng đành đầu hàng hoàn cảnh. Từ đó bà ta lại tỏ ra ve vản Trương Ngọc Phượng để qua trung gian Trương Ngọc Phượng mà tiếp xúc với Mao. Bịnh trạng của Mao cũng làm Giang Thanh vừa lo sợ vừa hy vọng, lo sợ vì biết đâu quyền lực của bà tạo dựng bao năm cũng chết theo Mao, hy vọng vì có thể sau khi Mao chết bà sẽ được chọn làm người thừa kế. Hoa Quốc Phong ngắt lời Giang Thanh "Ðồng chí Giang Thanh, Mao Chủ Tịch đang nói chuyện với với Bác Sĩ Lý".

Tôi cố gắng an ủi Mao, dù tôi biết chẳng còn chút hy vọng gì. Kể từ sau biến cố Lâm Bưu, sức khoẻ Mao đã trở nên sa sút. Mặc dù bịnh, Mao không cho phép chửa trị mãi cho khoảng 3 tuần trước khi Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon chính thức viếng thăm Trung Quốc, Mao mới ra lịnh cho tôi bắt đầu chửa trị nhưng lúc đó tim, phổi của Mao đã bị suy yếu trầm trọng. Tôi đón tiếp Tổng Thống Nixon ở cửa và đưa ông ta vào phòng đọc sách của Mao. "Thưa chủ tịch, không sao đâu, chúng tôi vẫn còn có thể chửa trị cho chủ tịch". Bàn tay Mao vẫn còn trong tay tôi. Trong phút chốc ánh mắt Mao có vẻ hài lòng nhưng sau đó bỗng dưng nhắm lại và đó cũng là lúc trút hơi thở cuối cùng. Bàn tay ông ta đã vuột khỏi tay tôi. Biểu đồ trên chiếc máy đo nhịp tim đã chạy thành đường ngang dài. Tôi nhìn đồng hồ, lúc đó là 12 giờ 10 phút sáng, ngày 9 tháng 9 năm 1976.

Tôi không cảm thấy một chút gì tiếc thương cho cái chết của Mao mặc dù sau 22 năm kề cận bên ông ta. Hình ảnh của Mao Trạch Ðông như một vị cứu tinh dân tộc đã chết trong lòng tôi từ lâu lắm. Giấc mơ của tôi về một Trung Hoa bình đẳng đã tan nát từ nhiều năm trước đó. Tôi chẳng còn tin ở chủ nghĩa Cộng Sản mặc dù tôi vẫn còn là một đảng viên. Ý nghĩ của tôi trước cái chết của Mao rằng một kỷ nguyên đã qua, thời đại Mao Trạch Ðông đã chấm dứt. Giang Thanh nhìn chăm chăm vào mặt tôi và nói "Các người đang làm gì, các người sẽ phải chịu trách nhiệm cho cái chết của Mao Chủ Tịch". Tôi chẳng lạ gì con người Giang Thanh, từ năm 1972 bà ta đã từng tố cáo tôi là gián điệp. Hoa Quốc Phong lại lần nữa can thiệp với sự tán đồng của Vương Hồng Văn "Chúng tôi đã ở đây từ đầu, các đồng chí bác sĩ đã tận lực". Giang Thanh là lãnh tụ của nhóm cực đoan tả khuynh được sự ủng hộ của Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và đứa cháu của Mao là Mao Viễn Tân. Vương Hồng Văn là thành viên trẻ nhất của Bộ Chính Trị. Vương đã từ một cán bộ an ninh ở một nhà máy trở nên một ủy viên Bộ Chính Trị trong một thời gian kỷ lục và không ai hiểu tại sao. Vương cao ráo, đẹp trai, thọat nhìn có vẻ thông minh nhưng lại là người thiếu học và ngu dốt. Trong thời gian Mao bịnh, Vương Hồng Văn lại thích đi săn hoặc coi phi chưởng nhập cảng từ Hương Cảng. Hoa Quốc Phong chỉ thị cho Uông Ðông Hưng "Triệu tập Bộ Chính Trị ngay". Chúng tôi rời phòng để chờ kết quả từ phiên họp của Bộ Chính Trị. Một lúc sau, Uông Ðông Hưng bước ra và bảo chúng tôi rằng Bộ Chính Trị muốn chúng tôi giữ xác Mao hai tuần để nhân dân được bày tỏ lòng kính trọng. Hầu hết bác sĩ đều đồng ý việc giữ xác Mao trong hai tuần thì không có gì là khó khăn lắm. Bộ Chính Trị vẫn còn tiếp tục họp thì Thống Chế Diệp Kiếm Anh và Uông Ðông Hưng cho người tìm tôi. Tôi bước vào phòng nơi 17 ủy viên Bộ Chính Trị khu Bắc Kinh đang họp và được Uông Ðông Hưng trao cho bản tuyên bố trước toàn đảng, toàn dân, toàn quân mà Bộ Chính Trị vừa soạn thảo. Tôi sững sốt khi biết Bộ Chính Trị vừa mới quyết định thi thể của Mao sẽ được giữ vĩnh viễn. Tôi chống đối vì đây là một chuyện không thể làm được.

Tôi nhớ lại chuyến đi Liên Xô cùng với Mao năm 1957, tôi có ghé thăm xác Lenin và Stalin. Tôi được biết là mũi tai của Lenin cũng như cơ thịt của Stalin đều rả nát. Kỷ thuật của Liên Xô dĩ nhiên là tối tân hơn Trung Quốc nhiều. Thống Chế Diệp Kiếm Anh cũng xen vào. Diệp Kiếm Anh là một trong những đảng viên đầu tiên của đảng Cộng Sản Trung Hoa, một trong những người thành lập ra quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Diệp Kiếm Anh đề nghị tôi liên lạc với sở thủ công mỹ nghệ để nhờ họ giúp làm một tượng Mao bằng sáp để phòng hờ. Tôi cảm thấy nhẹ nhỏm phần nào vì ít nhất cũng có Thống Chế Diệp Kiếm Anh biểu lộ đồng tình mặc dù chuyện giữ xác Mao vĩnh viễn là chuyện không thể nào thay đổi được. Sau nhiều giờ sữa soạn, chúng tôi đưa xác Mao đến quàng ở Nhân Dân Ðại Sảnh, Mao sẽ được giữ ở đó hai tuần. Những đấu tranh quyền lực trong nội bộ lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc bây giờ tập trung vào việc tranh giành nhau các tài liệu bí mật của Mao nhất là các tài liệu liên hệ đến Giang Thanh bà đồng bọn, những người mà sau đó được gọi là "Bọn Bốn Người" bao gồm Giang Thanh, Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều và Diêu Văn Nguyên. Trong lúc đó thì chúng tôi tập trung nghiên cứu phương pháp để giữ xác Mao. Chúng tôi điều tra các phương pháp cổ điển ở Trung Quốc. Nhiều khám phá trong khảo cổ học tìm thấy nhiều xác vẫn còn gần như nguyên vẹn sau khi chôn dưới đất nhiều trăm năm nhưng khi khai quật lên không bao lâu thì tan rả ngay vì tiếp xúc với không khí. Chúng tôi muốn biết làm thế nào Liên Xô đã bảo vệ được xác Lê-nin nhưng quan hệ giữa hai nước quá tệ hại đến nỗi gởi chuyên viên qua Liên Xô để học kỹ thuật ướp xác là chuyện không thể đặt ra. Thay vì đó, chúng tôi gởi chuyên viên qua Hà Nội để nghiên cứu xác Hồ Chí Minh. Chuyến đi là một thất bại vì không ai chịu giãi thích. Hai chuyên viên chúng tôi gởi đi chưa hề thấy xác Hồ và họ được chính quyền Cộng Sản Việt Nam thông báo là lổ mũi Hồ đã rớt ra và bộ râu Hồ đã rụng hết rồi. Cuối cùng chỉ còn có cách là sữa đổi đôi chút phương pháp chúng tôi đang làm. Ngoại trừ óc, tất cả bộ phận bên trong như tim, gan, phèo phổi.. của Mao đều được lấy ra và được độn vào đó bằng bông vải chứa chất formaldehyde, một đường ống gắn vào cổ Mao để bôm formaldehyde sau mỗi gian đoạn thời gian. Công việc được tiến hành trong suốt một năm trong một bệnh viện bí mật nằm sâu dưới đất. Ngày 18 tháng 9 năm 1977 là ngày khánh thành Lăng Mao Chủ Tịch ở quảng trường Thiên An Môn. Hôm đó xác Mao được đưa đến từ bịnh viện bí mật. Khoảng nửa triệu người đã tập trung để làm lễ tưởng niệm Mao.

Ba giờ rưởi chiều, cả nước đều ngưng tất cả các hoạt động để làm lễ truy điệu Mao. Vương Hồng Văn đọc diễn văn khai mạc, và sau đó Hoa Quốc Phong đọc bài điếu. Năm giờ rưởi chiều tôi mệt mỏi trở về căn phòng ở Trung Nam Hải. Chỉ vài phút sau thì Uông Ðông Hưng gọi lại cho tôi biết bốn ngày nữa tôi phải báo cáo trước Bộ Chính Trị về cái chết của Mao. Sau khi thức trắng đêm để soạn thảo bản báo cáo, sáng ngày 21 tháng 9 tôi đệ trình lên Hoa Quốc Phong. Khi tôi và các cộng sự viên đến Nhân Dân Ðại Sảnh đến thì Bộ Chính Trị đang họp. Tôi nghe tiếng Ðại Tướng Trần Bá Liên đang hăm he từ chức tư lịnh quân khu Bắc Kinh. Hoa Quốc Phong đề nghị Bộ Chính Trị tạm ngưng để nghe chúng tôi báo cáo về bệnh trạng đã dẫn đến cái chết của Mao.

Mao Trạch Đông Cuộc Đời Chính Trị Và Tình Dục - Chương 2
Vào Đảng

Lý Chí Thỏa - Trần Trung Đạo Lược Dịch - tvvn.org

Hôm đó là ngày 31 tháng giêng năm 1949. Trong lúc tôi đang hành nghề Bác Sĩ trên một chiếc tàu buôn ở Sydney thì nghe tin Bắc Kinh đã rơi vào tay Cộng Sản không tốn một viên đạn. Năm đó tôi 29 tuổi. Nhân dân Bắc Kinh đổ xô ra đường chào mừng quân "giải phóng". Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đang được thành lập ở Bắc Kinh. Mặc dầu quân đội Quốc Dân Ðảng của Tưởng Giới Thạch vẫn còn đang chiến đấu nhưng mọi người đều biết rằng quân đội Cộng Sản gần như đã nắm chắc phần thắng. 

Bắc Kinh là quê hương tôi. Trong suốt 13 năm của thời thơ ấu tôi đã lớn lên bên trong bốn bức tường kín của một gia đình thượng lưu trí thức giàu có. Gia trang đồ sộ của gia đình họ Lý chúng tôi tọa lạc ở phía nam Tử Cấm Thành. Mặc dù ông nội tôi là người giàu có nhưng ông cũng rất hay giúp đỡ người nghèo khó. Dù sao sự giàu sang của gia đình tôi cũng đã làm ngăn cách cuộc sống riêng tư của tôi và thế giới bên ngoài. Mẹ tôi thường ngăn cấm tôi ra ngoài xóm. Tôi được nuôi dưỡng và dạy dỗ để nối nghiệp cha ông làm nghề thầy thuốc. Chú tôi đã trở nên một bác sĩ và cha tôi thì không chịu đóng khung trong truyền thống gia đình mà còn đi xa hơn. Năm 1920 ông từ giã mẹ con tôi để sang Pháp theo học chương trình vừa học vừa làm. Cùng đi trong nhóm với ông có Chu Ân Lai. Chu Ân Lai là một người Cộng Sản trong lúc cha tôi lại là một viên chức cao cấp trong chính phủ Quốc Dân Ðảng của Tưởng Giới Thạch. Dù không cùng lý tưởng nhưng cả hai đều giữ được tình bạn mãi cho đến ngày cha tôi qua đời. Khi cha tôi trở về ông mang theo người vợ Pháp. Mẹ tôi là một người mẹ truyền thống Trung Hoa, đơn giản, ít học, vẫn giữ tục bó chân và có tấm lòng độ lượng. Dù sao bà vợ Pháp của cha tôi cũng tỏ ra rất lịch sự, trọng lễ nghĩa và đối xử với mọi người, nhất là với tôi, rất tử tế. Bà ta dạy tiếng Pháp ở trường Ðại Học Bắc Kinh. Tánh tình của cha con tôi thì không hợp nhau chút nào. Truyền thống gia đình chúng tôi là thương yêu và hy sinh cho đồng bào nhưng cha tôi thì lại thuộc mẫu người tham lam quyền lực và ích kỷ. Không lâu sau khi trở về, ông ta dắt bà vợ Pháp vào Nam Kinh theo Tưởng Giới Thạch. Tôi cảm thấy xấu hổ cho tánh tình cha tôi. Sự thiếu thiện cảm của tôi đối với chính quyền Quốc Dân Ðảng một phần cũng từ những ấn tượng không hay của tôi về cha tôi mà ra. 

Giống như hầu hết những thanh niên Trung Hoa cùng thế hệ, tôi lớn lên mang theo tấm lòng yêu nước, niềm kiêu hãnh về gia tài văn hóa, thi ca, nghệ thuật đồ sộ tích lũy từ mấy ngàn năm lịch sử Trung Quốc. Tôi đau lòng khi học về những suy thoái và tủi nhục nước tôi đã chịu đựng trong suốt thế kỷ qua. Tôi học những thất bại nhục nhã trong chiến tranh nha phiến chống lại Anh, kế đến là những cuộc xâm lăng của quân đội Pháp, Nhật, Nga. Tôi cảm thấy vô cùng hổ thẹn khi nghe người ta nhắc đến câu chuyện về cái bảng cấm đã một thời treo trước cổng công viên Thượng Hải "Cấm người Trung Hoa và chó". Năm tôi mười một tuổi, quân Nhật chiếm hết miền bắc Mãn Châu, một chế độ bù nhìn được dựng lên gọi là Mãn Châu Quốc. Mẹ con tôi chạy về phía Nam lánh giặc và tôi theo học tại một trường đạo Tin Lành thuộc phái Methodist của Mỹ lập ra. Trong thời gian đó tôi cũng biết đến chủ nghĩa Cộng Sản qua trung gian của người anh cùng cha khác mẹ đang theo học y khoa ở trường Ðại Học Thượng Hải. Anh ta gia nhập đảng Cộng Sản từ năm 1935. Anh thường kể tôi nghe về tội ác của chủ nghĩa tư bản, rao giảng niềm tin về một xã hội bình đẳng và một thế giới không còn cảnh người bóc lộc người. Anh tố cáo chính phủ Quốc Dân Ðảng là tham nhũng thối nát và không thực tình muốn đánh Nhật. Anh tặng tôi ba cuốn sách để đọc: Cuốn truyện "Câu Chuyện về Kế Hoạch Năm Năm Lần Thứ Nhất", cuốn tiểu thuyết "Thép Ðã Tôi Thế Ðấy" của Ostrovsky và một cuốn của nhà báo Pháp Henri Barbusse viết về những đóng góp của Stalin đối với cách mạng. Anh ta dạy tôi rằng chỉ có chủ nghĩa Cộng Sản mới có thể cứu vãn được Trung Hoa và chỉ có cặp bài trùng Mao Trạch Ðông - Chu Ðức mới đủ khả năng lãnh đạo nhân dân đạt đến mụch đích đó. Tôi cũng biết Lỗ Tấn, nhà văn mà tôi ưa chuộng nhất cũng say mê lý tưởng Cộng Sản. 

Cũng vào thời gian nầy năm 1936, một người anh họ giới thiệu tôi một người con gái có tên là Ngô Thận Nhàn hay Ly Liên như tôi thường gọi và tiếng sét ái tình đã đánh trúng trái tim chúng tôi ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên ấy. Ly Liên cũng theo đạo Tin Lành và sinh trưởng trong một gia đình giàu có. Dù cả mười năm sau chúng tôi mới cưới nhau và hoàn cảnh chiến tranh đẩy đưa đây đó nhưng chúng tôi vẫn cố xoay xở để được ở gần nhau. Năm 1939 tôi theo học Y Khoa tại Ðại Học Tây Hoa do một giòng truyền giáo Gia Nã Ðại thành lập. Sau khi hoàn tất chương trình nội trú vào năm 1945 nhằm lúc Nhật đầu hàng. Sang năm sau thì tôi và Ly Liên cưới nhau. 

Quốc Dân Ðảng và Cộng Sản đang bước vào giai đoạn nội chiến. Lạm phát đã gia tăng đến mức độ trầm trọng. Trầm trọng đến nỗi một đống tiền chỉ mua được ba quả trứng gà. Giữa gian đoạn khủng hoảng đó thì một người bạn học cũ, Danny Hoàng, đang làm ăn khấm khá ở Hồng Kông viết thư khuyến khích tôi qua phụ với anh một tay . Tôi rời Nam Kinh đi Hồng Kông cuối 1948. Thật ra tôi đã không ở lại Hồng Kông. Ngay khi đến tôi tìm được một chân y sĩ cho một chiếc tàu buôn của người Úc, thế là tôi lại lên tàu đi Úc. Tình trạng kỳ thị chủng tộc tại Úc rất là tệ hại nhưng tôi cũng chẳng ưa thích gì Hồng Kông vì phần đất nầy cũng chỉ là nhượng địa của Anh mà thôi. Vì vậy, khi nghe tin Bắc Kinh lọt vào tay Cộng Sản tôi lại cảm thấy vui mừng, phấn khởi. Tôi tin rằng từ nay ngoại bang sẽ không còn đè đầu cưỡi cổ nhân dân Trung Quốc và nhờ vậy đất nước tôi, một lần nữa sẽ có một vị trí đáng kính trong cộng đồng nhân loại. 

Tháng 4 năm 1949, tôi nhận một lá thư của mẹ tôi gởi từ Bắc Kinh. Kèm theo lá thư của mẹ tôi là một lá thư của anh tôi. Anh ta đã trở về như một người giải phóng quê hương và hiện đang làm việc trong cục Y Tế thuộc Ủy Ban Quân Quản trực thuộc Trung Ương Ðảng. Anh ta vui mừng và muốn tôi trở về phục vụ đất nước như anh viết trong thư "Nước nhà đang thiếu bác sĩ giỏi, chính phủ mới sẽ giao cho em công việc làm thích hợp và gia đình chúng ta một lần nữa lại đoàn viên". Cuộc sống ở Úc dù thoải mái về tiền bạc nhưng dù sao vẫn là cuộc sống tạm bợ và không có tương lai trong xã hội đầy tệ nạn phân biệt chủng tộc. Sau khi nhận lá thư thứ hai do Bác Sĩ Phó Liên Chương hay còn được gọi Nelson Phó, một bác sĩ có uy tín và được kính trọng nhất tại Trung Hoa lúc bấy giờ, khuyến khích và hứa hẹn, tôi quyết định trở về. Tôi ghé Hồng Kông để đón Ly Liên và cùng nàng hồi hương sau 17 năm xa cách. 

Thành phố Bắc Kinh vẫn còn vui như trong ngày hội. Sau tám năm bị Nhật chiếm đóng và bốn năm nội chiến, Bắc Kinh vui mừng được giải phóng. Giữa những hoang tàn đổ nát của chiến tranh, thành phố đang sống lại trong niềm tin và hy vọng. Tuy nhiên không ít bạn bè cũ đã cho rằng việc trở về của vợ chồng tôi thật một hành động ngu xuẩn. Sau khi yết kiến Bác Sĩ Phó Liên Chương, tôi trình diện Ban Sức Khỏe thuộc Ủy Ban Quân Quản. Lúc đó chính phủ chưa chính thức thành lập nên việc quản trị thành phố thuộc quyền của Ủy Ban Quân Quản. Tôi được giao việc làm và được vinh dự xếp vào hạng công nhân viên hạng "được cung cấp tự do" thay vì lãnh lương như một số người khác. Cái vinh dự nầy, khổ nỗi cũng kèm theo một mối lo là ngoài số lương thực thực phẩm nhà nước cung cấp theo tiêu chuẩn tôi không có đồng lương nào hết, làm sao nuôi nỗi gia đình gồm mẹ, hai bà cô, và cả cha mẹ vợ. Nhiệm sở đầu tiên của tôi là bệnh viện Ðại Học Lao Ðộng ở phía bắc Bắc Kinh nơi chăm sóc sức khỏe cho các lãnh tụ cao cấp của Ðảng. Ðiều kiện kỹ thuật y tế tại đây trong giai đoạn đầu thật nghèo nàn. Thuốc thang gần như chỉ có Aspirin, vài hộp thuốc ho và một ít thuốc chống nhiễm trùng. 

Ngày 1 tháng 10 năm 1949, toàn thể dân chúng thức dậy lúc 5 giờ sáng. Chúng tôi được xe vận tải chở tới quảng trường Thiên An Môn để tham dự ngày chính thức ra đời của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Khi tôi đến, quảng trường đã bị chen chúc bởi một rừng người và rừng cờ xí đỏ rực. Mọi người ai cũng hồi hộp và phấn khởi. Mười giờ đúng, Mao Trạch Ðông cùng các lãnh tụ cao cấp của đảng xuất hiện trên khán đài. Ðối với tôi lúc đó, Mao thật sự là vị cứu tinh dân tộc. Ông ta năm mươi sáu tuổi, cao, to và mạnh khỏe. Thay vì mặc quân phục như trong những bức hình mà tôi hay thấy, hôm ấy Mao mặc âu phục theo kiểu áo Tôn Dật Tiên dường như để chứng tỏ vị trí mới của ông ta là Chủ Tịch nước hơn là Chủ Tịch Ðảng. Trong số những lãnh tụ xuất hiện bên cạnh Mao hôm đó có bà Tống Khánh Linh, góa phụ của Bác Sĩ Tôn Dật Tiên. Mao không nói tiếng phổ thông nhưng nói tiếng Hồ Nam, quê hương của ông ta. Nhưng giọng Hồ Nam của Mao cũng rất êm dịu và dể nghe. Khi Mao vừa cất tiếng "Nhân dân Trung Hoa đã đứng lên" thì cả một rừng người cùng hô to "Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa muôn năm", "Ðảng Cộng Sản Trung Hoa muôn năm". Tôi cảm động đến phát khóc . Sau bao năm chịu đựng dưới ách nô lệ của ngoại bang, tổ quốc tôi cuối cùng đã được tự do và độc lập. 

Bệnh viện nơi tôi làm việc một thời gian ngắn sau đó được chia làm hai và được di chuyển đến Trung Nam Hải. Tôi nằm trong số đó. Lần di chuyển nầy là một bước ngoặc quan trọng đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Bệnh viện đã được hiện đại hóa để đủ khả năng chăm sóc sức khỏe cho các lãnh tụ tối cao của đảng và nhà nước. Ngoài Mao, các lãnh tụ như Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ðức, Bành Ðức Hoài, Ðặng Tiểu Bình, Trần Vân v.v đều sống và làm việc ở Trung Nam Hải. Khu vực bí mật và an ninh đến nỗi không ai có thể nhìn qua được bức tường dù đứng bất cứ nơi nào trong thành phố. Thời gian nầy, tôi được bổ nhiệm vào chức vụ Giám Ðốc Bịnh Viện Trung Nam Hải. Trong chức vụ mới nầy tôi có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho các lãnh tụ cao cấp nhất của đảng và nhà nước Trung Quốc và cả gia đình họ. Tôi nạp đơn xin gia nhập đảng nhưng lý lịch tôi thì lại cả một vấn đề. Cha tôi là viên chức Quốc Dân Ðảng cao cấp và hẳn nhiên được xếp vào thành phần phản động. Cha vợ tôi thì là đại địa chủ của tỉnh An Huy nên bị xếp vào thành phần "kẻ thù nhân dân". Nói chung cả hai vợ chồng lý lịch đều xấu tệ. Thời thanh niên của tôi cũng bị nghi ngờ vì đã có một thời gian được huấn luyện quân sự dưới sự bảo trợ của Quốc Dân Ðảng. Ðảng Cộng Sản gởi nhân viên anh ninh đi điều tra lý lịch tôi và dĩ nhiên trong khi chờ đợi thì hồ sơ xin gia nhập đảng của tôi cũng bị xếp lại. 

Mùa xuân năm 1952, lần đầu tiên tôi gặp gỡ gia đình Mao nhờ việc chữa trị bịnh tâm thần cho con trai Mao là Mao Ngạn Thanh. Cũng trong lần chữa trị cho Mao Ngạn Thanh tôi được gặp gở Giang Thanh khi bà ta đến bệnh viện để thăm Mao Ngạn Thanh. Hôm đó bà ta mặc bộ đồ tây giản dị, mái tóc đen búi cao, thân người không đều đặn vì phần trên thân thể có vẻ dài hơn phần dưới, đôi mắt hay chớp dấu hiệu của một người hay nghi ngờ. Người ta đồn đại rằng Giang Thanh đẹp nhưng theo tôi thì Giang Thanh có một chút nhan sắc nhưng dứt khoát không thể gọi là đẹp mặc dù năm đó bà ta chỉ 38 tuổi. Khi nói chuyện về trường hợp con trai của Mao, nghe tôi đề nghị việc di chuyển ông ta đến một bịnh viện chuyên khoa tâm thần thì Giang Thanh nói "Tôi sẽ trình bày ý kiến của Bác Sĩ đến Chủ Tịch Mao". Giang Thanh bắt tay tôi trước khi ra về. 

Nhờ làm việc hăng say, năm đó tôi được toàn thể bệnh nhân đánh giá là bác sĩ hạng A. Viêc điều tra lý lịch của tôi cũng hoàn tất và không có gì đáng nghi ngờ. Tháng 11 năm 1952 tôi được chính thức trở thành đảng viên đảmg Cộng Sản Trung Quốc. Thực ra tôi chẳng có một căn bản lý thuyết nào về chủ nghĩa Cộng Sản ngoài việc đọc cuốn "Tuyên Ngôn Ðảng Cộng Sản" và hai bài báo của Mao. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình là một người Cộng Sản. Trong lúc hầu hết đảng viên ở Trung Nam Hải là những người đã từng vào tù ra khám, theo đảng từ khi tóc còn để chỏm, đã chịu đựng gian nan suốt cuộc trường chinh, còn tôi thì chẳng có gì cả để so sánh. Do đó mặc dù cũng có sự kính trọng lẫn nhau, khoảng cách giữa tôi và họ không thể nào xóa bỏ được. 

Tối ngày 2 tháng 10 năm 1954, tôi nhận một cú điện thoại từ Uông Ðông Hưng, một trong những nhân vật cực kỳ quan trọng trong hàng ngũ lãnh đạo. Họ Uông là Giám Ðốc Cục Bảo Vệ Trung Ương của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng, đồng thời cũng là người chịu trách nhiệm anh ninh cho cá nhân Mao Trạch Ðông. Uông Ðông Hưng gia nhập phong trào Cộng Sản khi còn là một cậu bé nhà nông mười tuổi. Bị cảnh sát bắt vì tội đái bậy trên đường phố. Cha ông ta phải hối lộ để cảnh sát thả về. Tình trạng tham nhũng thối nát đó đã để lại trong tuổi đầu đời của họ Uông những ấn tượng xấu về thực tế xã hội và chính trị dưới chế độ Quốc Dân Ðảng. Uông Ðông Hưng bỏ nhà theo cộng sản và hoạt động bên cạnh Mao Trạch Ðông suốt nhiều năm trước cũng như sau cuộc vạn lý trường chinh gian khổ. Ðiều đặt biệt là Uông Ðông Hưng luôn dành cho những người trí thức một sự kính trọng mặc dù hoàn cảnh chính trị đã thay đổi rất nhiều sau 1949. 

Sau khi mời tôi ly trà, Uông bắt đầu ngợi khen tôi về tư cách cũng như kinh nghiệm nghề nghiệp tôi đã thể hiện trong suốt 5 năm qua tại bệnh viện Trung Nam Hải, và sau đó họ Uông nói "Lâu nay, tôi đang cố kiếm một bác sĩ riêng cho Mao Chủ Tịch nhưng rất là khó tìm. Tôi có tham khảo với đồng chí La Thoại Khanh và Dương Gia Khôn, cả hai đều đề nghị bác sĩ. Sau đó tôi có đệ trình ý kiến lên Thủ Tướng Chu Ân Lai và ông ta cũng đồng ý. Và mới hôm qua tôi có báo cáo lên Mao Chủ Tịch. Chủ Tịch cũng đồng ý về đại cương nhưng dĩ nhiên người cũng muốn nói chuyện với Bác Sĩ trước khi quyết định. Tôi mong rằng Bác Sĩ cũng nên chuẩn bị, có lẽ Mao Chủ Tịch sẽ gặp bác sĩ một ngày rất gần đây". Tôi thật là ngạc nhiên và xúc động vì đó là điều tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Nghĩ lại lý lịch đầy rắc rối của tôi, của cha tôi, của vợ tôi. Không, không thể được. Khi nghe tôi từ chối, Uông bật cười lớn "chuyện lý lịch của Bác Sĩ đã được thông qua rồi và chúng tôi đã quyết định, không có chuyện từ chối". 

Khoảng 3 giờ chiều, ngày 25 tháng 4 năm 1955, một chị y tá hớt ha hớt hãi chạy vào báo cáo với tôi "Nhóm Số Một gọi điện thoại, cần gặp Bác Sĩ ở hồ bơi ". Nhóm Số Một là mật mã ám chỉ Mao Trạch Ðông và bộ tham mưu của ông ta. Tôi đến hơi trễ và thấy Lý Ngân Kiều đang nóng ruột đứng chờ. Họ Lý giục "Lè lẹ dùm tôi chút, ông bắt Mao Chủ Tịch phải chờ". Khi tôi bước vào thì Mao đang nằm trần truồng đọc sách trên giường. Một chiếc khăn tắm che kín hạ bộ. Tôi vội vàng xin lỗi cho việc tới trễ. Mao mời tôi ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh và nói "Tôi cũng giống như Trương Chi Ðông, ăn ngủ chẳng theo giờ giấc gì cả, vừa thức dậy là tôi tới đây, mấy giờ rồi ?", tôi đáp "Bây giờ 4 giờ rưỡi". Mao hỏi tôi thường khi thức dậy lúc mấy giờ, tôi trả lời sáu giờ sáng. Mao cười và nói " Bác sĩ thì hẳn nhiên lo lắng sức khỏe nhiều hơn". Mao vừa phì phà vài hơi hút thuốc lá 555 có gắn ống lọc vừa giải thích "Tống Khánh Linh đề nghị tôi xài cái đầu lọc nầy để giảm bớt chất ni-cô-tin. Tôi hút thuốc lâu lắm rồi nhưng không biết chất ni-cô-tin có ảnh hưởng gì tôi không ?". Nhìn mái tóc bạc của tôi, Mao hỏi "Anh mới hơn 30, sao tóc lại bạc hơn tóc tôi ?". Sau khi giải thích chuyện tóc đen tóc trắng là chuyện di truyền, tôi nói "Nếu chỉ nhìn vào tóc thôi thì tôi quả thật già hơn Mao Chủ Tịch", nghe nói thế Mao cười to "anh chỉ nói nịnh". Mao hỏi nhiều về lý lịch và con đường học vấn của tôi. Ông ta có vẻ ưa chuộng người Mỹ "Mỹ giúp Tưởng đánh lại chúng ta trong chiến tranh Triều Tiên, nhưng tôi vẫn thích những bác sĩ do Mỹ Anh huấn luyện. Tôi cũng thích học tiếng Anh. Các đồng chí đề nghị tôi nên học tiếng Nga nhưng tôi vẫn thích học tiếng Anh hơn". 

Khi cận vệ dọn cơm chiều Mao Trạch Ðông mời tôi cùng ăn. Cơm gồm bốn món: Cá, thịt heo xào ớt, một đĩa thịt cừu và một đĩa rau xào với rất nhiều dầu. Vừa ăn chúng tôi vừa tiếp tục trò chuyện. Mao hỏi tôi về chuyện triết lý, tôi nói "Hồi còn đi học, ngay cả sách chuyên môn tôi cũng đọc chưa hết đừng nói chi là chuyện triết lý, nhưng tôi có đọc hai bài báo của Chủ Tịch "Bàn về thực tiễn" và "Bàn về mâu thuẫn"". Mao mỉm cười nhắc lại chuyện xưa "Trong chiến tranh chống Nhật, các đồng chí đề nghị tôi giảng về triết học tại Ðại Học Kháng Nhật ở Diên An, tôi nghĩ cần thiết phải phối hợp lý thuyết chủ nghĩa Mác và thực tiễn của Trung Hoa, thế là tôi viết hai bài đó. Tôi dành hai tuần để viết bài "Bàn về mâu thuẫn" nhưng chỉ tốn hai giờ để trình bày". Trước khi bắt tay tiễn tôi ra về, Mao khuyên tôi nên đọc thêm sách về triết học và tặng tôi cuốn "Biện chứng tự nhiên" của Engels. 

Ðường phố đông người và lòng tôi như đang mở hội. Một nền trời xanh đang mở ra trước mắt tôi và cả trái đất dường như đang ôm lấy tôi. Là bác sĩ riêng của lãnh tụ tối cao của hàng trăm triệu người dân Trung Hoa, chắc chắn mọi người cũng sẽ phải dành cho tôi một sự kính trọng đặc biệt. Tôi không còn là một bác sĩ vô danh tầm thường nữa. Ngay cả những lãnh tụ hàng đầu của đảng cũng phải ve vãn nịnh bợ tôi vì chính bản thân họ cũng ít khi có cơ hội gặp mặt Mao ngọai trừ những buổi họp quan trọng. Lòng tôi dâng lên một niềm vui khôn tả. 

Sau khi Mao chết, Trung ương đảng Cộng sản mở cửa cho công chúng vào thăm chỗ ở của Mao. Họ cho chưng bày những bộ đồ rách rưới cũ mèm để chứng tỏ rằng Mao là một người đã suốt đời hy sinh cho sự nghiệp của quần chúng và có một đời sống gần gũi với quần chúng. Nhưng nói cho đúng việc Mao ăn mặt đơn giản chẳng qua vì bản thân Mao là gốc nông dân, chuyện ăn mặc không phải là chuyện ưu tư nhất chứ chẳng phải là hy sinh, gần gũi gì ráo trọi. Mao thường một bộ váy dài và hay đi chân đất. Nếu khi nào phải mặc kỹ lưỡng thì ông ta lại chọn những bộ đồ cũ hơn là đồ mới. Những bức hình chính thức chụp Mao trong đồng phục kiểu Tôn Dật Tiên chỉ là do dàn dựng mà ra. Mao cai trị Trung Hoa chẳng phải từ văn phòng, cơ sở nào cả mà là từ phòng ngủ và hồ bơi của ông ta.

Mao Trạch Đông Cuộc Đời Chính Trị Và Tình Dục - Chương 3 
Hoàng Đế Đỏ Mao Trạch Đông

Lý Chí Thỏa - Trần Trung Đạo Lược Dịch - tvvn.org

Trên thực tế, Mao có một cuộc sống rất đế vương. Dinh thự của Mao nằm ngay trung tâm của khu Trung Nam Hải, trong khu vực hoàng thành cũ. Chỗ ở của Mao có lẽ là nơi an ninh nhất trên thế giới nầy. Có tới ba lớp hàng rào anh ninh chung quanh Mao. Trước hết và trong cùng là các nhân viên an ninh đội lốt phục dịch, tiếp tân, rồi đến anh ninh trong khu dinh thự, và ngoài cùng là lực lượng anh ninh thuộc Cục Bảo Vệ Trung Ương dưới quyền Uông Ðông Hưng. Việc di chuyển của Mao được giữ kín ngoại trừ vài lãnh tụ cao cấp của đảng. Hệ thống cung cấp thức ăn cho Mao cũng rất phức tạp, vừa dựa theo cách tổ chức của Liên Xô vừa dựa theo cách tổ chức trong các triều đình vua chúa ngày xưa. Một nông trại được xây dựng đặt biệt chỉ để nuôi súc vật và trồng rau cải cho Mao và các lãnh tụ cao cấp xử dụng. Ðầu bếp chính của Mao, theo nhu cầu, gởi một danh sách đến Ban Tiếp Tế thuộc Cục Bảo Vệ Anh Ninh để nơi nầy gởi qua nông trại. Khi thức ăn được gởi đến Ban Tiếp Tế, chúng lại được chuyển qua hai phòng thí nghiệm. Phòng thứ nhất đo lường mức độ dinh dưỡng và mức độ tươi của nông phẩm, phòng thứ hai thử nghiệm để đề phòng chất độc trong thức ăn. Khi thông qua hai phòng thí nghiệm nầy, thức ăn còn phải chuyển đến phòng nếm mùi vị thức ăn để cho các nhân viên trong phòng nầy ăn trước để thử có chất độc hay không trước khi dâng lên Mao. Hệ thống ăn uống hết sức xa hoa, phong kiến và tốn kém nầy được áp dụng không những chỉ cho Mao mà cả cho các lãnh tụ cao cấp của đảng, quả thật đã phung phí không biết bao nhiêu sức người sức của. Văn phòng chủ tịch đảng kiêm chủ tịch nước của Mao nhiều khi suốt năm không hề mở cửa vì như đã nói, Mao trị nước, chăn dân từ trong phòng ngủ. 

Buổi chiều trước ngày lễ Lao Ðộng, Mao cho cận vệ gọi tôi. Tôi tưởng rằng Mao đang có bịnh hoạn gì, nhưng khi tới nơi thì cận vệ của Mao báo cho biết "Mao Chủ Tịch uống mấy viên thuốc ngủ mà vẫn không ngủ được nên cho gọi Bác Sĩ vào nói chuyện". Câu đầu tiên Mao thường dùng để hỏi người đối diện là "Có tin gì không ?" Thoạt đầu thì tôi hơi ngạc nhiên vì có tin gì mới thì Mao biết hết rồi còn phải hỏi gì nữa. Nhưng Mao giải thích " chẳng hạn như Bác Sĩ gặp ai trong mấy ngày qua ? Các ông đã nói về chuyện gì ?". Tôi báo cáo với Mao là tôi có gặp Phó Liên Chương. Mao nhân tiện kể tôi nghe về chuyện Phó Liên Chương theo ông ta trong cuộc vạn lý trường chinh mặc dù năm người thân của ông đã bị đảng cộng sản giết hại. Câu chuyện kéo dài mãi tới khi cơm tối được dọn lên. Lần nữa tôi lại thấy có món rau xào dầu. Thời gian sau tôi có phê bình cách ăn uống quá nhiều chất dầu của ông ta nhưng Mao chẳng bao giờ chịu nghe. Mao mời tôi món dưa xào ớt cay, rồi hỏi ý kiến về món ăn. Tôi trả lời "Nóng và cay". Mao cười "Ai cũng nên đôi khi nếm mùi cay đắng trong cuộc đời". 

Mao có một cuộc sống khép kín. Ít khi gặp Giang Thanh và không có bạn bè. Khẩu hiệu "Tinh Thần Diên An" biểu hiện cho tình đồng chí giữa những người sống sót sau cuộc vạn lý trường chinh thật là một điều huyền bí vì ngay cả Lưu Thiếu Kỳ và Chu Ân Lai cũng ít khi gặp mặt Mao. Phần lớn công việc được trao đổi qua giấy tờ hoặc qua các phiên họp của Bộ Chính Trị được Mao triệu tập bất thường trong dinh Trường Thọ. Những người gần gũi Mao nhất là những cận vệ của Mao. Họ phần lớn thuộc giai cấp nông dân trẻ tuổi và ít học. Mao thường tán gẫu với đám cận vệ về chuyện gái trai, cố vấn họ về cách tán tỉnh, và ngay cả còn giúp họ viết thư tình cho bồ bịch. Mao biết là ngoài chuyện tình cảm lăng nhăng, đám cận vệ ngu dốt không thể nào hiểu những chuyện khác như triết học hay lịch sử Trung Quốc. Vì vậy ông ta thường xoay qua tôi như đối tượng để bàn về những vấn đề nầy. 

Sau ngày gặp Mao hôm đó là đến ngày lễ lao động 1 tháng 5. Như thông lệ, ngày 1 tháng 5 được xem là một trong những ngày lễ lớn nhất. Hôm đó tôi được tháp tùng Mao đi tham dự lễ. Tôi, lần nữa, gặp bà Tống Khánh Linh. Ðảng cộng sản trong thời gian nầy vẫn còn duy trì một số khuôn mặt "dân chủ" không cộng sản và bà góa phụ của Bác Sĩ Tôn Dật Tiên là một trong số đó. Bà Tống đã 60 nhưng trông vẫn còn đẹp và trông rất quí phái. Buổi tối, sau khi tham dự lễ, là tiệc chiêu đãi quan khách nhân ngày lễ Lao Ðộng. Tôi nhớ là tới 7 giờ rưỡi Mao vẫn chưa ra xe. Mọi người đều nóng lòng. Tôi theo chân Uông Ðông Hưng và La Thoại Khanh vào gặp Mao thì thấy ông ta đang ngồi cho Hoàng Tu Tử hớt tóc. Hòang Tu Tử tên thật là Hoàng Huệ, khoảng 60 tuổi. Ông ta là thợ hớt tóc duy nhất cho Mao từ nhưng năm 1930. Sau nầy có lần Mao kể cho tôi nghe một mẫu chuyện lý thú về ông thợ hớt tóc Hoàng Tu Tử nầy. Số là trong năm 1942, đảng Cộng Sản tung ra một chiến dịch gọi là truy nã bọn nội thù. Ông thợ hớt tóc Hoàng Tu Tử không biết tại sao lại rơi vào danh sách những đối tượng cần truy tố. Những người bị truy tố bị buột phải thú nhận tội lỗi và Hoàng Tu Tử thú nhận là đã tìm cách cắt cổ Mao bằng lưởi dao cạo. Mao nói với tôi "khi nghe Hoàng Huệ khai tôi đã nghi ngờ, nếu ông ta muốn giết tôi thì lâu nay khối gì cơ hội". Sau đó an ninh đưa ông thợ cạo râu Hoàng Huệ đến gặp Mao thì vỡ lẻ ra rằng ông ta bị hành hạ và bắt buộc phải khai như vậy. Nhờ sự can thiệp của Mao mà ông thợ hớt tóc được thả và trở thành một trong những số ít người gần gũi và trung thành nhất với Mao. Khi chúng tôi vào thì Hoàng Tu Tử mới xong phần cắt tóc. La Thoại Hương giục ông ta nhưng Uông Ðông Hưng vội can ngăn "Ðừng hối, rủi ông ta lỡ tay thì thật là tai hại". Công việc cạo râu cho Mao là cả một chuyện khó khăn vì Mao cứ cặm cụi cúi đầu đọc sách coi như không có chuyện gì. Hoàng Tu Tử phải quỳ xuống đất và ngữa mặt lên để cạo hàm râu dưới của Mao. Cuối cùng thì cũng xong và chúng tôi lại tháp tùng Mao tham dự buổi chiêu đãi. 

Trong buổi chiêu đãi đêm đó, tôi cũng gặp Hồ Chí Minh bên cạnh các quan khách quốc tế khác. Hồ lúc đó đã 65 tuổi, ăn mặc như một ông nông dân chân mang dép râu. Hồ nói tiếng Trung Hoa thông thạo vì đã dành nhiều năm ở Trung Quốc. Cận vệ của Hồ Chí Minh kể tôi nghe là họ Hồ thích mọi thứ ở Trung Quốc, từ món ăn, quần áo cho đến phương tiện di chuyển. Sau phần tiếp tân là đến phần dạ vũ. Sau cách mạng 1949, việc nhảy đầm đã bị ngăn cấm vì đảng cộng sản cho rằng nó là sản phẩm của giai cấp trưởng giả, do đó, tôi rất ngạc nhiên khi thấy Mao đích thân đứng ra tổ chức nhảy đầm. Sàn nhảy là một căn phòng rộng thênh thang được gọi là Liên Xuân Ðài. Mao tổ chức dạ vũ ở đó hàng tuần. Ðêm đó là lần đầu tiên tôi tham dự. 

Ngay khi vừa bước vào phòng Mao đã tức khắc bị bao vây ngay bởi một bầy gái đẹp, trẻ măng, hấp dẫn do Cục Bảo Vê tuyển lựa từ các đoàn Văn Công. Các cô lần lượt đến mơn trớn rủ rê Mao Chủ Tịch ra sàn nhảy trong lúc ban nhạc chơi toàn là nhạc tây phương với những điệu Fox, Walt và Tango. Mao không từ chối cô nào cả. Mao nhảy rất chậm chạp, gần như đi bộ. Cứ sau khi nhảy xong với một cô, Mao lại kéo cô ta ngồi lại gần và tâm tình đôi ba phút cho đến khi một cô khác tới mời Mao. Và cứ thế Mao nhảy với từng cô, từ cô nầy đến cô khác. Tôi để ý chỉ thấy có Lưu Thiếu Kỳ và Chu Ðức nhưng không thấy Giang Thanh. Bởi vì tôi thuộc thành phần thiểu số đàn ông trong đám nhảy, nên tôi cũng được các cô mời nhảy đôi ba bản. Ngoài âm nhạc tây phương, thỉnh thoảng ban nhạc lại chơi xen kẽ vài bài nhạc Trung Hoa. Những đoàn văn công thường do Cục Bảo Vệ an ninh tuyển lựa và tổ chức để phục vụ Mao và những lãnh đạo cao cấp. Ða số các đoàn viên là thiếu nữ trẻ đẹp, có tài ca múa và thấm nhuần tư tưởng chính trị. Mao mê gái và mê nhảy đầm đến nỗi sau nầy, vào năm 1961, ông ta hạ lệnh di chuyển cả phòng ngủ của ông ta tới sát vách phòng nhảy để "nghỉ xả hơi" khi nhảy mệt. Tôi thường thấy Mao dắt tay các vũ công vào phòng ngủ của ông ta và rồi vói tay gài then cửa. 

Trong hàng lãnh đạo cao cấp chỉ có Thống Chế Bành Ðức Hoài, Phó Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương là có gan phê bình đời sống trụy lạc sa đọa của Mao. Thống Chế Bành phê bình Mao hai lần, lần thứ nhất vào năm 1953 và lần thứ hai trước cuộc họp của Bộ Chính Trị. Bành Ðức Hoài là người thẳng thắng, bộc trực và chân thật. Ông ta tố cáo Mao đã có lối sống như một ông Hoàmg bên cạnh ba ngàn cung nữ. Thống Chế họ Bành cũng phê bình cả Bộ Trưởng La Thoại Khanh và Uông Ðông Hưng. Những đoàn văn công vì vậy mà phải giải tán nhưng Mao vẫn tiếp tục được cung cấp đầy đủ gái đẹp từ các đoàn văn công từ các tỉnh và từ các quân binh chủng.

Mao Trạch Đông Cuộc Đời Chính Trị Và Tình Dục - 
Chương 4 
Mao Trạch Đông Và Khrushchev

Lý Chí Thỏa - Trần Trung Đạo Lược Dịch - tvvn.org

Mùa hè 1956, tôi tháp tùng Mao và Bộ Chính Trị đi thị sát thành phố Quảng Châu và ở lại nơi đó một thời gian. Thành phố Quảng Châu vào mùa hè, trời rất là oi bức. Mao sống trong Dinh Thự số 3 với những căn phòng rộng thênh thang. Mỗi ngày các nhân viên phục dịch phải mang vào chỗ Mao ở năm thùng nước đá để làm dịu bớt không khí nóng nực của mùa hè Quảng Châu. Chúng tôi thì không có tiêu chuẩn nước đá, chỉ được xài quạt điện. Ðêm xuống thì muỗi ơi là muỗi. Muỗi tràn ngập khắp nơi, không những chúng tôi chịu không nỗi mà ngay cả Mao cũng trách mắng nhân viên hầu cận mỗi khi ông ta bị muỗi cắn. Mãi đến sau nầy khi Bộ Y Tế nhập cảng được ít thuốc diệt muỗi DDT từ Hồng Kông thì tình trạng mới bớt căng thẳng. Tôi cố thuyết phục Mao không nên ở lại Quảng Châu quá lâu nhưng Mao lại có ý định chính trị khác nên cứ chần chừ không muốn trở lại Bắc Kinh. Trong thời gian vắng bóng Mao, ở Bắc Kinh đã xuất hiện một làn sóng dư luận và báo chí phê bình "Chủ nghĩa phiêu lưu". Những bài báo nầy lần lượt xuất hiện trên Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Ðảng và Nhà nước Trung Hoa. Nội dung các bài báo đề nghị việc phát triển công nghiệp và nông nghiệp phải nên được tiến hành song phương và đều đặn. Không ai có thể ngờ những màn phê bình chỉ trích chính sách của Mao là do chính Mao đạo diễn để gài bẫy các thành phần chống đối. 

Vài hôm sau khi tôi thất bại trong việc thuyết phục Mao trở về Bắc Kinh, Uông Ðông Hương và La Thoại Khanh tới gặp tôi để hỏi ý kiến về mức độ trong sạch của nước trên sông Trân Hà. Mao Trạch Ðông quyết định sẽ bơi qua 3 con sông lớn nhất Trung Hoa: Trân Hà ở Quảng Châu, Trường Giang ở Hồ Nam và Dương Tử ở Hồ Bắc. Nói chung thì không ai muốn cho Mao bơi trên bất cứ con sông nào trong số ba con sông kể trên vì cả ba đều là những con sông rất lớn và rất nguy hiểm. Tuy nhiên công việc thử nghiệm chưa kịp thực hiện thì Mao đã quyết định bơi. Sáng hôm đó Mao từ phòng ngủ bước ra trong bộ áo tắm dài màu trắng. Tôi, Uông Ðông Hưng, Dương Thượng Côn v.v vội vã chạy theo sau. Từ khi Mao quyết định cho đến khi ông ta nhảy xuống sông quá nhanh chóng đến nỗi ngoại trừ Mao không ai kịp thay đồ tắm cho đàng hoàng, tất cả đều mặc đồ lót hì hục bơi theo Mao. 

Mao bơi rất nghề và thoải mái trong khi tôi thì ráng hết sức chỉ mong khỏi bị chết chìm. Mao như hiểu sự khó khăn của tôi nên gọi tôi bơi lại gần để dặn dò "Bác Sĩ có vẻ sợ chìm, đừng nghĩ về chuyện đó. Nếu nghĩ mình sẽ chết chìm, có khi chìm thật đấy". Chúng tôi bơi dọc sông Trân Hà chừng hai tiếng đồng hồ thì nghĩ để tắm rửa và ăn trưa. Giang Thanh cũng đến cùng ăn trưa với chúng tôi. Mao vui vẻ như vừa thắng trận, vừa cười vừa nói "Mấy người nói rằng nước sông Trân Hà dơ dáy, nhưng chỉ cho tôi coi có cái gì là thuần túy trong sạch đâu ? Mọi thứ đều có chất dơ. Nếu các người nuôi cá bằng nước chưng cất, chúng sẽ chết ngay". 

Tối hôm đó Mao nói với tôi "Tôi muốn bơi trên cả ba con sông, La Thoại Khanh và Uông Ðông Hưng thì cứ ngăn ngăn cản cản mặc dù sáng nay họ đã thấy không có chuyện gì xảy ra cả". 

Liên Xô đang chuẩn bị tổ chức bốn mươi năm thành lập Cộng Hòa Liên Bang Xô Viết vào tháng 11 năm 1957 và Khrushchev đã gởi thư mời các lãnh tụ Cộng đảng trên khắp thế giới đến tham dự, trong dó dĩ nhiên có cả Mao Trạch Ðông. Mao năm đó 63 tuổi và chỉ đến Liên Xô một lần trước đó nhân dịp đàm phán các hiệp ước hữu nghị với Stalin. Tình hình Trung Quốc đã ổn định, chiến dịch chống hữu khuynh đã thành công rực rở. Theo lời Bộ Trưởng Ngoại Giao Trần Di kể lại với tôi thì có hơn nửa triệu trí thức đã bị phân loại là phần tử hữu khuynh và bị gởi đến các trại tập trung. 

Chủ nghĩa xã hội tại Trung Quốc đang trên đà chiến thắng. Cách mạng được thực hiện một cách khẩn trương ráo riết từ thôn quê cho đến thành thị. Mao muốn đi Liên Xô. Trong thâm tâm Mao muốn đi Liên Xô không phải chỉ để tham dự ngày hội nhưng đến như một kẻ chiến thắng, đến để thách thức Khrushchev. Ngày 2 tháng 11 năm 1957, Mao cầm đầu một phái đoàn hùng hậu lên đường thăm Liên Xô. Ngoài tôi ra còn có Bác Sĩ Hoàng Thụ Tất, Phó Giám Ðốc Cục Y Tế Trung Ương cũng tháp tùng Mao để lo lắng sức khỏe cho đoàn đại biểu. Giang Thanh sau đó lại đề nghị thêm Bác Sĩ Lý Huệ Dân gia nhập ban y tế chúng tôi. Việc chuẩn bị sức khỏe của Mao trong chuyến đi cũng rất là phiền toái vì Bác Sĩ Lý Huệ Dân là Ðông Y Bác Sĩ. Ở Liên Xô chắc chắc không thể tìm đâu ra những món thuốc tàu mà ông ta có thể sẽ cần dùng trong việc chăm sóc sức khỏe cho Mao. Ngoài các bác sĩ ra, ban y tế còn có sự phụ giúp của bà Ngô Húc Quân, với tư cách là y tá trưởng ở Trung Nam Hải. Liên Xô cũng gởi đến trước một bác sĩ để giúp đỡ khi chúng tôi cần đến. 

Liên Xô gởi hai chiếc máy bay sang để đón Mao và phái đoàn. Cả hai đều thuộc loại TU-104s. Mao, Tống Khánh Linh, Bác Sĩ Liên Xô và tôi cùng ngồi trong một chiếc. Phần còn lại của đoàn tùy tùng ngồi trên chiếc sau. Trong suốt hành trình từ Bắc Kinh qua Mạc Tư Khoa, Mao chẳng hề đá động gì đến thức ăn do các tiếp viên phi hành chuẩn bị trong lúc thì viên bác sĩ Liên Xô thì lợi dụng cơ hội để uống vài ly Vodka miễn phí ngay từ khi máy bay vừa cất cánh. 

Nikita Khrushchev chào đón Mao và đoàn tùy tùng ngay tại phi trường. Cùng ra tiếp đón Mao tôi cũng nhận thấy cả nhân vật số hai Nikolai Bulganin và ông bạn cũ của tôi là Anastas Mikoyan. Mikoyan tay bắt mặt mừng khi gặp lại tôi, tuy nhiên vì chúng tôi không có thông dịch viên riêng nên cả hai chúng tôi mạnh ai nấy nói mà chẳng ai hiểu ai đã nói gì. Tôi đoán mò là ông ta nhắc lại căn bịnh mà tôi đã giúp để chữa trị mấy năm trước đây. Khrushchev rất kính trọng và tỏ ra niềm nở với Mao. Y đích thân tháp tùng Mao đến tận dinh thự nơi Mao và phái đoàn ở lại. Dinh thự nguy nga là nơi cư ngụ trước đây của Nữ Hoàng Nga Catherina. Về phần Mao, ông ta lại tỏ thái độ hơi lạnh nhạt với Khrushchev. Trên đường từ phi trường về nơi cư ngụ, Mao lưu ý thái độ thờ ơ của người dân Liên Xô không giống như tinh thần "hồ hỡi phấn khởi" ở Trung Quốc sau cách mạng. Mao thố lộ nhận xét của ông ta với chúng tôi ngay trong ngày đầu tiên đến Mạc Tư Khoa "Khrushchev không có sự ủng hộ của nhân dân kể từ khi ông ta bắt đầu chiến dịch hạ bệ Stalin". 

Tôi, Diệp Tử Long, Hoàng Kính Tiên, Lý Ngân Kiều, Lâm Khắc và bộ tham mưu riêng của Mao ở chung một dinh thự. Ðoàn đại biểu đảng và nhà nước Trung Quốc do Mao lãnh đạo gồm Tống Khánh Linh, Ðặng Tiểu Bình, Bành Chân, Bành Ðức Hoài, Lục Ðịnh Nhất, Dương Thượng Côn, Trần Bá Ðạt, Hồ Kiều Mộc cũng ở trong dinh thự nầy. Mao tỏ ra đắc ý và phấn khởi về sự tiếp đón đã dành cho ông ta và phái đoàn hoàn toàn khác với chuyến đi phó hội năm 1949. Mao nhận xét cách đối xử của Liên Xô với một giọng điệu bén nhọn và chấm dứt với một nụ cười mỉa mai "Hãy nhìn sự vào sự đối xử hoàn toàn khác mà họ đang dành cho chúng ta. Ngay cả khi đứng trên đất Cộng sản của chính họ, họ cũng phải biết rằng ai mạnh ai yếu, thật là đồ đáng khinh". Chưa bao giờ tôi nghe từ cửa miệng Mao thoát ra một giọng điệu đầy miệt thị và chua chát như thế. 

Chúng tôi thăm viếng và đặt vòng hoa trước chiếc quan tài bọc kính của Lê Nin và Stalin. Thi hài của hai lãnh tụ Cộng Sản Liên Xô nằm co rút và khô cứng. Tôi biết nhiều phần thân thể của họ đã bị rã nát và được thay thế bằng sáp. Lúc đó tôi chưa nghĩ gì đến hai chục năm sau lại tới phiên tôi phải lo lắng việc lưu trữ xác Mao. Mao chẳng quan tâm hay tò mò gì mấy đến sinh hoạt văn hóa Nga. Ông ta ăn uống một mình. Mặc dù trong mỗi bữa ăn đều gồm cả hai loại thức ăn, Nga và Tàu nhưng Mao chỉ ăn những món Hồ Nam do chính đầu bếp của ông ta nấu mà thôi. Giống Mao, tôi cũng không hợp với đồ ăn Nga cho nên trong một tối Mao rủ tôi cùng ăn, tôi không ngần ngại ngồi xuống ăn uống ngon lành ngay. Mao nhìn tôi ăn mà cười "Tôi biết ngay là Bác Sĩ chưa ăn tối mà". 

Một đêm, Khrushev mời Mao tham dự buổi trình diễn vũ khúc Swan Lake nổi tiếng thế giới do của đoàn vũ Ba-Lê Liên Xô thực hiện. Chưa xong phần hai, Mao đã tỏ vẻ chán nản ngay. Ông ta quay sang Khrushev nói "Cả đời tôi cũng không thể nào nhảy như thế được, còn đồng chí thì sao". Khrushev gật đầu "Tôi cũng vậy". Cuối màn hai, Mao quay sang tôi "Họ nhảy kiểu gì kỳ quặc vậy ? Tại sao lại phải nhảy bằng đầu ngón chân, tôi cảm thấy thật khó chịu, tại sao lại không múa bình thường ?". Tôi không nghĩ là Mao không biết một tí gì về vũ Ba-Lê nhưng Mao chỉ chứng tỏ rằng mình chẳng thèm quan tâm đến văn hóa Nga mà thôi. Trong những buổi chiêu đãi mà Mao tham dự trong thời gian thăm viếng Liên Xô, chỉ có hôm thăm viếng sinh viên Trung Quốc đang du học tại Liên Xô là Mao tỏ ra vui vẻ thật tình. 

Diễn hành kỷ niệm bốn mươi năm thành lập nhà nước Liên Bang Xô Viết được tổ chức vào ngày 7 tháng 11. Tất cả chúng tôi được đưa tới quảng đường đỏ để xem diễn hành. Mao và Khrushev đứng trên hành lang của Lăng Lê Nin. Tôi đứng bên cạnh lãnh tụ Cộng Ðảng Estionia. Ông ta bằng một tiếng Anh thông thạo nói với tôi rằng hy vọng một ngày ông ta sẽ viếng thăm Trung Quốc, một nơi mà ông ta gọi là xa xôi và huyền bí. 

Mặc dù nhiều khác biệt vẫn còn tồn tại giữa Mao và Khrushchev, Mao đã tỏ ra hài lòng với nội dung của bản thông cáo chung được công bố như kết quả của chuyến viếng thăm Liên Xô. Mao nói "Vào năm 1984, khi Mark và Engels công bố Tuyên Ngôn Ðảng Cộng Sản và phát động phong trào Cộng Sản trên toàn thế giới. Bây giờ 100 năm sau bản Tuyên Bố Mạc Tư Khoa đã tóm tắt lại phong trào đó và phát họa ra tương lai của chủ nghĩa Cộng Sản". Mao tiên đoán trong vòng 15 năm, Xô Viết sẽ bỏ xa Hoa Kỳ trong tổng sản xuất sắt thép và Trung Quốc sẽ qua mặt Anh Quốc. Nói chung trong vòng 15 năm, thế giới Cộng Sản sẽ mạnh hơn thế giới tư bản. Trong điều kiện đó, nhân loại sẽ chín mùi cho một cuộc cách mạng Cộng Sản trên phạm vi toàn thế giới. Trong đầu óc của Mao hôm đó đã thai nghén chương trình kinh tế sau đó được Mao gọi là "bước tiến nhảy vọt". Sau nầy trong hồi ký của Khrushchev, ông ta có nhắc lại diễn văn của Mao và ví Mao như là con cóc nằm đáy giếng thấy trời bằng vung. Mao không có một cơ sở nào để quả quyết rằng chủ nghĩa Cộng Sản có thể vượt qua được chủ nghĩa Tư Bản. Tuy nhiên mầm mống của chính sách điên rồ "Bước Tiến Nhảy Vọt" đã bắt đầu nhen nhúm từ dạo đó.

Mao Trạch Đông Cuộc Đời Chính Trị Và Tình Dục - Chương 5

Mao Trạch Đông Và Công Xã Nhân Dân
Lý Chí Thỏa - Trần Trung Đạo Lược Dịch - tvvn.org


Ngay sau khi trở lại Trung Quốc, Mao bắt đầu chiến dịch toàn diện để gia tăng năng suất. Trước hết Mao và Giang Thanh ở lại Hàng Châu hai tuần rồi bay qua Nam Ninh, thuộc khu tự trị Quảng Tây để tham dự hội nghị Trung Ương đảng. Nhân lúc Bí Thư Hồ Nam là Châu Tiểu Châu đến yết kiến Mao, Mao vặn hỏi ông ta "Tại sao Hồ Nam lại không thể gia tăng năng suất lúa gạo ? Tại sao nông dân Hồ Nam lại không thể sản xuất hai vụ mùa một năm ?". Họ Châu đáp rằng tại vì thời tiết Hồ Nam chỉ cho phép sản xuất một mùa mỗi năm. Mao không đồng ý, cho rằng tại sao tỉnh Triết Giang, nơi có thành phố Hàng Châu nổi tiếng, lại có thể sản xuất hai mùa được mặc dù điều kiện tự nhiên tương tự với Hồ Nam. Mao phê bình họ Châu "Vấn đề là đồng chí ngay cả không chịu học tập kinh nghiệm". Châu Tiểu Châu đáp một cách lễ độ "Chúng tôi hứa sẽ nghiên cứu". Mao gắt gỏng "Cái việc nghiên cứu của đồng chí rồi cũng chẳng được gì đâu, đi ra ngay". Tiểu Châu bị sỉ nhục cúi đầu đi ra nhưng nửa đường quay đầu khép nép thưa "Mao Chủ Tịch, chúng tôi sẽ bắt đầu hai vụ mùa ngay". Mao chán nản than "Thật là vô dụng". 

Phiên họp của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng ở Nam Ninh là một trong những nỗ lực đầu tiên của Mao lôi kéo toàn đảng vào chiến dịch. Nam Ninh là thành phố cổ, đầy màu sắc và sạch sẽ. Dân Nam Ninh đơn giản và thật thà. Các viên chức địa phương rất hãnh diện được tiếp đón Mao. Bộ máy tuyên truyền Cộng Sản mô tả vợ chồng Mao như là những con người đơn giản và tiện tặn. Các viên chức Nam Ninh nghe riết nên tưởng vợ chồng Mao là những con người đơn giản thiệt. Nên sau khi đến Nam Ninh, Mao và Giang Thanh, thay vì được ở trong các dinh thự nguy nga, lại được mời ở trong hai chỗ được trang bị đơn giản. Mao thì không nói gì vì bản chất nông dân của y nhưng Giang Thanh thì phàn nàn đủ thứ chuyện trên đời. Ngày thì nóng nhưng đêm xuống thì trời trở lạnh. Cái máy sưởi bằng điện lại không có bộ phận tự điều chỉnh nên khi mở lại quá nóng mà tắt đi thì lại lạnh. Nhà khách tỉnh thì không có buồng tắm nhưng Giang Thanh thì có thói quen tắm trước khi ngủ. Cán bộ phục vụ của bà ta phải nấu cả chục thùng nước nóng để dành để Giang Thanh tắm. Khổ nỗi những thùng đầu thì đủ ấm nhưng càng tắm thì những thùng sau lạnh dần. Giang Thanh đổ thừa các bà phục dịch cố tình làm cho bà ta bị bịnh. Giang Thanh hết đổ thừa các cán bộ phục vụ rồi lại đổ thừa tôi vì tôi có trách nhiệm toàn bộ y đội. Chịu hết nỗi tôi đem chuyện nầy trình lên Mao, Mao bảo tôi "Giang Thanh là con cọp giấy, đừng thèm để ý làm gì". 

Hội Nghị Nam Ninh được tham dự từ cấp Trung Ương cho đến địa phương. Ngay từ ngày đầu không khí đã bắt đầu căng thẳng vì hầu hết các nhà kế hoạch kinh tế đều không thể chia xẻ quan điểm "đuổi kịp Anh Quốc trong mười lăm năm" của Mao. Mao dành suốt mười một ngày để tấn công các thành phần do dự, ngay cả Chu Ân Lai, Trần Vân cũng không tránh khỏi bị phê bình. Bốn ngày sau khi Hội Nghị khai mạc, Ủy Viên Dự Khuyết Bộ Chính Trị Trần Bá Ðạt gọi tôi vào phòng. Ông ta bị cảm và cần được chữa trị. Họ Trần bị bịnh thật và muốn trở lại Bắc Kinh nhưng y đang bị Mao phê bình, không dám bỏ họp vì sợ Mao tố cáo là trốn tránh trách nhiệm. Suốt đêm Trần Bá Ðạt ngủ không được nằm dán mắt trên trần trong lúc một người khác là Phù Nhất Bá, Chủ Tịch Ủy Ban Kinh Tế Nhà Nước, cũng không thể ngủ và đang đi lang thang ngoài hành lang hẳn nhiên y cũng đang bị Mao phê bình thậm tệ. Chồng cũ của Giang Thanh là Hoàng Kính, Chủ Tịch Ủy Ban Kỷ Thuật Nhà Nước cũng đang lo sốt vó. Mao tấn công họ Hoàng nặng nề. Khi Hội Nghị căng thẳng tột độ, Thị Trưởng Thượng Hải Kha Khánh Thi nhờ tôi khám giùm sức khỏe của Hoàng Kính vì ông ta có nhiều hành vi điên điên khùng khùng rất kỳ lạ. Hoàng Kính nằm trên giường, mắt mở trân tráo và miệng thì lẩm bẩm những gì không ai hiểu nỗi. Khi thấy tôi bước vào thì y nói như cầu khẩn van xin "Cứu tôi với , cứu tôi với". Dương Thượng Côn nhờ Lý Phú Xuân, Phó Thủ Tướng kiêm Chủ Tịch Ủy Ban Kế Hoạch Nhà Nước đồng đưa Hoàng Kính, bằng máy bay, qua bịnh viện quân đội ở Quảng Châu để tìm cách chữa trị. Trên máy bay, họ Hoàng cứ quỳ gối xin họ Lý tha mạng. Tới bịnh viện thì y nhảy lầu chạy trốn bị gãy một chân. Tôi nghe rằng y đã chết vào năm 1958. Hội nghị Nam Ninh chỉ là thứ nhất trong hàng loạt hội nghị Mao triệu tập trong những tháng sau đó. Cứ mỗi cuối phiên họp, năng suất nông nghiệp và kỹ nghệ phải được gia tăng. 

Ðầu năm 1958, lần đầu tiên tôi cảm nhận sự thay đổi ở Mao. Những nghi ngờ mới và cũ dồn nén trong người ông ta nhiều năm mãi đến Cách Mạng Văn Hóa. Sau cuộc đấu tranh chống hữu khuynh đã tạm ngưng vài tháng, giờ thì Mao chuẩn bị cuộc đấu tranh mới, lần nầy thì chống nội bộ đảng. Ðầu tháng 3 chúng tôi đáp máy bay bay xuống Thành Ðô, thủ phủ Tỉnh Tứ Xuyên, vựa lúa chính của Trung Quốc. Ở đó Mao đang tổ chức một phiên họp khác. Tôi rất vui mừng khi trở lại Thành Ðô sau 14 năm xa cách. Ngay khi trở lại, tôi hối hả tìm cách viếng thăm Trường Ðại Học Y Khoa Hoa Tây và vườn bách thảo đẹp tuyệt vời. Không lâu lắm sau khi chúng tôi đến. Bí Thư tỉnh mời Mao đi coi đoàn văn công Tứ Xuyên trình diễn. Mao thì thích coi đoàn Bắc Kinh diễn hơn nhưng ngạc nhiên sau đó Mao gần như bị cuốn hút vào âm nhạc đến nỗi ông ta thắp thuốc ngồi giữa rạp phì phà một cách đắc ý. Phiên họp đảng được tổ chức từ ngày 3 đến 28 tháng 3. Mao, trong hội nghị nầy, đã phê bình các cấp lãnh đạo về các chính sách kinh tế. Mao thường nói "Chủ nghĩa Cộng Sản không phải là của trời cho. Chúng ta không nên chỉ làm theo một cách cứng ngắc những điều trong sách vở". Mao phê bình sự nô lệ trí thức của cán bộ đảng tương tự việc mấy ông đồ nho sùng bái Ðức Khổng Tử như bậc Thánh. Cái gì Ðức Khổng Tử nói cũng là khuôn vàng thước ngọc, không thể nào sữa đổi. Ðiều mỉa mai ở đây là dù Mao tấn công vào việc sùng bái Ðức Khổng Tử thì chính bản thân Mao cũng là Thánh. Những gì thoát ra khỏi cửa miệng ông ta cũng là chân lý. Theo Mao, chủ nghĩa Mác, một thứ chủ nghĩa Khổng Nho hiện đại cũng đang làm què quặt sức sáng tạo của con người Trung Quốc. Mao hối thúc các nhà kinh tế giống như giục ngựa "nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn, tốt hơn". Theo quan điểm của Mao, hội nghị Tứ Xuyên là một thành công. Năng suất nông nghiệp đã tăng so với trước đó. Tiếng nói của Mao mạnh đến nỗi không muốn đồng ý cũng không được. Nói trái ý Mao là bị chụp mũ là hữu khuynh ngay. Những chống đối dần dần bị im lặng và thay vào đó là sự lừa dối. 

Mùa hè 1958, cả nước bị động viên để xây dựng hệ thống trữ nước khổng lồ. Ðề án không chỉ đơn giản về kinh tế mà còn, qua hệ thống dự trữ nước, để cải thiện hệ thống thủy lợi và mục đích tối hậu là tăng năng suất lúa gạo. Mao cũng muốn xử dụng đề án để sản xuất ra một số anh hùng lao động làm gương mẫu trong việc thi đua sản xuất. Tại Bắc Kinh, hàng trăm ngàn người xung phong đi làm việc trong đề án nầy. Tất cả viên chức chính phủ các ngành các cấp, từ trung ương đến địa phương đều có bổn phận phải tham gia đề án. Sau đó thì các nhà lãnh đạo tối cao cũng bắt đầu tham gia. Buổi chiều ngày 25 tháng 5 năm 1958, sáu chiếc xe buýt chở đầy các lãnh tụ cao cấp của đảng và chính phủ rời Trung Nam Hải đi làm công tác thủy lợi, xe buýt của Mao dẫn đầu. Mao vui mừng và hớn hở ra mặt. Ông ta ngồi trong băng ghế gần chót, nói chuyện thoải mái với mọi người chung quanh. Mao nói "Thường thì việc nặng nhọc chúng ta dành cho những người khác, bây giờ tới phiên chúng ta phải làm. Ai cũng nói công việc chân ta là việc nên làm nhưng khi thực sự làm thì họ lại thoái thoát. Nhiều người đang làm việc trong đề án nầy nghĩ là họ bị bắt buộc, nhiều người khác thì cho là cơ hội tốt. Nói chung thì làm chân tay vẫn còn hơn không làm gì cả". Mao vừa bước chân xuống khu thủy lợi là cả rừng người tung hô như sấm động. Tướng Dương Thành Vũ, Tư Lịnh Quân Khu Bắc Kinh kiêm Giám Ðốc đề án nầy chào mừng Mao khi ông ta vừa bước xuống xe. Trước mặt chúng tôi là một biển người. Hàng hàng lớp lớp người đang đào đất bằng những dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng. Mao đi trước, các cấp lãnh đạo theo sau. Mao đào đất chừng nửa tiếng đồng hồ thì mặt y bắt đâu đỏ gay và mồ hôi bắt đầu nhỏ giọt. Tướng Dương Thành Vũ khẩn khoản xin Mao dừng tay. Mao dừng tay và đi về trại chỉ huy ngồi nhâm nhi tách trà nóng. Sau đó, Mao hạ lệnh cho tôi và những viên chức trong bộ tham mưu của ông ta phải đến làm việc trong đề án nầy một tháng. Nhưng may mắn là chỉ mười lăm ngày thì chúng tôi được viên tướng họ Dương cho về. Dù sao trong dịp lao động nầy tôi được bầu làm cá nhân xuất sắc nhất trong toàn đội. 

Vào 31 tháng 7 năm 58, Khrushchev bất ngờ viếng thăm Trung Quốc một cách bí mật. Thay vì đáp lại sự tiếp đón long trọng Khrushchev đã dành cho Mao trước đây, cách đón tiếp của Mao chẳng khác gì tát vào mặt Khrushchev. Mao đón tiếp Khrushchev một cách đơn giản bên cạnh hồ bơi của ông ta. Ðáp ứng lời mời của Mao cùng ông ta bơi, Khrushchev thay đồ và nhảy xuống hồ, mặc dù ông ta không biết bơi chút nào. Cuộc thảo luận trong hồ bơi giữa hai lãnh tụ Cộng Sản chẳng có kết quả gì khả quan. Thay vì ở lại một tuần, Khrushchev chỉ ở lại ba ngày rồi trở về Liên Xô. Những bất đồng giữa hai nước ngày càng sâu đậm. Trên đường trở lại Bắc Ðái Hà, Mao nói với tôi "Mục đích tối hậu của Liên Xô là kiểm soát chúng ta, trói tay trói chân chúng ta". Mao tố cáo Khrushchev đã xử dụng Trung Quốc như một con cờ để cải thiện mối quan hệ giữa họ và Hoa Kỳ. Khrushchev muốn Trung Quốc cùng với Liên Xô thành lập một một hạm đội Hải quân hỗn hợp, muốn Mao chính thức cam kết rằng sẽ không tấn công Ðài Loan và cũng không quên phê bình chính sách kinh tế của Mao qua việc tập trung lực lượng sản xuất nông nghiệp thành các công xã khổng lồ. Mao kể "Tôi nói với Khrushchev rằng chúng ta có khả năng thành lập các đài viễn thanh nhưng Liên Xô phải cung cấp kỹ thuật để chúng ta tự làm lấy, chúng ta cũng có thể thành lập hạm đội liên hợp nhưng Liên Xô chỉ có bổn phận cung cấp tàu bè còn thuyền trưởng phải là người Trung Quốc. Còn chuyện Ðài Loan là chuyện riêng của Trung Quốc không dính dáng gì tới Liên Xô". Những xung đột trầm trọng giữa hai nước từ đó đã bắt đầu. Trên đường trở lại Bắc Ðái Hà, Mao trình bày với chúng tôi quan điểm của ông ta đối với vấn đề Ðài Loan "Một vài đồng chí của chúng ta không hiểu tình hình, cứ muốn vượt biển chiếm Ðài Loan. Ðó là sai, cứ để Ðài Loan như vậy. Ðài Loan tạo áp lực và nhờ vậy tạo nên sự đoàn kết trong nội bộ chúng ta". 

Lúc 3 giờ sáng ngày 2 tháng 8 năm 1958, cận vệ của Mao đánh thức tôi dậy để dạy Mao học Anh Ngữ. Tôi hối hả chạy vào trình diện Mao thì ông ta đang nằm trên giường đọc sách. Mao thật sự chẳng bao giờ chịu học Anh Ngữ một cách nghiêm túc. Cái học đối với Mao chỉ là cách giải trí. Thông thường những lớp học như vậy là chỉ để nói chuyện. Tôi ở lại với Mao tới sáu giờ sáng. Mao dặn tôi ở lại dùng cơm sáng với ông ta. Trong bữa ăn Mao cho phép tôi đọc những bản tin mật được gọi là Tư Liệu Lưu Hành Nội Bộ. Những tài liệu bí mật nầy chỉ được phép lưu hành trong hàng ngũ tối cao của Ðảng. Trước đây thì tài liệu nầy tổng kết ghi những phản ảnh từ dân chúng, từ các nhà báo, nhà văn về những sai lầm của Ðảng. Nhưng từ sau chiến dịch chống hữu khuynh tong tầng lớp trí thức và sau đó thì trong hàng ngũ đảng viên thì chẳng còn ai dám phê bình đảng nữa. Tài liệu chỉ còn là những lời nịnh hót khoe khoang. Hôm đó, Mao cho đưa tôi đọc một bản tin về sự hình thành của Công Xã Nhân Dân. Mao cho rằng "đây là một biến cố đặc biệt. Danh từ Công Xã Nhân Dân thật là vĩ đại. Các hợp tác xã nhỏ đã tập trung lại thành một hợp tác xã khổng lồ gọi là Công Xã Nhân Dân. Theo Mao, Công Xã Nhân Dân là chiếc cầu nối liền chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản". Nhưng Mao cũng thú nhận "Còn rất nhiều điều chúng ta không biết, hoạt động của nó thế nào ? Cách tổ chức thế nào ? Phân phối lợi tức thế nào ?". Mao muốn tôi cùng với Diệp Tử Long đi điều tra hoạt động của vài Công Xã Nhân Dân và về báo cáo lại cho ông ta. Kiến thức về nông thông của tôi còn rất là giới hạn nhưng lịnh của Mao là tuyệt đối, chúng tôi phải chuẩn bị khăn gói lên đường. Bảy giờ sáng hôm sau thì Mao lại cho cận vệ đến gọi tôi. Mao đổi ý. Thay vì để chúng tôi đi coi về báo cáo lại, Mao quyết định đích thân đi thăm các Công Xã Nhân Dân. Hai ngày sau chúng tôi tháp tùng Mao đáp xe lửa xuôi nam. 

Trạm dừng chân của Mao và đoàn tùy tùng là tỉnh Hà Bắc, nơi có hàng loạt Công Xã Nhân Dân mới thành lập. Nhân dân Trung Quốc chưa biết công xã nhân dân là gì nên còn có vẻ lạc quan trước những lời hứa hẹn vinh quang về tổ chức mới mẻ nầy. Rời Hồ Bắc, Mao tiếp tục viếng thăm tỉnh Hà Nam. Ngô Di Phố, Bí Thư Thứ Nhất Ðảng Ủy Hà Nam tháp tùng Mao xuyên qua những con đường không tráng nhựa gồ ghề của tỉnh ông ta. Vì thời tiết mùa hè rất oi bức nên đảng ủy địa phương chở thêm đàng sau một xe dưa hấu để chúng tôi giải khát. Mao không thích dưa hấu nhưng chúng tôi thì là rất thích. Mao gốc nông dân nên rất dễ hòa đồng với khung cảnh nông thôn. Ngay cả khi Mao lỡ chân bước vào đống phân trâu, ông cũng không cần phải bận tâm lau sạch nó đi, Mao nói "Đó là phân bón, tại sao phải lau đi chứ". 

Ngày 6 tháng 8, Ngô Di Phố hướng dẫn chúng tôi đi thăm làng Thất Ly. Dọc hai bên đường là cây sợi cao tới ngực với những bông to như nắm tay đang tới mùa gặt. Ðầu làng là một tấm khẩu hiệu dài "Công Xã Nhân Dân Thất Ly". Mao tán thưởng ngay "Danh từ Công Xã Nhân Dân thật là vĩ đại. Công nhân Pháp tạo nên công xã Paris khi họ chiếm được quyền lực. Nhân dân chúng ta đang tạo nên công xã nhân dân như một tổ chức chính trị và kinh tế đang trên đường dẫn tới chủ nghĩa Cộng Sản. Ba ngày sau, Mao lại lần nữa lập lại lời tán thưởng "Công Xã Nhân Dân thật vĩ đại". Một thông tín viên của Tân Hoa Xã nghe được câu nầy và tức khắc ngày hôm đó các báo Ðảng đều chạy tám cột dài to lớn trên trang đầu câu nói của Mao như một khẩu hiệu chung cho cả nước từ đó. 

Trở lại Bắc Ðái Hà, Mao vẫn còn hồi hộp. Tôi chưa bao giờ thấy Mao vui mừng như thế. Trong đầu Mao, Công Xã Nhân Dân là đáp số cho bài toán khan hiếm thực phẩm từ lâu ở Trung Quốc. Bốn ngày sau, Mao triệu tập một phiên họp của Bộ Chính Trị. Câu trả lời cho Khrushchev của Mao đã trở nên rõ ràng và dứt khoát khi Mao ra lịnh pháo kích vào đảo Kim Môn và Mả Ðảo của Ðài Loan. Ðó là thách thức của Mao để tạo ra sự căng thẳng quốc tế trong lúc Khrushchev đang cố tình làm hòa dịu. Mao đang chứng tỏ vai trò quan trọng của Trung Quốc trong quan hệ giữa Hoa Kỳ, Liên Xô và Trung Quốc. Mao tiếp tục pháo kích một tuần lễ trước khi đơn phương ra lịnh ngừng bắn. Khi hải quân Hoa Kỳ di chuyển đến khu vực để bảo vệ eo biển Ðài Loan thì Mao lại ra lịnh tái pháo kích. Thật ra, việc chiếm Ðài Loan chưa bao giờ là ý định của Mao. Việc pháo kích Kim Môn và Mả Ðảo chỉ một thách thức, một trò chơi để chứng tỏ cho Eisenhower và Khrushchev thấy rằng Trung Quốc không dễ dàng gì để bị kiểm soát.



************************************

MAO TRẠCH ĐÔNG VÀ NHỮNG ĐAM MÊ XÁC THỊT QUÁI ĐẢN, BỆNH HOẠN

Mao và các Mỹ Nữ trước giờ "lâm trận"
Phạm Văn Hiến, Cựu Hiệu Trưởng ĐHĐT - Những suy thoái tinh thần kết quả từ cuộc khủng hoảng nông nghiệp và sự giận dữ đối với các cấp lãnh đạo đảng, những người mà Mao không có khả năng để làm việc, làm cho Mao trở nên ít xuất hiện, thay vì đó dành nhiều thời gian trên giường. Phòng Liên Xuân đang được cải tiến và tái trong bị nên những cuộc dạ vũ hàng tuần phải được dời sang Ðại Sảnh. Sau khi Liên Xuân Phòng được chỉnh trang, một chiếc giường khổng lồ được đặt trong một căn phòng bên cạnh dành cho Mao nghỉ ngơi. Tôi vẫn thường xuyên có mặt trong những buổi dạ vũ nầy và dĩ nhiên là cũng tận mắt chứng kiến việc Mao dắt các em vũ nữ trẻ đẹp vào trong phòng nầy để cùng "nghỉ ngơi" với y.

(Ảnh Mao và một bà vợ là Dương Khai Tuệ)
Ðối với những vũ nữ nầy, việc được dâng hiến cho Mao, là một vinh dự không thể nào so sánh, vượt xa những giấc mơ thần tiên nhất của họ. Một số phụ nữ đã từ chối, họ thường là đứng tuổi và có học. Mọi người làm việc cho Mao đều được điều tra kỷ càng, các vũ nữ trẻ cũng không vượt qua nguyên tắc ấy. Việc điều tra kỷ lưỡng nhằm bảo đảm rằng các vũ nữ phải có lòng thán phục sâu sắt dành cho Chủ Tịch. Hầu hết trong số họ là con cháu của những nông dân nghèo khó, những người mang ơn Ðảng Cộng Sản Trung Quốc suốt đời. Mao đối với họ là thần thánh, là đấng sáng tạo.

Một cô vũ nữ họ Lưu chẳng hạn. Cuộc đời cô ta bắt đầu như một cô bé ăn mày. Cha cô chết sớm, hai mẹ con cô đành phải đi ăn xin lây lất. Khi Ðảng Cộng Sản cướp chính quyền cô ta chỉ mới 8, 9 tuổi và được chọn để huấn luyện trong Ðoàn Văn Công Bộ Ðội Không Quân. Ðảng Cộng Sản đã cứu cuộc đời nàng. Một cô gái khác là một đứa bé mồ côi, con của cha mẹ liệt sĩ. Cô bé chưa bao giờ được cắp sách đến trường, đảng đã cứu và huấn luyện cô thành diễn viên trong đoàn văn công của binh đoàn Ðường Sắt.
Ðối với hàng triệu triệu người dân Trung Quốc, được nhìn thấy bóng Mao đang đứng trên khán đài Thiên An Môn đã là một cơ hội mà họ luôn luôn ao ước, hồi hộp. Một vài người may mắn có đặc quyền được bắt tay Mao có thể nhiều tuần sau cũng không muốn rửa tay. Thậm chí có những chuyện gần như mê tín dị đoan đã xảy ra như có nhiều người ở xa cũng gắng đến để mong được đụng lấy bàn tay của người mà đã may mắn bắt tay Mao trước đây để mong được nhận một thứ nhân điện chuyển sang người của y, gần như là thứ kinh nghiệm huyền bí. Trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa, ngay cả trái xoài Mao gởi tặng công nhân cũng trở thành vật thánh, được tôn thờ trên bàn thờ và nước nấu từ một miếng xoài nhỏ để uống như một thứ thuốc tiên. Từ đó, hãy tưởng tượng đến cảm giác của một cô gái được đích thân Mao làm tình quả là kinh nghiệm có một không hai trong cuộc đời họ.
Nếu theo đúng định nghĩa thông dụng của hai chữ tình yêu giữa hai giới thì họ thật chẳng yêu thương gì Mao. Họ yêu ông ta như yêu một lãnh tụ vĩ đại, một vị cứu tinh, và ai cũng ý thức rằng mối liên hệ giữa Mao và họ chỉ làm tạm thời. Họ đều dưới hai mươi tuổi khi được dâng cho Mao. Khi Mao bắt đầu chán họ cũng là lúc nhiệm vụ của họ đã hoàn tất, họ lại tiếp tục đời sông bình thường và được các chàng nông dân cưới về làm vợ. Nhưng điều quan trọng là ngay cả việc cưới hỏi cũng phải được phép Mao. Nếu không được phép của Mao, người đàn bà đó có thể bị Mao gọi trở lại dù đã có chồng. Mao không hề hiểu được một điều rằng các cô gái nọ đã nghĩ gì về y. Có lần, một cô gái trẻ nói với tôi "Mao Chủ Tịch rất là lạ, ông ta không hiểu sự khác nhau giữa tình yêu của một người đối với ông ta trong tư cách một lãnh tụ và đối với ông ta trong tư cách một con người, thế có ngộ không nhỉ."
Các cô gái trẻ kính sợ khả năng tình dục khác thường của Mao tương tự như kính trọng uy thế chính trị cua ông ta. Mao hạnh phúc nhất và thỏa mãn nhất là khi cùng chung chăn chung gối với nhiều cô gái một lúc. Mao khuyến khích các cô giới thiệu ông ta những kiểu làm tình mới lạ.
Mao cho rằng việc thực tập tình dục theo quan niệm cổ xưa là phương pháp giúp cho ông ta mạnh khỏe, chẳng qua là một cái cớ để thỏa mãn lòng ham muốn xác thịt của y mà thôi. Sự hãnh diện được phục vụ cho lãnh tụ vĩ đại làm cho các cô không thể không diễn tả cho tôi, với tư cách một bác sĩ và là một nhân viên trong ban tham mưu của Mao, biết. Họ chẳng che dấu điều gì. Mao đưa và khuyến khích họ đọc cuốn chỉ dẫn về cách làm tình, cuốn "Bí mật tình dục của cô gái nhà quê". Sách viết theo lối cổ ngữ nên rất khó đọc. Các cô cứ nhờ tôi giải thích nên dần dần tôi cũng thuộc ráo nội dung của tác phẩm tình dục nầy. Một trong những cô gái tỏ ra biết ơn những gì cô ta đã học được và những gì mà Mao đã dạy, ngày nọ nàng ta thổ lộ với tôi "Mao Chủ Tịch thật vĩ đại ở mọi thứ, thật là say sưa, choáng váng."
Tình dục của Mao không chỉ thể hiện với nữ giới mà thôi. Những thanh niên phục vụ cho Mao cũng phải đẹp trai và mạnh khỏe và một trong những nhiệm vụ của họ là đấm bóp cho Mao hàng đêm. Trong việc nắn bóp, Mao đòi hỏi cả ngọc hành của y cũng phải được nắn bóp. Vào năm 1960 một trong đám thanh niên phục vụ Mao không chịu làm công việc nầy và xin chuyển công tác. Trước khi đi y thổ lộ với tôi "Ðó là công việc của đàn bà chứ không phải đàn ông." Tôi cũng đã chứng một dịp khác xảy ra trên xe lửa vào năm 1964, trong lúc một nam phục dịch chuẩn bị chỗ ngủ cho Mao thì Mao vồ lấy anh thanh niên để mò mẫm và ráng kéo anh ta vào giường ngủ của y. Thoạt chứng kiến việc nầy tôi cho đó là triệu chứng đồng tính luyến ái, nhưng suy nghĩ kỹ tôi biết đó chẳng qua là biểu hiện của lòng tham dâm quá sức mà thôi. Trong ca kịch Trung Quốc, nhiều nam diễn viên trẻ đẹp đóng vai nữ và phục vụ tình dục cho các thương gia giàu hay các quan chức. Những tiểu thuyết khiêu dâm như Hồng Lâu Mộng hay Cánh Sen Vàng mà Mao rất thích đọc cũng có nhắc đến những chuyện đó.
Với một đời sống tình dục quá độ như Mao, việc nhiễm bịnh phong tình, hoa liễu là một việc không thể nào tránh khỏi. Một cô gái bị mắc bịnh nhiễm trùng âm hộ và vì vậy lây sang Mao. Tới phiên Mao lại làm lây sang những cô gái khác mà y chung đụng. Loại bịnh nầy chưa hẳn là nguy hiểm như giang mai, hoa liễu. Nó tạo ra nhiều khó chịu đối với đàn bà nhưng đối với đàn ông thì lại không có triệu chứng gì nặng nề. Mao chuyển cô gái bị y lây bịnh sang gặp tôi để xin chữa trị. Cô gái chẳng những không buồn trái lại lấy đó làm hãnh diện. Bịnh tật được lây từ Mao Chủ Tịch là một danh dự, điều đó chứng tỏ sự gần gũi với Mao Chủ Tịch. Tuy nhiên việc chữa trị cho cô gái nầy chưa phải là hết bịnh vì Mao chính là người làm lây bịnh nầy. Cơn dịch chỉ được ngăn chận một khi chính Mao phải được chữa trị. Tôi muốn Mao tạm ngưng việc làm tình một thời gian. Mao chống chế cho rằng vì là bác sĩ, tôi có vẽ trầm trọng hóa vấn đề chứ bản thân y có cảm thấy đau đớn gì đâu.
Tôi nhấn mạnh với Mao rằng nếu không được chữa trị, Mao có thể làm lây cả cho Giang Thanh. Mao nghe lời thuyết phục của tôi chẳng khác gì chuyện tếu. Mao xua tay vừa cười vừa nói "Chuyện đó không thể nào xảy ra, tôi nói với bả từ lâu là tôi già cả rồi không thể làm chuyện đó được nữa."
Tôi đề nghị với Mao rằng ít nhất ông ta cũng phải cho phép rửa sạch bộ phận đàn ông của y. Hàng đêm các cán bộ phục vụ vẫn lau người y bằng khăn tẩm nước nóng, Mao chưa hề thật sự tắm rửa. Bộ phận đàn ông của Mao chưa bao giờ được lau cho sạch. Mao bắt bẻ "tôi rửa bộ phận của tôi bên trong cơ thể của đàn bà." Nghe Mao nói tôi muốn ói mửa. Sự khoái lạc xác thịt của Mao vượt khỏi sự chịu đựng của tôi. Mặc dù tôi cố gắng vẫn không làm sao ngăn chận được căn bịnh nơi Mao, ông ta mang căn bịnh nầy cho đến ngày cuối cùng trong cuộc đời.

Trích hồi ký của một nhân vật thân cận Mao Trạch Đông

Phạm Văn Hiến, Cựu Hiệu Trưởng ĐHĐT
**************************

Những cuộc xử tử của Cộng Sản Bắc Hàn
Trúc Giang MN



1* Mở bài

"Triều Tiên vẫn là một quốc gia bí ẩn và ít được biết tới, nơi có đủ không gian cho người ta tưởng tượng", nhà phê bình điện ảnh Kim Sun-Yub phát biểu, vì thế tin tức của Bắc Hàn được thu nhận từ Nam Hàn, Nhật, Hồng Kông và Trung Cộng, do đó có những điều trái ngược nhau.

Cộng Sản Bắc Hàn cai trị bằng khủng bố, nên những vụ xử bắn làm gương được dùng như biện pháp làm ổn định trật tự xã hội.

Có điều kỳ lạ là quần chúng nhân dân lại tôn vinh những tên bạo chúa, đồ tể, tay đã vấy máu của chính đồng bào của họ.

2* Vụ xử tử gây chấn động thế giới của Cộng Sản Bắc Hàn

Ngày 13-12-2013, báo nhà nước Bắc Hàn đưa tin, người dượng của Kim Jong-un bị xử tử ngày 12-12-2013 ngay sau một phiên tòa ngắn ngủi. Theo thủ tục thì tử tội bị bắn 90 viên đạn từ 3 khẩu súng máy, mỗi khẩu 30 viên.

Vụ xử tử làm kinh động truyền thông thế giới bởi hai điểm đáng chú ý, trước hết tử tội là người dượng đã từng được giao phó trách nhiệm làm “nhiếp chánh” và bảo vệ người cháu Kim Jong-un. Kế đó, tử tội là một đệ nhất công thần, một đại tướng nắm quyền lực thứ hai sau “Lãnh tụ xuất sắc” họ Kim.

Chỉ mấy tháng trước ông là một nhân vật đầy quyền lực, nay bị buộc những tội tày trời không thoát khỏi cái chết. Tội danh được liệt kê là: phản bội tổ quốc, phản đảng, phản cách mạng, tham nhũng, “cờ bạc rượu chè trai gái, xì ke ma túy” sống xa hoa trụy lạc kiểu tư sản.

Bắc Hàn là một quốc gia khép kín nên nguyên nhân phạm tội được báo chí nêu ra khác nhau, chung quy là về quyền lực, tranh giành và bảo vệ quyền lực đưa đến thanh trừng nội bộ thường thấy ở các đảng Cộng Sản.

Cũng có ý kiến cho rằng Jang Song-thaek có chủ trương đổi mới về kinh tế, muốn bắt chước theo mô hình kinh tế của Trung Cộng, từ đó gây thế lực chống lại Kim Jong-un.

3* Bản di chúc bí mật của Kim Jong-il

3.1. Jang Song-thaek bị lộ chân tướng

Ngày 11-12-2013, giới chuyên gia Nam Hàn tiết lộ, theo di chúc của cha, Kim Jong-un đã lên kế hoạch trừ khử người dượng Jang Song-thaek vào năm 2011.

Tờ Chosun Ilbo cho biết, năm 2008, khi Kim Jong-il bị đột quỵ thì Jang Song-thaek đã ra tay loại bỏ một số đối thủ trong đảng và cài cắm người của ông vào những vị trí trọng yếu.

3.2. Kế độc của Kim Jong-il

Thấy được mưu đồ của người em rể, Kim Jong-il liền phong cấp tướng 4 sao và đưa Jang vào nắm chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng, quyền lực thứ hai sau lãnh tụ tối cao, với nhiệm vụ hướng dẫn và bảo vệ Kim Jong-un. Bị sa vào bẫy mà không biết, nên Jang không ra tay hành động ngay khi đang có nhiều quyền lực trong tay, khi đứa cháu vợ Kim Jong-un chân ướt chân ráo kế thừa quyền lãnh đạo.

3.3. Di chúc bí mật của Kim Jong-il

Chuyên gia Lee Yun-keol thuộc Trung tâm Chiến lược Hàn Quốc tiết lộ, Kim Jong-il để lại một chúc thư bí mật, cảnh báo về “những kẻ lập bè phái ở hậu trường” và nhấn mạnh “cần phải ứng phó với những phần tử nầy”. Di chúc không nói thẳng tên Jang Song-thaek nhưng gia đình đều biết rõ người đó là ai. Do đó, Kim Jong-un cùng với anh trai Kim Jong-chol, chị gái Kim Sul-song và người cô Kim Kyong-hui (vợ của Jang Song-thaek) đã có kế hoạch bắt giữ ông dượng từ năm 2012.

3.4. Lập đội đặc nhiệm

Kim Jong-un đã đề bạt và trọng dụng Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Choe Ryong-hae để gây thế lực. Jong-un cùng anh trai gặp gỡ hàng tuần để thiết lập kế hoạch. Một đội đặc nhiệm được thành lập do anh trai Kim Jong-chol chỉ huy, gồm sĩ quan và binh lính trong đội cận vệ.

Đầu tháng 11 năm 2013, đặc nhiệm đã đúc kết bản luận tội và trình lên Kim Jong-un.

Ngày 8-11-2013, Kim Jong-chol dẫn toán đặc nhiệm đến bắt Jang ngay trong buổi họp của Bộ chính trị. Việc bắt người không do cơ quan hữu trách của nhà nước thực hiện, mà do Kim Jong-un thi hành cuộc thanh trừng.

Ngày 9-12-2013, hãng thông tấn nhà nước KCNA (Korean Central News Agency) loan báo ông Jang bị tước hết mọi chức vụ vì những trọng tội: phản bội tổ quốc, phản đảng, phản cách mạng, lạm dụng quyền lực, tham nhũng, phá hoại kinh tế và “bài bạc, rượu chè, trai gái, hút xách, xì ke ma túy, dâm ô, trụy lạc”…

3.5. Dự đoán có hơn 10,000 thân tín sẽ bị thanh trừng

Những phụ tá thân cận của Jang Song-thaek bị xử tử.

Ngày 29-11-2013, Viện Nghiên Cứu Sejong (Nam Hàn) cho biết, hai nhân vật thân tín của ông Jang là hai thứ trưởng Bộ Hành chánh, Ri Young-ha và Jang Su-jin bị xử bắn với tội danh lạm quyền, kéo bè cánh và phủ nhận quyền lãnh đạo của đảng.

Hôm 1-12-2013, đại sứ Bắc Hàn ở Malaysia, ông Jang Yong-chul bị triệu hồi về nước, nhưng ông và gia đình gồm vợ và hai con trai học đại học đã biến mất ở ngôi nhà của họ tại thủ đô Kuala Lumpur.

Để tránh bị thanh trừng nhiều phụ tá thân tín của ông Jang đã đào thoát.

Căn cứ vào vụ cụu Chủ tịch đảng Lao Động Triều Tiên, Hwang Jang-yop, đã đào tỵ sang Nam Hàn và sau đó 3,000 thân tín bị xử tử hoặc giam cầm, trong vụ nầy có thể trên 10,000 thân tín của ông Jang Song-thaek có thể bị thanh trừng. Tin cho biết, ông Jang đã thu nạp khoảng 20,000 thuộc hạ trung thành khi ông nắm quyền lực.



Hình ảnh Bắc Hàn.

Những người đầu tiên bị thanh trừng có thể là:

- Đại sứ Bắc Hàn ở Trung Cộng, ông Ji Jao-ryong

- Bộ trưởng An ninh, ông Choe Pu-il

- Phó Thủ tướng, Roh Du-chol

- Bộ trưởng Văn hoá Thể thao, Ri Jong-mu

- Cựu đại sứ Thụy Sĩ, Ri Su-yong.

3.6. Tóm tắt về Jang Song-thaek

Jang Song-thaek (hay Jang Sung-thaek, Chang Sung-taek) sinh ngày 2-2-1946. Jang Song-thaek giữ chức Phó Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Phòng, nhân vật thứ hai sau Kim Jong-un. Sau khi Kim Jong-il chết, ông nầy xuất hiện lần đầu tiên mang lon tướng 4 sao. Tháng 12 năm 2013 bị khai trừ ra khỏi quyền lực. Bị bắt ngay tại phiên họp của Bộ Chính trị, trói tay đưa ra toà và bị xử bắn ngay sau khi tuyên án vào ngày 12-12-2013 với một loạt các tội danh, nặng nhất là phản cách mạng, phản đảng, tham nhũng, đồi trụy, xì ke ma túy, cờ bạc và quan hệ bất chánh với phụ nhiều phụ nữ…

3.7. Tóm tắt về bà Kim Kyong-hui

Kim Kyong-hui sinh ngày 30-5-1946, con gái của Kim Nhật Thành (Kim Il-sung), em của Kim Chánh Nhật (Kim Jong-il), và là bà cô của Kim Jong-un.

Ngày 27-9-2010, bà nầy cùng chồng là Jang Song-thaek và cháu là Kim Jong-un, cả ba cùng một lúc nhảy ngang vào quân đội mang lon cấp tướng 4 sao. Ngày hôm sau, 28-9-2010, bà nhảy vào nắm chức ủy viên Bộ Chính trị đảng Lao Động của Cộng Sản Bắc Hàn.

Bà có đứa con gái tên Jang Kum-song (1977-2006) sống ở Paris theo diện du sinh. Cô nầy bị cha mẹ phản đối hôn nhân với chàng trai Bắc Hàn thường qua lại giữa Bình Nhưỡng và Paris. Lý do là người yêu của cô có “lý lịch không rõ ràng” bị xem là hạ cấp, đó là không thuộc gia đình cách mạng, hạ cấp là xuất thân từ giai cấp địa chủ, tư sản, chống đảng và Thiên Chúa Giáo. Jang Kum-song từ chối lịnh triệu hồi về nước, tự tử bằng thuốc ngủ và rượu mạnh vào ngày 15-9-2006. (29 tuổi).

Tháng 8 năm 2012, sức khoẻ bà Kim Kyong-hui sa sút vì nghiện rượu và bịnh trầm cảm.

Bà và chồng Jang Song-thaek không sống chung nhưng không ly dị. Người đào tỵ Bắc Hàn cho biết bà nầy đã lẹo tẹo với một thanh niên dạy đàn Piano nhỏ hơn bà 10 tuổi, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn thì chàng trai biến mất vì bị chồng bà thủ tiêu.

4. Những vụ xử tử của Kim Jong-un

4.1. Kim Jong-un ra lịnh bắn chết tại chỗ những người vượt biên

Ngay sau khi nắm quyền lãnh đạo, Kim Jong-un ra lịnh cho lính biên phòng xả súng bắn vào những người vượt biên. Ngoài ra trang mạng Daily NK của người Bắc Hàn tỵ nạn ở Nam Hàn cho biế, cục An ninh Bắc Hàn ra lịnh trừng phạt 3 đời thân nhân những người vượt biên, biểu hiện sự bất mãn và phản bội tổ quốc XHCN.

Lực lượng biên phòng ở biên giới Bắc Hàn-Trung Cộng, lực lượng Hải quân được lịnh xả súng vào người vượt biên và tàu thuyền nghi ngờ vượt biển.

Tờ Chosun Ilbo (Nam Hàn) cho rằng biện pháp tàn khốc nầy là do bè lũ Bảy tên (Gang of Seven) đứng sau lưng vương triều Kim Jong-un.

“Bè Lũ Bảy Tên” là bảy nhân vật cao cấp nắm giữ những cơ quan quyền lực nhất như ngành an ninh, tuyên truyền và quân đội, mà thế giới được thấy mặt khi họ đi hai bên quan tài của Kim Jong-il, vị trí giành cho nhân vật quyền lực quan trọng, khi họ đi qua đường phố Bình Nhưỡng trong ngày tang lễ.

Báo The Telegraph (Anh) cho rằng đó là lúc 7 nhân vật quyền lực nhất đứng đàng sau ngai vàng của Kim Jong-un, mới bắt đầu bước ra khỏi bóng tối của một quốc gia mà mọi việc đều chìm trong bí mật.

4.2. Số vụ xử tử gia tăng

Ngày 7-12-2013, trang mạng Soha.vn đưa tin một nghị sĩ Nam Hàn, ông Cho Won-jin, tiết lộ số vụ xử tử ở Bắc Hàn gia tăng gấp đôi so với số vụ của năm 2012. Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) và Nhân Quyền Quốc Tế (International Federation for Human Rights) đưa ra thống kê như sau: năm 2013: 80 vụ, năm 2012: 40 vụ, năm 2010: 60 vụ.

4.3. Xử bắn ở nơi công cộng.

Án tử hình ở Bắc Hàn được thi hành bằng xử bắn bằng súng máy ở nơi công cộng, bắt buộc dân chúng phải đến chứng kiến, mục đích răn đe làm gương.

Ngày 13-11-2013, theo báo JoongAng Ilbo thì 80 người bị xử bắn ở nơi công cộng vì những tội nhỏ nhặt như: lén xem truyền hình Nam Hàn, phổ biến hình ảnh khiêu dâm, lưu giữ và phân phát Kinh Thánh. 10,000 người dân ở tỉnh Wonsan bị bắt buộc phải đến sân vận động địa phương Shinpoong đế chứng kiến vụ hành quyết nầy.

Trước đó, một giám đốc 74 tuổi bị xử bắn trước mặt 170,000 người ở sân vận động Suncheon vì ông nầy đã khai gian lý lịch, là trước kia cha ông cũng có tham gia cách mạng và chính ông cũng là một người yêu nước Xã Hội Chủ Nghĩa. Hãng Fox News cho biết thêm, ông nầy đã đưa mấy đứa con vào làm trưởng ban trong công ty của ông, đồng thời ông dùng điện thoại dưới hầm của công ty liên lạc đường dây quốc tế.

Sau vụ xử bắn, 170,000 người tranh nhau ra về, tạo ra hỗn loạn, dẫm đạp lên nhau làm chết 6 người và 34 người bị thương.

4.4. Giết người còn tệ hơn giết thú vật (Worse than animal slaughter)

Hãng tin Associated Press thuật lại lời của một tù nhân, một người tên Choe Kwang Ho lén rời khỏi nơi đang lao động khoảng 15 phút để bẻ trái cây, bị phát hiện và bị xử tử bằng cách nhét mảnh đá vụng vào người qua cửa miệng.

Một nữ tù nhân mang thai, cô và người yêu bị xử tử ở nơi công cộng. Sau đó, bọn cai tù mổ tử cung lấy bào thai ra đem cho chó của bọn họ ăn.

4.5. Những án tử hình tàn khốc ở Bắc Hàn

Ở Bắc Hàn, những quan chức bị xử tử một cách tàn khốc vì những tội danh rất khó hiểu.

Tội gì cũng có thể bị xử bắn. Bắc Hàn có 19 loại tội tử hình. Ngoài 17 tội được quy định trong bộ luật hình sự như “tội phản quốc”, “tội phản dân tộc” thì chắc chắn không tránh khỏi bị xử bắn. Ngoài ra, bên cạnh những loại tội bình thường mà có ghi thêm cước chú là “sẽ bị tử hình nếu tình tiết gia trọng, ví dụ như tội buôn lậu, làm tiền giả…

Các cán bộ cao cấp thì khi bị ghép vào tội “thất bại trong cải cách” hay “tham ô”, đều có lý do để đem ra xử bắn, đặc biệt là tội “bất kính hay xúc phạm lãnh tụ”.

Tội danh chỉ ghi chung chung không biết thế nào là bất kính, là xúc phạm, vì thế các đại tướng già nua, mang đầy huy chương từ trái qua phải, từ ngực xuống tới chân tỏ ra khúm núm, cúi đầu gập lưng, thái độ hết mực tôn kính, lễ phép vâng lời… trước một ông trời con, miệng còn hôi sữa chỉ vì anh ta mang họ Kim của thiên tử.

Một sinh viên nhảy vào căn nhà đang cháy chỉ để lấy cái khuôn hình của lãnh tụ Kim Jong-un ra khỏi ngọn lửa. Đó là hành động bày tỏ lòng kính trọng lãnh tụ.

Tóm lại, không ai biết rõ chi tiết có bao nhiêu loại tội tử hình, chỉ biết rằng xử bắn là việc thường thấy ở Bắc Hàn.

4.6. Cải cách tiền tệ thất bại Bộ trưởng bị xứ bắn

Hồi tháng 11 năm 2009, Bắc Hàn tiến hành cuộc cải cách tiền tệ lần đầu tiên kể từ năm 1959, nhưng sau cải cách, toàn bộ giá cả thị trường nội địa gia tăng chóng mặt. Nội bộ đổ trách nhiệm cho nhau và chỉ trích lẫn nhau kịch liệt, cuối cùng Bộ trưởng Tài chánh Park Nam-gi bị cách chức, bị chửi bới và đem ra xử bắn vì tội “con trai địa chủ xâm nhập vào hàng ngũ cách mạng để phá hoại”.

4.7. Anh hùng dân tộc cũng bị ăn 99 phát đạn

Thượng tướng Ryu Kyong là người được xem là anh hùng dân tộc khi ông nầy lập kế bắt giữ hai nữ phóng viên Hoa Kỳ ở khu vực sông Tumen bên biên giới Trung Cộng. Đây là vụ việc đã khiến cho cựu tổng thống Bill Clinton phải đích thân tới Bắc Hàn thương lượng nạp tiền và viện trợ mà báo chí Bắc Hàn gọi là “cúi đầu xin lỗi” trước lãnh tụ Kim Jong-il. Công lao của tướng Ryu Kyong lập tức được phong hai danh hiệu Anh hùng dân tộc.

Đến tháng 11 năm 2010, Ryu Kyong được cử làm đại diện Bắc Hàn đến thương thuyết với Nam Hàn về việc Bình Nhưỡng đã phóng 100 quả đạn đại bác vào hòn đảo Yeonpyeong của Nam Hàn. Thoả thuận hoàn tất, mở đầu cho bước hội đàm cao cấp kế tiếp.

Tưởng rằng sẽ được thưởng công, nhưng khi vừa về nước thì bị kết tội “tiết lộ bí mật quốc gia” cộng thêm một loạt tội danh “trời ơi đất hởi” mù mờ, vị anh hùng dân tộc trở thành kẻ phản quốc và ra pháp trường lãnh 99 phát đạn súng máy.

Thế giới bên ngoài không rõ nguyên nhân chính xác nên cho rằng đó là đòn thanh trừng nội bộ thường thấy trong các đảng Cộng Sản về tranh giành quyền lực.

4.8. Tử hình bằng đạn súng cối để “sợi tóc của tử tội cũng không còn”

Sau khi Kim Jong-un lên nắm quyền, các vụ tử hình cán bộ cao cấp gia tăng đáng kể. Trong thời gian cả nước để tang Kim Jong-il thì Kim Jong-un đã xử tử 10 tướng lãnh trong quân đội.

Báo chí Nam Hàn đưa tin, ngay trong thời gian quốc tang, Kim Jong-un đã ra lịnh xử bắn Thứ trưởng Quốc phòng và những tướng lãnh khác trong quân đội, lý do là “vi phạm kỷ luật, bất kính trong tang lễ của lãnh tụ.”

Thứ trưởng QP Kim Chol bị xử bắn với chỉ thị là “không được để sót một sợi tóc của tử tội”, cho nên phải xử dụng đạn súng cối, chỉ vì ông nầy đã uống rượu và vui cười trong thời gian để tang. (Hãng Associated Press thuật lại như sau: He was sentenced to die in such manner that his body should be completely obliterated, without any trace remaining, not even hair.). Ông bị buột vào một vị trí mà tọa độ đã được xác định, sau một loạt súng cối, không còn gì cả, kể cả một sợi tóc. Sáng kiến của Kim Jong-un độc thiệt! Hàng ngàn người khác bị bắt giam và chịu những hình phạt do những cáo buộc vi phạm khác nhau, ví dụ như đã không tỏ ra vẻ hoàn toàn ủ rủ đau thương khi xuất hiện nơi công cộng.



Hình ảnh Bắc Hàn.

5* Kim Jong-un “xử tử người tình cũ để che giấu quá khứ của vợ”

5.1. Tiết lộ quá khứ của đệ nhất phu nhân.

Ngày 23-9-2013, tờ báo Asahi Shimbun (Nhật) thuật lại lời của một quan chức chính phủ Bắc Hàn đào tỵ cho biết, mật vụ Bắc Hàn đã bí mật ghi lại các cuộc nói chuyện giữa những vũ nữ trong đoàn Unhasu thuộc “Lữ đoàn phụ nữ giải trí”, trong đó có tiếng nói của vũ nữ Hyon Song-wol, được cho là “người tình cũ” của Kim Jong-un. Qua cuộc đàm thoại, họ phê bình đệ nhất phu nhân Ri Sol-ju như sau: “Ri Sol-ju cũng đã từng hành xử giống như chúng ta mà thôi”. “Hành xử” của đoàn phụ nữ giải trí là giúp vui cho lãnh tụ.

Câu nói tiết lộ bí mật về quá khứ của Ri Sol-ju độc hại nầy đưa đến cái chết của 12 thành viên trong đoàn ca vũ Unhasu, trong đó có “người tình cũ” Hyon Song-wol và người trưởng đoàn Mun Kyong-ju.

Ngày 29-8-2013, tờ Chosun Ilbo (Nam Hàn) đưa tin, bạn gái của Kim Jong-un là Hyon Song-wol cùng 11 thành viên của đoàn Unhasu đã bị xử bắn vào ngày 20-8-2013 tại một sân bắn quân sự bằng 3 khẩu súng máy, mỗi khẩu 30 viên đạn.

90 viên đạn của 3 khẩu súng máy là tiêu chuẩn xử bắn ở Bắc Hàn. Trong cuộc xử bắn, tất cả những thành viên của đoàn Unhasu và gia đình của những tử tù bị bắt buộc phải chứng kiến cuộc hành hình. Thân nhân của những người bị bắn sau đó bị xử phạt, đưa đến trại lao động.

5.2. Tội phát tán “clip sex”

Đoạn "băng sex" được cho là bằng chứng khẳng định bản án tử hình của nữ ca sỹ Hyon.

Lộ clip sex khiến "người cũ" chủ tịch Kim Jong-un bị bắn

Những người bị xử bắn có liên quan đến vụ tiết lộ quá khứ không trong sạch của đệ nhất phu nhân, là Ri Sol-ju đã từng ở trong đơn vị phục vụ niềm vui cho lãnh đạo.

Tội danh được công bố chính thức là đã vi phạm luật chống khiêu dâm (anti-pornography law), cụ thể là đã phát tán một “clip sex”.

Thật ra, “Clip sex” chỉ là một màn ca múa do ba vũ nữ trình diễn. Họ ăn mặc không quá hở han lắm: quần ngắn có tua ren che phủ, ngực cũng được che kín đáo. Những bước nhảy theo nhạc ngoại quốc Aloha Oe với những cái đá chân lên cao để lộ quần lót bên trong.

Bị tội là do đã phổ biến sinh hoạt tình dục bí mật giành riêng cho lãnh tụ mà thôi. Báo Trung Cộng cho biết, đoạn video đó là lý do đưa 12 thành viên của đoàn Unhasu đến cái chết.

Để hiểu rõ quá khứ của đệ nhất phu nhân Bắc Hàn, cần thiết phải nói đến Lữ đoàn Kippumjo.

5.3. Lữ đoàn phục vụ niềm vui với 2,000 tuyệt sắc giai nhân

Phóng viên Firoze H. của đài CNN, trích dẫn lời của cựu nhân viên tình báo CIA cho biết, “Ông (Kim Jong-il) tuyển các cô gái trẻ đẹp, hấp dẫn ở tuổi học sinh trung học để tham gia vào Lữ đoàn giúp vui, phục vụ các lãnh đạo”. (He recruited attractive young girls of junior high school age to take part in “Joy Brigades” whose function was to help relax his senior officials)

Nhóm Tiếng Nói Phụ Nữ Quốc Tế (A Womans Voice International) cáo buộc nhà nước Bắc Hàn tuyển chọn những gái đẹp tuổi từ 14 đến 20 để đưa vào “Lữ đoàn phục vụ niềm vui” gọi là Kippumjo, mà thực chất là phục vụ tình dục cho lãnh tụ Kim Jong-il và các lãnh đạo cao cấp. Cũng có nhiều trường hợp phụ vụ cho các quan khách đặc biệt từ Trung Cộng sang. Đến 25 tuổi, các cô gái nầy được gả cho những binh sĩ hoặc cận vệ của các lãnh đạo.

Kippumjo được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau như Pleasure Brigade, Joy Brigade, hoặc Joy Division.

Sở dĩ gọi là lữ đoàn, vì những gái đẹp nhất nước nầy được biên chế như một đơn vị quân đội là lữ đoàn.

Lữ đoàn hộ lý phục vụ niềm vui chia làm 3 nhóm:

- Nhóm phục vụ tình dục (Manjokjo): Satisfaction Team which provides sex

- Nhóm phục vụ đấm bóp (Haengbokjo): Massages Team

- Nhóm ca vũ bán khỏa thân. (Gamujo): Dance semi-nude

Kim Chánh Nhật tin tưởng rằng việc làm tình với các thiếu nữ trẻ sẽ làm gia tăng sức sống.

Vương triều của họ Kim có một căn cứ bí mật chìm dưới lòng đất, để khi có chiến tranh thì dời bộ chỉ huy xuống đó để tránh bom nguyên tử. Ở đó có hồ bơi rộng 50 m, có sân tennis và một lữ đoàn gồm 2,000 giai nhân tuyệt sắc để phục vụ “niềm vui” cho lãnh tụ.

Năm 2002, tạp chí Time có cuộc phỏng vấn cựu vệ sĩ của Kim Jong-il, vệ sĩ Lee Young Kuk nói rằng ông không thể quên được một cung điện niềm vui 7 tầng, được trang bị bằng những bar, phòng chiếu phim mini, karaoke…nơi diễn ra những tiệc tùng, nhậu rượu, tìm khoái cảm bên những cô gái xinh đẹp của Lữ đoàn phục vụ niềm vui.

5.3.1. Nhân chứng kể lại bí mật về Lữ đoàn phục vụ niềm vui ở Bắc Hàn

Ngày thứ năm 28-1-2010, lần đầu tiên cô Mi Hyang chính thức kể lại đoàn nữ hộ lý ở trong tư dinh của Vị Cha Già Dâm Tặc, sau khi cô vượt biên sang Nam Hàn.

Câu chuyện của cô Mi Hyang được giới truyền thông đánh giá là đáng tin cậy.

Cảm tưởng ban đầu của cô Hyang đối với lãnh tụ, “Ông ấy chẳng khác gì bất cứ người hàng xóm nào của tôi, mặt ông đầy những vết đốm nâu và răng thì vàng khè…Tất cả những cảm tưởng của tôi về vị lãnh tụ vĩ đại đã sụp đổ”.

Ông Joo Sung-ha, một người tỵ nạn ở Seoul, đến phỏng vấn cô Hyang và đã phổ biến câu chuyện của cô trên blog của ông, vốn được nhiều người theo dõi.

Nhật báo điện tử The National viết “Lữ đoàn văn nghệ hay lữ đoàn giúp vui gồm 2,000 cô gái xinh đẹp, được tuyển chọn cẩn thận, có nhiệm vụ “chiêu đải” vừa trong lãnh vực giải trí, vừa là dịch vụ tình dục, không chỉ riêng cho cá nhân Kim Chánh Nhật, mà còn cho các lãnh đạo chóp bu khác của Bắc Hàn.

5.3.2. Kim Jong-il rất tình cảm trong cơn say xỉn

Vị Cha Già Dân Tộc Kim Jong-il thường trở nên đa cảm trong những cơn say xỉn, và có nhiều khi tình cảm dạt dào đến nổi loạn “không can nổi”. Lãnh tụ bắt đầu khóc thút thít, sau đó nức nở, rồi gào thét lớn tiếng. Ông ta có một đam mê sâu đậm, là thích ăn bộ phận sinh dục của cá mập.

Lữ đoàn nữ binh được dành riêng một hồ bơi dài 50m, rộng 30m ngay dưới tư dinh của lãnh tụ. Kim Chánh Nhật có thể nổi tam bành với các nhân viện thuộc hạ, nhưng thường rất dịu dàng, thân thiện với những cô giúp vui.

5.3.3. Trốn thoát sau 2 năm

Mi Hyang khi đúng 15 tuổi thì có 2 người trung niên của Bộ Chính Trị đến trường nữ trung học của cô, chiêu mộ những cô giúp vui cho lãnh tụ.

Cô Hyang kể lại “Hai người nầy đứng quan sát như thôi miên vào đám con gái chúng tôi. Rồi thì, những cô diện mạo xinh xắn được đưa qua phòng kế bên để tuyển lựa cẩn thận, chỉ lấy vài người thôi, trong số đó có tôi. Sau đó, họ ghi lại chi tiết từng người về lý lịch, về điểm học. Họ còn trắng trợn hỏi tôi, là đã có ăn nằm với một người con trai nào chưa. Tôi rất xấu hổ khi bị hỏi như thế”.

Do lý lịch tự khai của Hyang, mà gia đình cô bị tố cáo là phản quốc, bị tống vào ngục chờ ngày hành quyết. Tuy nhiên, chủ tịch Kim Chánh Nhật đã trực tiếp ra lịnh che chở cho Mi Hyang. Cô không hiểu nguyên nhân, nhưng cô quả quyết rằng Vị Cha Già Dân Tộc chưa bao giờ ra lịnh cho cô phục vụ cách mạng qua công tác thỏa mãn tình dục cho lãnh tụ. Trước khi chính thức được biên chế vào lữ đoàn, các thiếu nữ phải viết bản tuyên thệ, nguyện hết lòng phục vụ và trung thành với lãnh tụ, lấy máu đầu ngón tay in vào tờ tuyên thệ.

Mặc dù Hyang tỵ nạn ở Nam Hàn, nhưng cô vẫn còn lo sợ vì nguy hiểm tánh mạng. Chính quyền Nam Hàn cũng đã cảnh giác ông Joo Sung-ha khi ông cho phổ biến câu chuyện động trời của vị Lãnh tụ kính yêu của Bắc Hàn.

6* Kế hoạch xử tử tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee

6.1. Kế hoạch tuyệt mật bị bại lộ bởi bốn người dân Nam Hàn

Ngày 25-7-2013, hãng tin AFP thực hiện cuộc phỏng vấn ông Kim Shin-jo, một thành viên của toán đặc nhiệm Bắc Hàn đột kích vào Nhà Xanh (Phủ tổng thống Nam Hàn) 45 năm trước để ám sát tổng thống Nam Hàn Park Chung-hee. (Phác Chính Hy)

Kim Shin-jo kể lại cho phóng viên AFP, một kế hoạch tuyệt mật bị bại lộ bởi 4 người dân Nam Hàn. “Nếu lúc đó chúng tôi giết chết bọn họ thì không có báo động nào, và chúng tôi chắc chắn có thể đạt được mục đích của mình”.

Bọn họ ở đây là 4 anh em nhà họ Woo ở làng Changhyeon vào rừng đốn củi mà nhóm đặc nhiệm chúng tôi bắt gặp vào ngày 19-1-1968. Đó là thời diểm chỉ còn 36 giờ thực hiện hành động táo bạo nhất suốt 60 năm từ lúc ngưng chiến (1950-1953).

Mục tiêu của nhóm là tấn công vào Nhà Xanh để xử tử Park Chung-hee.

Nhưng đội đặc nhiệm đã thất bại do một tính toán sai lầm, là thả 4 người dân Nam Hàn để họ đi báo động.

6.2. Kế hoạch “cắt cổ Park Chung-hee”

Năm 1966, Bình Nhưỡng quyết định lập một kế hoạch ám sát tổng thống Nam Hàn Park Chung-hee, nhằm kích hoạt một cuộc nổi dậy của dân miền Nam chống lại chính quyền Seoul và quân đội Hoa Kỳ đồn trú ở Nam Hàn, nhân cơ hội đó, quân Cộng Sản Bắc Hàn tràn qua biên giới giải phóng Nam Hàn thống nhất đất nước.

6.2.1. Thành lập đội đặc nhiệm

Từ lực lượng đặc nhiệm 124 khét tiếng, Bắc Hàn tuyển chọn ra 31 binh sĩ xuất sắc nhất, trải qua một chương trình huấn luyện 2 năm về kỹ thuật đổ bộ, xâm nhập, tấn công ám sát…Đội biệt động được huấn luyện tấn công vào Nhà Xanh với một mô hình kích thước như thật cho nên họ rất quen thuộc đường đi nước buớc trong dinh tổng thống dẫn đến đối diện để “cắt cổ Park Chung-hee”.

Họ được trang bị thuốc nổ TNT, lựu đạn, tiểu liên PPS-43, súng ngắn K-54 và đồ ngụy trang, giả làm lính đơn vị bảo vệ Nhà Xanh.

Nhờ năng lực hành quân vượt trội, nhóm đặc công đã xâm nhập được vào khuôn viên Nhà Xanh nhưng do bị lộ nên việc canh phòng rất cẩn mật. Một cuộc đấu súng dữ dội cách Nhà Xanh non 100m.

Do một sai lầm nghiêm trọng nên kế hoạch bị lộ, họ thất bại và bị giết hầu như toàn bộ.

6.2. 2. Đặc công Bắc Hàn xâm nhập Nam Hàn

Ngày 16-1-1968. Đơn vị đặc công rời doanh trại của họ tại Yonsan lên đường thi hành nhiệm vụ.

Ngày 17-1-68. Lúc 11 giờ đêm, 31 đặc công chia làm 6 toán vượt qua Khu Phi Quân Sự ở vĩ tuyến 38. Họ cắt kẻm gai của hàng rào thuộc khu vực của Sư đoàn 2 BB Hoa Kỳ, chỉ cách trạm gác lính Mỹ 30m. Việc xâm nhập vô cùng nguy hiểm vì khu vực dày đặc mìn bẫy, nhưng họ đã vượt qua.

Ngày 18-1-68. Lúc 2 giờ sáng, toán đặc công đã vào lãnh thổ Nam Hàn và tập họp lại tại làng Morae-dong.

Ngày 19-1-68. Lúc 5 giờ sáng, họ vượt qua sông Imjin và tập trung dưới chân núi Simbong. Đến 2 giờ trưa, họ bất ngờ chạm mặt với 4 anh em nhà họ Woo ở làng Changhyeon đang trên đường vào rừng đốn củi.

Một cuộc tranh luận quyết liệt là có nên giết 4 thanh niên nầy không? Sau đó, họ nhất trí thực hiện một bài giảng chính trị tại chỗ, nói về tính ưu việt của chế độ XHCN miền Bắc và đời sống tốt đẹp của ở “Cường Thịnh Đại Quốc” Bắc Hàn. Họ khuyên anh em nhà họ Woo hãy kiên nhẫn đợi chờ ngày giải phóng thống nhất đất nước để toàn dân đươc sống tốt đẹp. Bốn thanh niên được thả ra với điều kiện là không được báo cảnh sát.

Bốn thanh niên đó biết ngay là những lời tuyên truyền ba xạo, láo khoét bịp bợm của Cộng Sản, nên họ lập tức đến đồn cảnh sát Changhyeon báo cáo mọi việc.

Thế là lịnh báo động được ban ra.

Bất chấp báo động, toán đặc công vẫn tiến tới. Họ gia tăng tốc độ di chuyển lên tới 10km mặc dù mỗi người mang 30kg trang bị.

Ngày 20-1-68. Toán đặc công vượt qua núi Nogo và núi Bibong.

Do lịnh báo động, quân đội Hàn Quốc tung ra lực lượng hùng hậu để lục soát. Ngày 20-1-68, 3 tiểu đoàn của Sư đoàn 25 Bộ Binh đến lục soát vùng núi Nogo vào lúc toán đặc công vừa bỏ đi. Đến đêm, những toán hai, ba người tập trung tại ngôi chùa Seungga-sa, chuẩn bị hành động cuối cùng: tấn công vào Nhà Xanh “cắt cổ Park Chung-hee”.

Trong khi đó quân đội Nam Hàn tăng cường các đơn vị, lục soát đại quy mô. Sư đoàn BB 30 kết hợp với trực thăng của không quân và cảnh sát, lục soát ba ngôi làng và vùng rừng núi trong khu vực.

6.2.3. Giao chiến bùng nổ dữ dội

Ngày 21-1-68. Lúc 10 giờ sáng. Toán đặc công bất ngờ đối diện với một trạm cảnh sát mới dựng lên. Trạm kiểm soát chỉ cách Nhà Xanh chừng 100m. Sĩ quan trưởng toán là Choi Gyushik bắt đầu hạch hỏi. Do những câu trả lời ấm ớ, nên viên sĩ quan cảnh sát nghi ngờ, vừa rút súng ra nhưng những đặc công đã thủ sẵn, nhanh tay bắn chết viên cảnh sát, và cuộc đọ súng giữa hai bên nổ ra dữ dội. Vừa lúc đó, một chiếc xe bus chở hành khách trờ tới, đặc công tưởng là cảnh sát tăng cường, nên xả súng và ném lựu đạn vào hành khách.

Sau nhiều phút đấu súng, đặc công chia ra từng toán chạy vào núi Inwang và Bibong bao quanh phía sau Nhà Xanh.

Cảnh sát trưởng Choi Gyushik và phụ tá tên Jung Jong-su tử thương. Một đặc công Bắc Hàn bị bắt nhưng anh ta nhanh tay tự tử tại chỗ.

6.2.4. Tiêu diệt đặc công Bắc Hàn

Ngày 22-1-68. Quân đội Nam Hàn mở cuộc hành quân tổng lục soát trong khu vực rừng núi phía sau Nhà Xanh.

Binh sĩ Sư đoàn 30BB bắt sống Kim Shin-jo khi hắn trốn trong một nhà dân ở chân núi Inwang. Tiểu đoàn Bảo vệ Nhà Xanh hạ sát 4 tên.

Ngày 23-1-68. Sư đoàn Công binh 26 bắn hạ một tên. Ngày 24-1-68, binh sĩ của Sư đoàn 26 và Sư đoàn 1 bắn hạ 12 đặc công. Ngày 25-1-68, 3 đặc công bị bắn hạ. Ngày 29-1-68, 6 đặc công bị giết trong khu vực.

Thiệt hại:

Nam Hàn

Thiệt mạng: 26

Bị thương: 66 cảnh sát và quân đội

Thường dân: khoảng trên 20 bị thương

Bốn quân nhân Hoa Kỳ bị giết trong lúc đặc công xâm nhập khu vực do Hoa Kỳ trú đóng

Phía đặc công Bắc Hàn

- 29 đặc công bị giết (trong đó có 1 tự tử)

- 1 đặc công bị bắt tên Kim Shin-jo

- 1 vượt thoát về Bắc Hàn, tên Park Jae-gyong (Sau lên tướng 4 sao của quân đội Bắc Hàn)

6.3. Tại sao đặc công Bắc Hàn thả 4 thanh niên Nam Hàn?

Toán đặc công Bắc Hàn đang thi hành một nhiệm vụ tối quan trọng, tuyệt mật nhưng bị 4 thanh niên Nam Hàn bắt gặp, xem như kế hoạch bại lộ, thế mà họ thả 4 thanh niên sau khi giảng một bài học chính trị. Sai lầm nghiêm trọng đó đưa đến thất bại và bị tiêu diệt.

6.3.1. Chết thảm do bị giáo dục nhồi sọ

Do bị nhồi sọ nên những đặc công Bắc Hàn tin tưởng rằng dân chúng miền Nam đang sống khổ cực, nghèo đói dưới sự kềm kẹp của ngụy quyền tay sai đế quốc Mỹ. Họ là những đồng bào đáng thương, toán đặc công đang làm nhiệm vụ giải phóng họ. Miền Bắc có nghĩa vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước để đưa cả nước lên Chủ Nghĩa Xã Hội ưu việt.

Dưới con mắt của toán đặc công, 4 thanh niên nầy nằm trong thành phần nhân dân bị áp bức nên họ căm thù chính quyền bù nhìn của Park Chung-hee, do đó tin tưởng rằng họ sẽ không đi báo cáo sau khi được thả ra.

Việc thả 4 anh em nhà họ Woo được đặc công xem như thành tích đầu tiên giải phóng đồng bào Nam Hàn của họ.

Bốn thanh niên Nam Hàn nhận ra những lời tuyên truyền ba xạo, láo khoét theo bài bản lừa bịp cũ rích của Cộng Sản, nên họ lập tức đến bót cảnh sát Changhyeon báo cáo mọi việc. Thế là lịnh báo động được ban ra.

Tóm lại, sai lầm nghiêm trọng nầy phát xuất từ việc bị nhồi sọ quá nặng.

6.3.2. Ngủ với xác chết

Kim Shin-jo thuật lại, toán đặc nhiệm của ông còn được huấn luyện đào vào bên trong các ngôi mộ và nằm cạnh xác chết để trốn tránh khi bị lùng sục.

6.3.3. Lý do vượt qua các trạm kiểm soát dễ dàng trước khi bị báo động

Trong 29 đặc công bị hạ có 5 người mang lý lịch người địa phương ở Nam Hàn. Đó là do Bắc Hàn nổi tiếng về việc bắt cóc người Nam Hàn và Nhật mang về xử dụng trong công tác ở trường huấn luyện tình báo.

Sau chiến tranh 1950-1953, Bắc Hàn đã bắt cóc 3,795 người Nam Hàn, trong đó có nhà đạo diễn Nam Hàn Shin Sang-ok và vợ là minh tinh màn bạc Choi Eun-hee. Do LHQ, Hoa Kỳ và Nhật can thiệp, vận động bằng cách viện trợ, cung cấp tài chánh nên có 3,309 người được thả ra và còn 486 người bị cầm giữ ngoài ý muốn của họ.

Những người bị bắt cóc thường là học sinh, ngư dân…được đưa vào các trường đào tạo gián điệp để dạy tiếng lóng, tập quán và âm giọng đặc biệt của địa phương. Nhưng chủ yếu là lấy lý lịch từng người trao cho gián điệp, sau khi giết chết họ. Đó là lý do có 5 đặc công Bắc Hàn mang tên họ của người Nam Hàn, và nhờ đó họ vượt qua các trạm kiểm soát một các dễ dàng trước khi có báo động.

6.3.4. “Tôi đến để cắt cổ Park Chung-hee”

Hình ảnh Kim Shin-jo bị trói, mặt lạnh lùng được đưa đi diễn hành trước quần chúng và ống kính của máy hình, máy quay phim truyền hình, khi được hỏi nhiệm vụ là gì? Câu trả lời nổi tiếng được báo chí đăng tải ở trang đầu, làm ám ảnh cho chính quyền Park Chung-hee:

“Tôi đến để cắt cổ Park Chung-hee”

6.3. 5. Ngạc nhiên vì được thả

Kim Shin-jo nghĩ rằng số phận của mình rồi thế nào cũng đi theo 29 đồng chí của anh, nhưng anh rất ngạc nhiên khi được thả ra.

Sau khi bị bắt giữ, Kim Shin-jo bị thẩm vấn suốt một năm, sau đó chính ông cũng ngạc nhiên vì được thả với lý do chưa bao giờ xả súng, đó là do ban điều tra kiểm soát cấp số đạn anh mang theo thì thấy vẫn còn nguyên.

Sau đó, Kim Shin-jo nhận ra sự thật của chế độ miền Nam, anh tuyên bố ly khai chế độ Cộng Sản Bắc Hàn và được nhận là công dân Nam Hàn. Anh kết hôn với một phụ nữ ở Seoul và sau đó trở thành một mục sư. Cha mẹ anh ở Bắc Hàn bị đem ra xử bắn vì con phản bội tổ quốc.

Ngày 25-2-2013 anh chứng kiến lễ tuyên thệ nhậm chức nữ tổng thống đầu tiên của Nam Hàn là Park Guen-hye, con gái của Park Chung-hee, người mà anh đã từng cố ý ám sát.

6.3.6. Ngọn núi Bukaksan lịch sử

Suốt bao nhiêu năm liền, ngọn núi nhỏ Bukaksan ở phía sau Nhà Xanh, nơi mà cuộc đấu súng xảy ra dữ dội giữa đặc nhiệm Bắc Hàn và đơn vị bảo vệ Phủ tổng thống, là địa điểm không cho dân chúng viếng thăm, có lẻ không muốn gợi lại cái ý tưởng “cắt cổ tổng thống”. Đến năm 2007, nó được mở cửa và người đi bộ vào thăm phải qua một trạm kiểm soát an ninh chặt chẽ, đeo phù hiệu khách viếng và không được chụp hình.

Gần đỉnh núi là một tượng đài ghi lại cuộc đấu súng năm 1968. Một cây thông còn lỗ chỗ những vết đạn, được sơn màu đỏ, trắng thành một vòng tròn bao bọc vết đạn.

7* Kế hoạch trả đủa của tổng thống Park Chung-hee

Tờ New York Times đưa tin, sau sự kiện tấn công Nhà Xanh ngày 21-1-1968 của đặc công Cộng Sản Bắc Hàn, tổng thống Nam Hàn Park Chung-hee eho thành lập một đơn vị đặc nhiệm mang tên Đơn Vị 684, cũng có 31 thành viên, mục đích xâm nhập miền Bắc để xử tử lãnh tụ Kim Nhật Thành (Kim Il-sung).

Đó là một kế hoạch trả đủa.

7.1. Thành lập Đơn Vị 684

Cơ quan Tình báo Trung ương Nam Hàn tuyển chọn những thường dân xuất sắc mang tội hình sự hoặc những thanh niên thất nghiệp để thành lập toán biệt kích. Họ là những thành phần võ nghệ cao cường, gan lì coi cái chết nhẹ như lông hồng…31 người nầy thuộc Đơn Vị 684.

Con số 684 chỉ ngày thành lập đơn vị là ngày 1-4-1968. Họ được đưa đến huấn luyện ở một hòn đảo hoang vắng không người ở, tên Silmido, ngoài khơi cảng Incheon trong Hoàng Hải.

7.2. Chương trình huấn luyện khắc nghiệt

Chương trình huấn luyện Đơn Vị 684 rất khắc nghiệt, vể việc xử dụng các loại vũ khí, mìn bẫy, xâm nhập, tấn công ám sát, mưu sinh thoát hiểm. Tập trận bắn bằng đạn thật, rèn luyện khả năng chịu đựng bằng những màn tra khảo thật sự, luôn bị hành hạ thể chất và tinh thần…Đã có 7 người chết qua huấn luyện. Một người bị bắn chết vì bị té xuống đất khi tập đi vượt qua thang dây trên cao.

Bị hành hạ không nương tay như đối với kẻ thù, hai người bỏ trốn. Trên đường vượt thoát họ hiếp dâm một nữ bác sĩ, bị phát hiện vào bao vây. Hai người quyết định tự tử và đồng ý người nầy giết người kia cùng một lúc, nhưng chưa kịp thực hiện thì bị bắt. Hai người bị đưa ra hành hình trước đơn vị để làm gương, một trong hai người vùng dậy dùng gậy đánh chết binh sĩ thi hành án tử hình trước khi cả hai bị bắn chết.

Cuối cùng đơn vị còn 24 người sống trong hoang mang, khủng hoảng.

Một ngày, đơn vị chuẩn bị lên đường thi hành nhiệm vụ thì có lịnh đình hoãn vì bang giao giữa hai miền Nam Bắc có cải thiện. 24 người bị kẹt trên đảo Silmido.

7.3. Nổi loạn

Để giữ bí mật âm mưu ám sát Kim Nhật Thành, cơ quan tình báo Nam Hàn quyết định giết tất cả Đơn Vị 684. Viên sĩ quan chỉ huy đơn vị phản đối, nhưng cấp trên ra lịnh, nếu ông không thi hành lịnh thì ông cũng bị giết luôn. Viên sĩ quan cố tình tiết lộ tin tức cho người trưởng nhóm, là tất cả 24 người của họ sẽ bị giết trong cùng một đêm sau đó.

Đêm 23-8-1971, kế hoạch nổi loạn được thực hiện, họ xử dụng kỹ năng đã được huấn luyện giết chết những cán bộ huấn luyện và 6 lính canh một cách dễ dàng.

Họ nhận ra rằng Đơn Vị 684 không chính thức tồn tại, không được bảo vệ về mặt pháp lý và cũng sẽ không được công nhận sau khi họ đã thành công trong nhiệm vụ, nói chung họ bị xem như đã chết.

Họ cướp tàu thoát ra khỏi đảo.

7.4. Trận chiến hãi hùng

Về tới đất liền. Họ chận bắt một xe bus đầy hành khách, buộc tài xế hướng về thủ đô, hành khách bị dùng làm con tin, làm lá chắn chống lại cảnh sát. Trên đường đi họ nghe tin từ đài phát thanh cho biết, có một toán đặc công Cộng Sản Bắc Hàn cướp xe bus tiến về Seoul.

Quân đội dựng rào cản xe bus. Một trận đấu súng kinh hồn diễn ra. Những tay thiện chiến của Đơn Vị 684 gây tổn thất nặng cho quân đội. Toán biệt kích cũng bị chết và bị thương do những tổ bắn tỉa phục kích trên những tòa nhà. Những người sống sót thả con tin và họ tự tử bằng lựu đạn của họ. Bốn người bị thương nhẹ bị bắt đưa ra toà án quân sự, bị kết án tử hình và ra pháp trường ngày 10-3-1972.

7.5. Chính quyền che giấu sự thật

Một cuộc điều tra về biến cố nầy được thực hiện, nhưng kết quả không được công bố. Đến năm 2003, một cuốn phim tên Silmido đưa sự việc Đơn Vị 684 ra công chúng, nhưng đến năm 2006, chính phủ chỉ công bố nội dung cuộc nổi dậy của đơn vị nầy mà thôi.

7.6. Gia đình nạn nhân kiện chính phủ

Năm 2009, gia đình các thành viên Đơn Vị 684 đưa đơn kiện chính phủ đòi bồi thường 670 triệu đồng won.

Ngày 15-9-2010, một toà án ở Seoul ra phán quyết buộc chính phủ phải bồi thường các gia đình số tiền 237 triệu won vì những lý do sau đây:

- Các thành viên 684 không được thông báo về mức độ nguy hiểm của chương trình huấn luyện.

- Sự khắc nghiệt trong chương trình huấn luyện đã vi phạm nhân quyền về những quyền căn bản của con người.

- Toà thừa nhận những nổi đau của gia đình khi chính phủ không chính thức thông báo về cái chết của những thành viên Đơn Vị 684.

Sự thật được đưa ra công chúng do lương tâm của viên sĩ quan chỉ huy đơn vị, nếu ông nầy triệt để thi hành lịnh của cơ quan tình báo thì có lẻ công chúng không biết gì về vụ việc đó cả.

8* Kết luận

Chế độ độc tài tàn bạo nầy của Cộng Sản Bắc Hàn đã thành công trong việc đào tạo những lớp người hèn hạ, mang thân phận nô lệ chỉ biết khom lưng cúi đầu dạ dạ vâng vâng thề triệt để trung thành với lãnh tụ, quyết tâm cầm gươm ôm súng xông tới, hy sinh vì lãnh tụ. Hình ảnh những đại tướng già nua, khom lưng cúi đầu quỳ mọp dưới chân ông trời con Kim Jong-un là một chứng minh. Một nữ sinh viên liều thân nhảy vào lửa đỏ của một căn nhà đang cháy, chỉ cốt mang ra cái khung hình của ông trời con để không bị bà hỏa xử tiêu.

Có người khen Kim Jong-un là một chính trị gia lỗi lạc, chỉ trong hai năm mà đã triệt hạ hết các đối thủ để nắm trọn quyền lực độc tôn lãnh đạo. Nhận xét nầy không đúng lắm. Nó chỉ có thể đúng khi tranh giành quyền lực dựa trên luật pháp công minh mà thôi. Ở đây, trái lại khi mới đẻ ra, ông trời con đã được đứng trên đầu vạn dân. Chỉ cần mang họ Kim thì có nhiều người quỳ lụy rồi.

Trúc Giang

Minnesota ngày 20-12-2013

************************************************************************



Dân Tầu đang sống trong môi trường kinh khủng cuả thiên đường cộng sản



Nguyễn Hoàng Hà

Báo chí trên các Blog mấy tuần nay ở China đã truyền tay nhau đăng tải tình trạng báo động đỏ đó là khách du lịch vào China giảm 30 % so với giữa năm 2012. Nguyên nhân chính là do 3 yếu tố không thể hóa giải nổi đó là:

1, Nguồn nước tại China cho người ăn và uống nhiễm độc ghê gớm: đặc biệt là nhiễm chì, a-xít, thủy ngân và hóa chất độc hại suốt hơn mấy chục năm qua của sự phát triển nóng thị trường làm ăn kinh tế do các nhà máy, các xí nghiệp thải ra đã ngấm nặng trong lòng đất và trên các sông hồ, các nguồn nước trên phạm vi cả nước. Người ta tính rằng nay chỉ còn có Tây tạng đã đỡ chút ít mà thôi, nhưng với tình trạng này cứ kéo dài thì cũng không thể là nơi con người có thể sống được.

Sau khi báo chí đăng tải về lợn chết đổ vứt ra sông, rồi vịt và sau cùng là hình ảnh hàng loạt cá chết đặc trên các hồ thì những lời cảnh cáo này trên các Blog càng lan nhanh hơn bao giờ hết. Chính quyền China đang lúng túng không biết sẽ làm gì để trấn an dân, hầu như là bất lực.

2, Lý do thứ hai là ô nhiễm khí thở của con người từ hai phía:

Ðó là từ khí thải ở các nhà máy, các công trường xí nghiệp thải ra. Người ta đo lượng Các-bon-nic và các chất độc trong không khí đã đến mức báo động đỏ, nồng độ đông đặc khiến cho những người khỏe biến thành người bệnh, nhiều người bị bệnh như hen xuyễn hay phổi nhất là trẻ em và người có tuổi bị tử vong nhiều trong mấy năm qua và nhất là những năm gần đây. Nhưng thảm họa đến nữa là do các trận bão cát do sự sa mạc hóa đang tràn đến các thành phố.

3, Tình trạng này cùng với vấn đề chính trị, xã hội thiếu minh bạch, công bằng đã khiến đa số người dân China sống cảm thấy bất an, càng ngày càng nhiều người giầu có mức tiền triệu đô-la trở lên đã đăng ký ồ ạt bỏ nước ra đi định cư tại các nước như Mỹ, Canada, Anh, Úc và nay khi có dấu hiệu các quốc gia này thấy không thể nhận thêm người vào nữa thì họ và nhiều người lưng vốn ít hơn đã đổ vào các nước Nam Mỹ, Campuchia, Lào và có xu hướng cả Việt nam nhưng trên danh nghĩa các nhà đầu tư làm ăn. Họ mang theo cả gia đình, anh em họ hàng thậm chí cả dòng họ.
Như báo chí China đã phải nói đây thực sự là cuộc chạy tỵ nạn khỏi China chứ không phải là đi định cư như vẫn xẩy ra lâu nay. Người ta thấy phổ biến cảnh ngày ngày tại các đại sứ quán các nước tại China, số người xếp hàng ghi tên làm thủ tục ngày càng đông, có người đã thuê phòng trọ gần đó để chờ cho bằng được đến lượt mình. China không chỉ lo số ngoại tệ sẽ biến khỏi đất nước này mà lo đây sẽ là hiệu ứng tai hại là sẽ đến ngày khách nước ngoài không giám vào China . Như báo chí đăng tải khuyên người đi du lịch rằng bạn không thể đến du lịch China nếu cứ đeo mặt nạ cả ngày và đeo bên mình hàng can nước lọc mang theo đi khắp nơi trên đất nước này.

4, Không còn ai ở China dám ăn các loại hoa quả và sữa, thịt từ chính China làm ra vì các thứ đó độc hại và nguy hiểm cho con người.
Như báo chí châu Âu và Mỹ , Úc v.v&mấy tuần qua liên tục đăng bài cảnh báo việc người China ra sức gom sữa trên khắp các cửa hàng ở châu Âu và các quốc gia phương Tây để đưa về China và nay cả quả tươi vì những người có chút tiền ở China không giám ăn quả tươi, thị lợn, gà, vịt và uống sữa, sản phảm làm ra tại chính quốc gia mình. Người ta cho rằng những sản phẩm sữa China vẫn chưa khôi phục được niềm tin người tiêu dùng sau vụ tai tiếng năm 2008 nay chẳng những chưa ngưng mà có khả năng kém phẩm chất và độc hại cao hơn vì không tin vào sự minh bạch của các thông tin nhà nước đưa ra.
“Các siêu thị hay những nơi bán lẽ mặt hàng sữa trẻ em đang hạn chế bán,” ông Richard Dodd cho biết. Họ phải làm điều này vì xuất hiện một số khách hàng mua với số lượng lớn bất thường. Xu hướng không bình thường này được cho là kết quả của việc xuất khẩu sữa không chính thức sang China .”
Những tuần qua, các siêu thị tại Anh quốc đã phải dán thông cáo yêu cầu khách hàng không mua nhiều hơn hai hộp sữa một lúc để đảm bảo nguồn cung cấp cho những người khác.Nhiều người tiêu dùng tại Anh cho biết họ để ý thấy có tình trạng khan hiếm sữa tại các siêu thị và phải đi nhiều nơi mới mua được nhãn hiệu mình thường dùng.
“Vào Chủ Nhật, chúng tôi đã không thể tìm được sản phẩm nào từ Asda hay Tesco, chúng tôi đã phải tới Sainsbury’s,” bà Lyn Patterson nói với Reuters.
Hãng thực phẩm của Pháp Danone, công ty sản xuất sản phẩm sữa Aptamil nói hiện đang phải tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu tăng bất thường này.
“Chúng tôi hiểu nhu cầu tăng cao bắt nguồn từ những đợt xuất khẩu không chính thức sang China nhằm đáp ứng nhu cầu của các phụ huynh muốn tìm kiếm nhãn hiệu sữa phương Tây cho con cái mình,” công ty này nói trong một thông cáo.
Giá quả tươi ở các chợ và siêu thị ở châu Âu tằng cao gấp rưỡi và nhiều hoa quả đặc sản cũng không thấy có để bán nữa. Nhiều người đã kêu gọi chính phủ phải có biện pháp ngăn chận ngay nếu không sẽ là vấn nạn. Ðến nay cả quả tươi bị người China gom mua đóng hòm mang về nước để phục vụ với hơn tỷ người thì khối lượng nhập về sẽ càng ngày càng cao hơn
Tại Việt nam các lái buôn cá, thịt, gạo tạp phế lù người China đã có mặt trên các thị trường Việt nam để gom hàng mang về bên kia biên giới hay qua các ngả đường biển và hàng không. Ðổi lại họ chuyển sang Việt nam các hàng mà người China lo sợ độc hại không giám dùng nhưng cho thêm các thuốc hãm độc hại để giữ lâu không héo. Như thế, độc hại lại càng kinh khủng hơn. Như báo chí đăng tải là lòng lợn, chân gà, đuôi bò v.v& những thứ khoái khẩu của người Việt ăn hầu như đuợc mang vào VN không những vốn đã độc hại lại đang trong tình trạng bị hối thối và đang bị phân hủy. Phương thức vận chuyển bằng đường bộ, đường thủy và nay cả bằng cả đường hàng không nữa, thật là nguy hiểm hết chỗ nói. Nên tỷ lệ người dân bị bệnh ung thư đang tăng cao ở quốc gia này.
Vơ vét hàng mang về là “Siêu lợi nhuận”
Một sản phẩm sữa chỉ với giá 10 bảng Anh được bán với giá cao gấp ba lần ở thị trường China , Reuters cho biết.

Người TQ gom hàng đặc biệt là sữa
Chính quyền Hong Kong đã phải hạn chế số sữa người dân China được mang về lục địa sau khi tình trạng mua gom đẩy giá và gây khan hiếm sữa tại đây. Một doanh nhân người China nói với Sky News rằng ông mua sữa từ các siêu thị và sau đó bán qua một trang mua sắm trên mạng Taobao của China .
“Tôi mua với giá 7 đến 9,5 bảng mỗi hộp sữa, và bán với giá từ 16,5-19,5 bảng,” ông này nói.
Ông này cũng cho biết người China gom sữa dưới nhiều hình thức khác nhau:
“Thứ nhất là các sinh viên hay khách du lịch được gia đình hoặc bạn bè nhờ mua một vài hộp sữa. Thứ hai là những công ty nhỏ và vừa như chúng tôi. Và thứ ba là những nhà buôn lớn thường ở London hay Portsmouth . Họ mua trực tiếp từ các nhà phân phối hàng cho siêu thị, với những đơn hàng từ 20.000 bảng.”
Trả lời BBC Tiếng Việt, ông Junqi Yang, người dân tỉnh Quảng Ðông, China cũng cho biết các dịch vụ giao hàng, cho thuê kho tại đây đang rất phát triển nhờ sữa nhập từ nước ngoài.
China là nước có ngành công nghiệp sản xuất sữa khá phát triển. Tính đến nay, ngành công nghiệp này có giá trị khoảng 30 tỷ đôla, với mức tăng trưởng thường niên trên 20% kể từ năm 2000. Theo ông: “Nhiều người China ở đây thà trả giá cao còn hơn chấp nhận đánh cược với sức khỏe và tình mạng của con cái mình khi dùng sữa nhãn hiệu China .”
China gần đây đã ra sức trấn an người dân rằng các sản phẩm sữa tại China là an toàn và được kiểm nghiệm chặt chẽ. Tuy nhiên, hệ thống luật pháp thiếu hiệu quả tại đây đang vẫn là một vấn đề lớn. Vấn đề là ở chỗ người dân China đang thấy bất an và tình trạng nay đã trở nên hoảng loạn khó thể trấn an được nữa. Người ta thấy ngay các quan chức thì gia đình nào cũng đưa con cái ra sống ở nước ngoài và bản thân họ cũng chỉ cần vơ thêm khẩn trương chút nữa là cũng biến mất lúc nào nhà nước cũng không thể biết.
Tương lai của đất nước này đang đến mức bất ổn và chắc chắn sẽ rất ảm đạm từng ngày và phải được đọc tăng lên khi nhìn vào con số tăng trưởng kinh tế. Như chính người China nói: “Không thể kiểm soát được nữa, đầu hàng thôi! Nếu tôi có khả năng đi được ra nước ngoài thì tôi cũng đi. Cái cột điện còn muốn dời đi nữa là con người? ”

Nguyễn Hoàng Hà
 

Hình ảnh chấn động về những dòng sông “chết” ở China


Du lịch China phát triển nhất nhì châu Á. Nhưng, khi những hình ảnh dưới đây được công bố, thế giới đã sốc trước mức độ ô nhiễm trên những dòng sông “chết” ở China.
Vô số những sông, hồ ở China đã bị ô nhiễm nặng bởi chúng nằm cạnh các nhà máy, khu công nghiệp. Ðôi khi, sông hồ trở thành nơi chứa rác bất đắc dĩ của người dân.
Ô nhiễm nguồn nước đã dẫn tới sự gia tăng của những “làng ung thư” hay những khu vực mà tỉ lệ ung thư cao đột biến. Tuần trước, tờ nhật báo China Daily cho biết chính phủ China đã thông qua kế hoạch chi 16 tỉ đô la trong 3 năm tới để xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm tại Bắc Kinh. Nếu không, du lịch cũng như chất lượng cuộc sống ở đây sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hơn 2.200 con lợn chết trôi nổi trên một con sông lớn ở thành phố Thượng Hải hồi đầu tháng 3 này.

Một cậu bé bơi trong dòng nước ngập đầy tảo ở Thanh Ðảo, tỉnh Sơn Ðông.
  
Hai nhà máy hóa chất dẫn thẳng nước thải ra hệ thống cống khiến con sông Kiện Hằng ở Lạc Dương, tỉnh Hà Nam chuyển thành màu đỏ năm 2011.
  
Hồ Sào ở Hợp Phì, tỉnh An Huy.



Một đứa trẻ bơi trong hồ nước ô nhiễm ở phía tây nam tỉnh Quý Châu.

 Một con cá chết nổi trong vùng nước dày đặc tảo ở hồ Ðông, Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.

Một nhà máy sản xuất đinh ốc và ốc vít nằm bên cạnh con sông ô nhiễm ở Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang.
  
x
Nước thải của một nhà máy đất hiếm.
  
Ngư dân dọn dầu loang ven một khu cảng lớn ở miền Bắc China sau khi một đường ống dẫn rò rỉ hơn 1.600 tấn dầu thô ra biển hồi năm 2010.

Một người đàn ông ngồi câu cá trên ống cống đổ ra con kênh ô nhiễm ở Bắc Kinh.

Một ngư dân hớt lên một vốc nước đầy tảo ở hồ Sào, Hợp Phì, tỉnh An Huy.

Cá chết trôi nổi trên con sông ở Hợp Phì, tỉnh An Huy.

Người dân lội qua một con kênh ô nhiễm, lòng kênh đặc bùn ở Bắc Kinh.
 
Một cây cầu bắc qua con sông ô nhiễm ở ngoại ô Ôn Châu tỉnh Chiết Giang.

Một ống cống rò rỉ làm ô nhiễm một con sông và một hồ chứa nước năm 2010.




 ****************************

Số phận con người trên khắp thế giới


Nếu bạn đang sống trong no đủ và hạnh phúc thì đừng quên rằng ở khắp nơi trên thế giới vẫn còn những số phận bất hạnh rất cần sự quan tâm và sẻ chia của mọi người...



  
Giá trị dinh dưỡng bằng 0. Tất cả những gì em bé này cần là bữa ăn đủ no.
  




2,7 triệu trẻ em ở Ai Cập không hề có tuổi thơ.


  
"Càng ở lâu trên đường, người ta càng khó rời xa nó", hãy hành động vì người vô gia cư ngay từ lúc này.

Cờ bạc sẽ khiến bạn hủy hoại các mối quan hệ xã hội.
  
Bữa ăn bỏ đi của bạn những cũng chính là đại tiệc với những em bé nghèo.
   
Người lao động không phải là công cụ, họ cần được đối xử và đãi ngộ tử tế.
  
  
Không có quà giáng sinh cho những em bé lang thang ở Phillipines.

 Hàng ngàn cá nhân trên thế giới đang nợ mạng sống của họ với những người hiến tặng bộ phận cơ thể.



  Bất cứ ai cũng có thể mang lại sự sống - quảng cáo khuyến khích những người đầy nhân ái khi sẵn sàng hiến các bộ phận cơ thể cho người khác.
  

Trẻ tự kỷ sẽ ngày càng trở nên xa cách nếu bạn không đưa tay giúp đỡ.
  


Chứng tâm thần phân liệt hoàn toàn có thể chữa trị được, miễn là bạn dành đủ sự quan tâm.
  ****************************************************************

MÁY ÉP XÁC NGƯỜI RA NƯỚC

                                                  
Một nhà tang lễ ở Florida, Mỹ vừa giới thiệu một cách kỳ lạ để thay thế hỏa táng hoặc chôn cất người chết. Đó là dùng một chiếc máy để hóa lỏng xác chết thành một thứ xi rô màu nâu.



                                                          Người sáng lập Resomation là Sandy Sullivan

Chiếc máy bằng thép không gỉ có thể phân hủy một xác chết trong vòng chưa đầy 3h và một thứ chất lỏng đậm đặc màu nâu sau đó sẽ được đổ vào hệ thống nước của thành phố. Sau quá trình này, xương cốt còn lại có thể đem chôn hoặc trả lại cho gia đình chứ không biến thành tro như hỏa táng.

Theo một bài báo của BBC, phương thức trên còn gọi là Resomation (xuất phát từ chữ "resoma" trong tiếng Hy Lạp nghĩa là "tái sinh thể xác"), là một phương pháp thân thiện, thay thế cho chôn cất hoặc hỏa táng.

Nhà tang lễ Anderson-McQueen tại St Petersburg (một thành phố ở Florida, Mỹ) đã lắp đặt chiếc máy trên chỉ vài ngày sau khi Florida trở thành bang thứ 7 ở Mỹ hợp pháp hóa việc sử dụng chiếc máy. Nhà tang lễ trên dự định sẽ thử nghiệm với một số xác chết trong vài tuần tới.


                                                        

Máy thủy phân xác người trên do một công ty đóng tại Glasgow là Resomation lắp đặt. Nó hoạt động bằng việc nhấn chìm xác vào dung dịch nước và potassium hydroxide, vốn được điều áp và rồi đốt nóng tới 180 độ C trong vòng 2,5 đến 3h. Kết thúc quá trình là một lượng nhỏ chất lỏng màu nâu pha xanh có chứa amino acid, pép tít, đường, muối và bộ xương màu trắng, xốp, mềm còn sót lại, xương rất dễ cán vụn. Tro trắng sau đó có thể đưa lại cho thân nhân người quá cố.

Thứ chất lỏng thu được sau đó có thể tái chế trong môi trường bằng cách đưa vào khu vực tưởng niệm hoặc đơn giản là đổ ra hệ thống cống rãnh.


                                                       
                                                                              Bên trong máy

Người sáng lập Resomation là Sandy Sullivan nói: "Hãy đối mặt với việc đó, không có sự ra đi nào là nhẹ nhàng. Bạn sẽ phải đi từ thứ giống như hình hài con người đến tro và xương, bất kể bằng lửa hay phân hủy. Nếu bạn đứng trước lò hỏa thiêu, với lửa và sức nóng, điều đó có vẻ rất bạo lực. Tuy nhiên, bạn đứng sang cửa bên kia và chiếc máy hoạt động rất lặng lẽ. Chiếc máy làm bằng thép không gỉ và vô trùng. Có vẻ như đó là cách nhẹ nhàng và nhanh chóng biến một thi thể thành nhúm tro. Chúng tôi tiến hành công việc theo đúng đặc tính hóa học mà vi khuẩn tiến hành, song thay vì vài tháng vài năm thì chiếc máy hoàn thành công việc chỉ trong 3h".


                                                        
                                            Sau khi máy hoạt động, da thịt thành nước, chỉ còn lại bộ xương

Một giám đốc tang lễ ở Columbus, bang Ohio cho biết, hoạt động ép xác người ra nước tại chỗ ông đã phải đóng cửa vài tháng trước đây sau 19 lần vận hành máy vì nhà chức trách bang không cho phép.

Công ty Resomation tuyên bố, việc xử lý xác người kiểu trên có thể giảm lượng khí gây hiệu ứng nhà kính của nhà tang lễ tới 35%. Một nhà khoa học cho biết, việc thải chất lỏng từ xác người ra hệ thống cống rãnh của thành phố là an toàn tuyệt đối. Anh hiện đang cân nhắc đưa công nghệ trên áp dụng tại nước này




**************************

Dì của Kim Jong Un lưu vong tại Mỹ



REUTERS/Kyodo
Anh Vũ        
Hôm nay 05/11/2013, một tờ báo Hàn Quốc tiết lộ chuyện thâm cung bí sử nhà họ Kim. Bà dì của nhà lãnh đạo trẻ Bắc Triều Tiên đã bỏ trốn sang sống tại Mỹ từ những năm 1990, vào thời điểm đó, bà đang ở Thụy Sĩ để chăm sóc việc ăn học của đứa cháu Kim Jong Un.
Nhật báo tiếng Anh JoongAng Daily dẫn nguồn tin của một cựu quan chức tình báo và một nhà ngoại giao Hàn Quốc tại Berne vào thời điểm trên cho biết, Hoa Kỳ đã chấp nhận quy chế tỵ nạn chính trị cho bà Ko Yong-Suk, người bị cho là mất tích từ năm 1998.
Theo tờ báo, bà Ko Yong-Suk, năm nay 56 tuổi và chồng đã làm phẫu thuật thẩm mỹ để che giấu tung tích. Hai vợ chồng được đặt dưới sự bảo vệ đặc biệt của các cơ quan Mỹ.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên hiện nay Kim Jong Un đã có thời gian từ 1996 đến 2001 theo học tại một trường phổ thông ở Thụy Sĩ. Bà dì Ko Yong-Suk khi đó được cử đi cùng để chăm sóc cháu.
Nhật báo Hàn Quốc cho biết thêm chi tiết là vợ chồng bà Ko Yong Suk đã vào sứ quán Mỹ tại Berne xin tỵ nạn chính trị và được chấp nhận. Sau đó, hai người được đưa đến một căn cứ quân sự Mỹ tại Frankfurt, Đức, trước khi được đưa tới Mỹ. Việc làm này không được thông báo cho phía Hàn Quốc.
Bà Ko Yong-Suk là em gái út của bà Ko Yong- Hui, mẹ của lãnh đạo Kim Jong Un và bà đã qua đời năm 2004 vì ung thư vú.
Gia đình họ Kim còn một người đang sống ở nước ngoài, đó là Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ với Kim Jong Un. Hiện ông Kim Jong Nam cùng gia đình lúc thì ở Macau, lúc thì ở Trung Quốc hoặc Singapore.

Hỏa tiễn tầm xa Bắc Triều Tiên có thể tấn công Mỹ


Bình Nhưỡng phô trương tên lửa ICBM KN-8 nhân cuộc diễn binh tháng 12/2012 -


Trọng Thành       
Dựa trên các quan sát từ vệ tinh, một trung tâm nghiên cứu Mỹ đưa ra nhận định Bắc Triều Tiên đang trên đường phát triển các tên lửa chiến lược mang đầu đạn hạt nhân, có thể tấn công nước Mỹ. Đây là thông tin của Viện nghiên cứu Mỹ-Hàn Đại học Johns Hopkins, hôm nay, 05/11/2013, được AFP dẫn lại.
Tên lửa ICBM KN-8 do Bắc Triều Tiên sản xuất, có tầm bắn lý thuyết, từ 5.500 đến 11.000 km, được Bình Nhưỡng phô trương vào tháng 12/2012 và vào tháng 7 mới đây. Theo nhận định của trung tâm nghiên cứu Mỹ, các hỏa tiễn kể trên được trưng ra trong các cuộc duyệt binh mới đây và được nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá như là các món đồ giả, trên thực tế có thể là một mối đe dọa với Hoa Kỳ.
Phân tích của hai chuyên gia trong lĩnh vực hạt nhân, Jeffrey Lewis và John Schilling, được đăng tải trên trang web 38 North của Viện nghiên cứu đại học Johns Hopkins, cho thấy : “Gần như tất cả các vũ khí này có thể mang một đầu đạn hạt nhân loại nhẹ thuộc thế hệ thứ nhất, ít nhất có khả năng bay đến được Seattle (thành phố lớn nhất của tiểu bang Washington, tây bắc nước Mỹ)”.
Tuy nhiên, trong một bài viết khác đăng trên tạp chí Science and Global Security, John Schilling nhấn mạnh rằng tên lửa KN-8 vẫn đang còn ở trong giai đoạn phát triển. Theo chuyên gia này, “việc thiếu các vụ bắn thử sẽ khiến cho việc thực nghiệm (tên lửa này) sẽ còn phải mất thêm nhiều tháng hoặc nhiều năm nữa”.
Vào cuối tháng 10, cũng chính viện nghiên cứu này khẳng định có những hoạt động quan trọng tại Sohae nhằm chuẩn bị cho việc phóng thử các tên lửa có tải trọng lớn hơn. Sohae là nơi Bắc Triều Tiên đã phóng thử tên lửa vào tháng 12/2012, bị Phương Tây coi như là một vụ thử hỏa tiễn quân sự trá hình. Nhà nghiên cứu John Schilling cảnh báo rằng, từ Sohae, Bình Nhưỡng có thể tiến hành một vụ thử tên lửa mới “vào bất cứ lúc nào”.
Vụ thử tên lửa tháng 12/2013 cho thấy Bình Nhưỡng có thể đưa một tên lửa hay hỏa tiễn quân sự lên không gian, nhưng không chứng minh rằng quốc gia này sở hữu được công nghệ chế tạo đầu đạn nguyên tử.
Cho đến nay, Bắc Triều Tiên đã tiến hành ba vụ thử hạt nhân. Lần cuối cùng là vào tháng 2/2013, nhân dịp này, Bình Nhưỡng khẳng định đã sử dụng “một đầu đạn thu nhỏ và nhẹ” có khả năng được gắn vào đầu đạn hỏa tiễn tầm xa.

Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia đều nhất trí về việc Bắc Triều Tiên chưa có đủ khả năng làm chủ hoàn toàn công nghệ hỏa tiễn liên lục địa, cũng như chế tạo thành công được đầu đạn nguyên tử thu nhỏ và đưa được vũ khí này tới mục tiêu.

*******************************

QUỐC GIA PHÁP TRỊ
                                                                                                                                                                                                           NGUYỄN HỌC TẬP
1 - Quốc Gia Pháp Trị, những ý niệm căn bản.
Các Quốc Gia Dân Chủ Tây Phương được gọi là các Quốc Gia Pháp Trị ( État de droit ).
Tư tưởng về Quốc Gia Pháp Trị, chúng ta có cả một  danh sách các sách tham khảo gần như một thư viện, từ quan niệm khởi thủy, trải qua các khám phá mới cho thời đại chúng ta ( Stein L:, von, Die Verwaltungslehre, Stuttgart, 1869, 309...Chevalilier J., L'État de droit, RDPSP 1988, 313s).
Nói một cách ngắn gọn Quốc Gia Pháp Trị là hình thức điều hành Quốc Gia, được tiền liệu bởi một loạt các lằn mức định chế luật pháp giới hạn, cứng rắn đối với quyền lực Quốc Gia.
Các lằn mức định chế pháp luật vừa kể được thiết lập để giới hạn các cách hành xử quyền lực Quốc Gia, nhằm bảo vệ người dân bị trị, giới hạn
   - đối với các cơ quan có thẩm quyền thiết định chính hướng Quốc Gia ( Lập Pháp),
   - cũng như đối với  các cơ quan quản trị, thi hành ( Hành Pháp hay Chính Quyền),
   - và cả đối với cơ quan có quyền phán quyết chuẩn định việc áp dụng thi hành luật pháp ( Tư Pháp).
Việc tiền định các lằn mức định chế luật pháp như vừa kể có khuynh hướng " vô danh tánh hoá" ( spersonnalisation) đối với những ai hành xử quyền lực Quốc Gia: người hành xử quyền lực Quốc Gia, khi đảm nhận lấy quyền hành trong tay, đều biết rằng đã có những lề luật, lằn mức được thiết định sẵn, mà trong lúc thi hành họ phải tuân theo.
Họ không thể tu chính, thay đổi, cắt xén,  nếu không phải gặp phải những điều kiện khắc khe, như
   - dành quyền hạn chế cho luật pháp ( riserva di legge): chỉ có luật pháp được Quốc Hội " chuẩn y ", mới có hiệu lực luật định,
   - dành quyền hạn chế tăng cường đối với luật pháp ( riserva rinforzata di legge): Quốc Hội có những lằn mức không thể vượt qua phải tuân giữ,  trong tiến trình " duyệt xét và chuẩn y " các đạo luật, nếu không muốn các đạo luật được mình chuẩn y, chấp nhận bị coi là vi hiến và trở thành vô hiệu lực,
   - dành quyền tuyệt đối cho quyền tư pháp ( riserva assoluta al potere giudizario): trong các trường hợp liên quan đến tự do cá nhân, chỉ có khi nào cơ quan tư pháp ra án trác có lý chứng Chính Quyền mới có quyền can thiệp kiểm soát, lục xét, trưng thu, bắt giữ và khi  can thiệp cũng phải hành xử  trong lằn mức, theo thể thức và điều kiện được luật pháp ấn định ( cfr. BẢO VỆ NGƯỜI DÂN TRƯỚC CƠ QUAN CÔNG QUYỀN)
   - và rồi cả Quốc Hội cũng có quyền thành lập Ủy Ban Điều Tra về chính hướng, phương thức hành xử và hiệu năng của Chính Quyền ( Điều 82, đoạn 1 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc),
   - đó là chưa kể đến bổn phận thường nhiệm của cơ quan tư pháp là điều tra và phán quyết các hoạt động của Chính Quyền dựa trên luật pháp đã được Quốc Hội chuẩn y.
   muốn tu chính Hiến Pháp pháp, cần có cả những cơ chế khác can thiệp, như trường hợp tu chính Hiến Pháp chẳng hạn:
   " Một đạo luật như vừa kể( về tu chính Hiến Pháp ) , phải được sự đồng thuận của 2/3 thành viên  Hạ Viện và của 2/3 thành viên Thượng  Viện" ( Điều 79, đoạn 2 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).
Một điều điện hiến định như vừa kể không phải dễ gì hội đủ để có thể thực hiện.
Đó là chưa kể có những trường hợp không thể tu chính, sửa đổi dầu dưới bất cứ điều kiện nào, bởi lẽ các Hiến Pháp Tây Âu là những Hiến Pháp cứng rắn, chứa đựng những điều khoản bất di dịch, dưới bất cứ điều kiện nào:
   " Không thể chấp nhận bất cứ một sự thay đổi nào đối với Hiến Pháp nầy, liên quan đến mối tương quan giữa Liên Bang và các Tiểu Bang, nhứt là đến việc tham dự của các Tiểu Bang vào tiến trình lập pháp hay đến các nguyên tắc đã được tuyên bố ở điều 1 và điều 20" ( Điều 79, đoạn 3, id.). 
Nói tóm lại, trong thể chế Nhân Bản và Dân Chủ Tây Phương, định chế Quốc Gia là định chế " Quốc Gia Pháp Trị ".
Quyền lực Quốc Gia bị đặt trong những lằn mức giới hạn không thể vượt qua và với những điều kiện không thể thiếu khi thi hành.
Giới đương quyền ( lập pháp, hành pháp và tư pháp) không phải muốn làm hay không làm cũng được, làm ít hay nhiều cũng được và đối xử thiên vị bè phái cũng được) ( Giuseppe De Vergottini, Diritto Costituzionale  Comparato, V ed., Cedam, Padova 1999, 308).
Hiểu như vậy chúng ta thấy định chế Quốc Gia Pháp Trị có khuynh hướng loại trừ những mối nguy hiểm liên quan đến lằn mức bất định của quyền lực.
Các quyết định của các chủ thể cơ quan quyền lực công cộng, không thể được để cho họ quyết định thế nào tùy hỷ, mà phải dựa trên các lề luật trừu tượng và tổng quát được tiền định.
Ở đâu có thể, các đạo luật
   - không những thiết định trên lý thuyết các định chuẩn tổ chức các cơ quan,
   - tiến trình hành xử khi các cơ quan tác động,
   - mà cả nội dung bắt buộc của động tác:
      *  Tổng Thống Cộng Hoà phải ra lệnh tổ chức trưng cầu dân ý trong các trường hợp được Hiến Pháp tiền định" ( Điều 87, đoạn 6 Hiến Pháp 1947 Y Quốc).
      * Tổng Thống Cộng Hoà, sau khi tham khảo ý kiến với các Chủ Tịch, có thể giải tán Lưỡng Viện Quốc Hội hay một trong hai Viện" ( Điều 88, đoạn 1, id.).
Ở đâu không thể tiên liệu hết mọi chi tiếc, Hiến Pháp  thiết định các tiêu chuẩn và mức  độ tổng quát làm khuôn sườn tiên liệu pháp  định không thể vượt qua, đối với các quyết định hành xử của công quyền.
Câu nói " tùy theo phán đoán và quyết định của cơ quan công quyền" ( lập pháp, hành chánh, tư pháp), là những cơ chế được thiết lập để đạt được mục đích trên thực tế, không có nghĩa là cơ quan đương cuộc muốn phán đoán và quyết định hành xử cách nào tùy hỷ, bởi lẽ mọi tác động của công quyền đều đã có lằn mức của luật pháp, ít nữa là tổng quát, tiền định không thể trái ngược hay vượt qua.
Trong thể chế Quốc Gia Pháp Trị, không ai là
   - " con trời ",
   - " dọc ngang nào biết trên đầu có ai",
ngay cả Tổng Thống Cộng Hoà cũng có thể bị Quốc Hội, qua phiên họp khoáng đại, tố cáo là " phản bội Quốc Gia" hay "  nhằm khuynh đảo Hiến Pháp" ( Điều 90, đoạn 1 và 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
Chỉ có trong những trường hợp cần thiết và khẩn trương, cơ quan công quyền,  để bảo vệ Hiến Pháp và vì lợi ích chung,  có thể bỏ qua hay vượt lên trên các lằn mức được luật pháp tiền định, ra nghị định, sắc lệnh có hiệu lực tức khắc để áp dụng, nhưng nội trong ngày phải báo cho cơ quan tư pháp và tường  trình cho Quốc Hội ( Schmith C., Die Diktatur, trad. it., Laterza, Bari 1975, 34).
Và nếu không được Quốc Hội " chuẩn y " trong vòng 60 ngày, kể từ ngày được công bố và áp dụng, 
   - " ...các nghị định, sắc lệnh, sắc luật của Chính Quyền được coi là không có hiệu lực ngay từ lúc đầu và cơ quan công quyền hành xử các công văn vô hiệu lực vừa kể phải chịu trách nhiệm dân sự, hình sự và hành chánh ( Điều 77, đoạn 2 và 3, id.).
Về phương diện lịch sử, việc đặt lằn mức giới hạn công quyền được phát xuất từ rất xưa ( Matteucci N., voce Costituzionalismo, in Diz. di pol., II ed., Utet, Torino 1983, 272s).
a) Ở Âu Châu lục điạ.
Dấu vết gần nhứt là chúng ta còn tìm được nằm trong quyền thiên nhiên của con người ( jusnaturalismus) từ Grozio đến Kant và trong phương thức phân chia quyền lực để tránh độc tài trong truyền thống  hiến pháp định" ( costituzionalisme) từ Locke đến Montesquieu.
Cũng vậy, định chế Quốc Gia Pháp Trị, chúng ta cũng tìm được dấu vết trong định chế " bảo chứng" ( garantisme) ở Pháp với B. Constant  trong tác phẩm Cours de politique constitutionelle ( 1818-1820), trong đó B. Constant chủ trương yếu tố ưu tiên và thượng đẳng trong định chế Quốc Gia phải là yếu tố bảo đảm các quyền căn bản của con người ( tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, quyền tư hữu) và ông xác quyết rằng tổ chức Quốc Gia được tổ chức nhằm mục đích bẳo vệ các quyền vừa kể của con người, chống lại quyền lực chính trị, bằng cách thiết định những lằn mức thượng đẳng thực sự và phổ quát cho tất cả.
b) Ở Anh Quốc.
Ở Anh Quốc, quan niệm Rule of Law " ( Chính Quyền cai trị theo luật pháp) cũng có cùng một quan niệm tương tợ, nhưng có nguồn lịch sử khởi đầu hơi khác với bối cảnh ở Âu Châu lục địa.
Khác với Âu Châu lục địa, quan niệm " Rule of Law" Anh Quốc bắt nguồn từ nguyên tắc luật lệ dựa theo truyền thống hành xử từ bao thế kỷ của dân chúng Common Law ), vẫn đang có hiệu lực hiện hành trong xã hội, và ít nhứt có từ thế kỷ 16 đến nay.
Với thể thức diễn tả như vừa kể " Rule of Law " ( Chính Quyền cai trị theo luật pháp), định chế luật pháp ở Anh nhằm  ám chỉ
   - nguyên tắc bình đẳng bảo vệ cá nhân trước luật pháp,
   bảo vệ người dân chống lại mọi cách hành xử tùy tiện của các cơ quan công quyền, có thể làm tổn thương đến các quyền có được cách sống truyền thống người dân qua bao thế kỷ xác nhận ( Common Law).
Khác với Âu Châu lục địa đương thời lúc đó, người dân Anh quốc không đồng hoá hoàn toàn  tổ chức cơ chế Quốc Gia với luật pháp.
Tổ chức cơ chế Quốc Gia được thiết lập và được đặt vào giữa một hệ thống luật pháp phức tạp, gồm những nguyên tắc trổi thượng hơn là cách suy tư, quyết định và hành xử tùy tiện của giới đương quyền .
Bởi đó, nói một cách đơn sơ là giới đương quyền phải tuân giữ và hành xử theo các nguyên tắc đó. Chỉ có vậy.
Các thẩm phán, theo truyền thống của người Anh,
   - là kho tàng tồn giữ và giải thích các nguyên tắc luật lệ và ở vị thế độc lập,
   - bảo đảm cho việc áp dụng luật  không thiên vị đối với bất cứ ai, Vua, cũng như các quan chức và Lãnh Chúa thuộc hệ, kế đến cả đối với Quốc Hội, dần dần chiếm vai trò quan trọng từ thế kỷ 17 trở đi.
Bởi đó người dân có quyền kỳ vọng ở giới đương quyền ( Lập Pháp cũng như Hành Pháp) phải tôn trọng các nguyên tắc luật định trước toà án, nơi mà người dân có quyền ưu tiên nói lên tiếng nói của mình qua các vị thẩm phán, chống lại mọi cách hành xử tùy hỷ của ai xử dụng quyền hành Quốc Gia ( Dicey A.V., Introduction to the Study of the Law of the Constitution, London 1885; Grottanelli De' Santi, Note introduttive di diritto costituzionalale, Utet, Torino 1988, 147s).   
Trong khoảng thời gian đầu khai triển quan niệm Quốc Gia Pháp Trị, các học giả lúc đó chưa có khái niệm rõ ràng quan niệm về việc bảo vệ các quyền căn bản, theo tư tưởng của B. Constant được đề cập ở trên.
Mối lo lắng chính của các học giả lúc đó là làm sao liên kết các bảo đảm luật định liên hệ đến việc cơ chế Quốc Gia phải tuân giữ luật pháp.
Đối với Âu Châu lục điạ, Quốc Gia được quan niệm là một chủ thể tối thượng duy nhứt. Vua và thần dân đều phải tuân phục dưới quyền chủ thể duy nhứt pháp định đó.
Người dân không thể kỳ vọng có quyền đối kháng lại chủ thể Quốc Gia tối thượng  để bênh vực các quyền căn bản của mình. Bởi lẽ chính Quốc Gia tối thượng là  chủ thể nhìn nhận các quyền căn bản đó cho họ.
Tuy vậy, người dân có thể kỳ vọng các quyền căn bản của mình được bảo đảm, chống lại không phải chủ thể Quốc Gia tối thượng ( État - personne)  mà là chống lại các tổ chức cơ chế ( institutions)  của Quốc Gia.
Một khi định chế Quốc Gia được thiết định, định chế đó xác định " luật " theo hai ý nghĩa,
   - Quốc Gia và các cơ chế tổ chức của Quốc Gia hành xử trong khuôn khổ đã được thiết định,
   - Quốc Gia đứng ra bảo đảm các trường hợp cá nhân luật định theo đúng định chế của mình.
Tư tưởng " luật " như vừa kể được phổ biến mau chóng ở Âu Châu lục địa, và sát nhập hai ý nghĩa phân biệt vừa đề cập thành quan niệm " Quốc Gia Pháp Trị " với những đặc tính bảo vệ luật định được các Hiến Pháp, văn bản nền tảng cột trụ của Quốc Gia, đứng ra nhận biết và bảo đảm:
   - " Nền Cộng Hoà nhận biết và bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm của con người, con người như cá nhân hay con người như thành phần xã hội, nơi mỗi cá nhân phát triển con người của mình và đòi buộc các bổn phận liên đới không thể thiếu trong lãnh vực chính trị, kinh tế và xã hội" ( Điều 2, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc). 
Quan niệm sát nhập  các ý nghĩa trên thành thể chế " Quốc Gia Pháp Trị " đòi buộc một loạt các điều kiện không thể thiếu, nếu một Quốc Gia muốn được nhìn nhận là " Quốc Gia Pháp Trị " đích thực:
a) luật pháp được Qưốc Hội " chuẩn y " được xem là có giá trị tối thượng ( suprématie), bởi lẽ Quốc Hội là cơ quan dân cử, đại diện cho " quyền tối thượng thuộc về dân" ( định nghĩa thể chế Dân Chủ).
Danh từ " luật pháp", mặc dầu trên lý thuyết và theo cách nói thông dụng là những " quyết định" của Quốc Hội, nhưng phải được hiểu theo ý nghĩa phổ quát hơn, trong đó có cả " luật lệ nền tảng Quốc Gia" Grundgesetz, Đức Ngữ) hay Hiến Pháp.
b) một hệ thống bậc thang giá trị định chế các điều khoản luật, được sắp xếp theo thứ bậc khác nhau, với khả năng bắt buộc  tổ chức cơ chế Quốc Gia có trách nhiệm phải can thiệp trong các mối liên quan giữa cá nhân và xã hội, cũng như giữa tổ chức cơ chế Quốc Gia và xã hội ( Điều 2, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc) vừa trích dẫn.
c) nguyên tắc hợp pháp ( hợp với Hiến Pháp và luật pháp của Quốc Hội) là điều kiện bắt buộc phải có trong phương thức điều hành Quốc Gia của các cơ chế và một loạt hệ thống các phương thức yêu cầu, thỉnh nguyện, tố cáo của người dân đối với cách hành xử phạm pháp của cơ chế Quốc Gia ( Crisafulli V., Lezioni di Diritto Costituzionale, II, 4° ed., Cedam, Padova 1976, 5-7).
d) Viện Bảo Hiến:
Một đôi khi, trong định chế " Quốc Gia Pháp Trị " cũng cần đến những bảo đảm dựa vào phán quyết của Viện Bảo Hiến,  để bảo vệ các quyền căn bản của người dân, chống lại mọi tác động vi hiến của các cơ quan công quyền ( lập pháp, hành pháp, tư pháp) ( Điều 93, đoạn 2 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).
2 - Quốc Gia Pháp Trị, quá khứ và hiện tại.
Quan niệm " Quốc Gia Pháp Trị " được khai triển một cách có hệ thống bởi các nhà Hiến Pháp học, theo định hướng xác định: đó là tranh  đấu nhằm giới hạn quyền lực hành xử tùy hỷ của nhà vua.
a) Trong thời gian, nhứt là từ thế kỷ 18 trở đi, giới tư sản Âu Châu là thế lực chính trị càng ngày càng lớn mạnh, tự coi mình như là một chủ thể thuần nhứt, đòi buộc phải có được  một loạt các bảo đảm, được tổ chức có cấu trúc thứ tự và theo bậc thang giá trị đối với tổ chức cơ chế Quốc Gia, đang có liên hệ vớì nền quân chủ.
b) Nhưng rồi tình hình vừa kể được biến đổi khá rõ rệt, từ cuối thế kỷ 19 trở đi, khi một vài Quốc Gia Âu Châu ( Pháp và Đức Quốc), bên cạnh giới tư sản có của, xuất hiện thêmgiới vô sản, sự chênh lệch xã hội bắt đầu trở nên trầm trọng với tiến trình phát triển kỷ nghệ và áp dụng kỷ thuật máy móc vào kỷ nghệ.
Trong Quốc Hội, mối tương phản giữa cơ chế Quốc Gia quân chủ và giới tư sản có của không còn được đặt nặng thành vấn đề, nhứt là sau các cuộc Cách Mạng lật đổ nền quân chủ, cho bằng là mối tương phản giữa giới tư sản ( bourgeoisie) và giới vô sản ( prolétariat) trong xã hội dân sự.
Mối tương phản mới vừa phát sinh giữa hai phe đối nghịch vứa kể, tạo ra tình trạng dẫm chưn tại chỗ giữa hai nhóm chính đảng, mà không nhóm nào có khả năng chiếm quyền thượng đẳng.
Trong bối cảnh vừa kể, hình ảnh Quốc Gia Pháp Trị được thay đổi sâu đậm: các loạt bảo đảm không còn được hiểu là bảo đảm cho thành phần tư sản chống lại hệ thống hành chánh của nền quân chủ, mà là làm sao thiết định một định chế gồm các điều khoản luật bảo đảm mối quân bình giữa hai phe tư sản và vô sản, giữa chủ và thợ.
Như vậy quan niệm Quốc Gia Pháp Trị trong Hiến Pháp Weimar 1919 Đức Quốc trở thành
   - " lằn mức ranh giới giữa hai nhóm đang chống đối, kéo dài và không dễ gì thoả hiệp bằng luật pháp,  để phân chia quyền lực giữa hai nhóm với nhau" ( Schmith C., Legalitaet und Legitimitaet, Munchen - Leipzig, 1932, trad. it., Le categorie del politico, Zanichelli, Bologna 1972, 211-223).
Nói một cách nôm na, các tổ chức cơ chế Quốc Gia bị " trung hoà hoá " ( neutralisées): Quốc Gia không còn được là Quốc Gia Pháp Trị, theo quan niệm cổ, mà chỉ còn là " một cơ chế luật định", được thiết lập để bảo đảm mức thăng bằng giữa hai giới đối lập.
Trong bối cảnh đó, Quốc Gia Pháp Trị thường được các lực lượng bảo thủ dùng để hảm thắng các tư tưởng mới mẻ về định chế Quốc Gia, được hai phe tư sản và vô sản thoả thuận ký kết ( Kichheimer O., Funktionen des Staates und der Verfassung, Frankfurt 1972, 251s).
Các nổ lực tìm cách kết hợp nguyên tắc tự do Quốc Gia Pháp Trị  với các đòi hỏi của các giới xã hội gần đây vẫn  tiếp tục nghiêng cứu và khai triển thêm quan niệm được đề cập.
c) Đó là quan niệm Quốc Gia Dân Chủ và Xã Hội.
Trong khi quan niệm Quốc Gia Pháp Trị được đặt trên nền tảng cá nhân chủ nghĩa về phương diện nhân bản, chính trị, kinh tế,
   - trong đó Quốc Gia được đặt trong các lằn mức pháp định để không làm tổn thương đến tự do cá nhân, ảnh hưởng đến tự do thị trường,
   - thì quan niệm Quốc Gia Dân Chủ và Xã Hội sửa đổi các quan niệm liên quan đến cá nhân, bằng định hướng quy trách cho cơ chế Quốc Gia, không những không được vượt quá lằn mức pháp định vi phạm các quyền căn bản của cá nhân ( tự do tiêu cực, Chính quyền không được...), mà còn   có nhiệm vụ can thiệp vào việc kiểm soát và thiết định chương trình, để định hướng và phối hợp các tự do hoạt động kinh tế, công cũng như tư, nhằm mục đich bảo vệ cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân phát triển, mà cũng đưa lại lợi ích cho cuộc sống cộng đồng xã hội Forsthoff E., Begriff und Wesen des sozialenRechtsstaates, Berlin 1954; id., Le Repubblica Federale tedesca come stato di diritto e stato sociale, RTDP, 1956, 544ss).
Và đó là những gì đã được Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức và Hiến Pháp 1947 Ý Quốc tuyên bố xác nhận:
   - " Cộng Hoà Liên Bang Đức là một Quốc Gia Dân Chủ và Xã Hội" ( Điều 20, đoạn 1 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).
   " Nền Cộng Hoà Nhận biết và bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm của con người, con người như cá nhân hay con người như thành phần các tổ chức xã hội trung gian, nơi mỗi cá nhân phát triển con người của mình và đòi buộc các bổn phận liên đới không thể thiếu trong các lãnh vực chính trị, kinh tế và xã hội" ( Điều 2, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
   - " Bổn phận của Nền Cộng Hoà là dẹp bỏ đi những chướng ngại vật về phương diện kinh tế và xã hội, là những chướng ngại, trong khi thật sự giới hạn tự do và bình đẳng của người dân, không cho phép cá nhận triển nở hoàn hảo con người của mình và tham gia một cách thiết thự vào tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của Xứ Sở" ( Điều 3, đoạn 2, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
   * " mỗi cá nhân triển nở hoàn hảo con người của mình",
   * " và tham dự một cách thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của Xứ Sở".
Thăng Tiến con người và Thăng Tiến Xã Hội là cùng đích của tổ chức Quốc Gia.
Ước gì khuôn mẫu tổ chức Quốc Gia Pháp Trị hay Quốc Gia Dân Chủ và Xã Hội của các Quốc Gia Âu Châu nói chung và của hai Quốc Gia  vừa đề cập nói riêng, cũng sẽ là khuôn mẫu tương lai cho Cộng Đồng  Xã Hội Việt Nam, một khi chế độ độc tài, chà đạp con người  và bần tiện hoá xã hội, bị  dân chúng Việt Nam  đồng loạt đứng lên dẹp bỏ  đi.

No comments:

Post a Comment