Lũ lớn miền Trung: Hậu quả tầm nhìn hạn hẹp
Lũ lụt ở Hội An, ảnh minh họa chụp trước đây.
Những trận lũ lớn gây hậu quả nghiêm trọng cho vùng hạ du
các tỉnh miền Trung được dự báo sẽ tiếp diễn trong tương lai, dù mưa bão không
lớn. Phải chăng việc phá rừng hàng loạt trong 30 năm qua dẫn đến hậu quả ngày
nay, câu chuyện phát triển thủy điện hàng loạt chỉ là đầu cuối của chuỗi ‘nhân
tai’ gây nên những thảm họa cho người dân Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng
Nam…
Phá rừng trên diện rộng
Phá rừng trên diện rộng lâu dài gây nên nhiều hậu quả nghiêm
trọng và phải một có một bản liệt kê rất dài mới nói hết. TS Hoàng Văn Thắng,
một chuyên gia môi trường ở Hà Nội phát biểu:
“Vấn đề này hậu qủa của nó rất là lớn, rất là nhiều hậu quả
cho không chỉ ở nơi mất rừng mà ngay cả dưới hạ lưu. Câu hỏi này hàng tiếng
đồng hồ mới nói hết được.”
Nói một cách vắn tắt khi rừng bị mất, đất không giữ được
nước, nước tràn trên bề mặt gây sạt lở và lũ dữ đổ xuống hạ du. Xa hơn nữa là
tình trạng biến đổi khí hậu với các hậu quả khó lường. Tốc độ mất rừng tự nhiên
ở Việt Nam được mô tả là khoảng 100.000 héc ta một năm, như vậy trong ba thập
niên vừa qua đã có khoảng 3 triệu héc-ta rừng bị mất, bị khai hoang để khai
thác gỗ, hay để làm nông nghiệp như trồng cao su, trồng cây cà phê, cây tiêu,
cây chè.
Theo tôi việc phá rừng cũng có bởi vì người dân cần đất sản
xuất và một số rừng nghèo người ta chuyển đổi trồng những cây công nghiệp như
cây cao su.
» GS Vũ Trọng Hồng
Thêm vào đó 268 dự án thủy điện đang vận hành và 205 dự án
đang khởi công thì đã có biết bao héc-ta rừng đầu nguồn bị khai hoang. Theo số
liệu của ngành điện, tổng công suất lắp đặt nguồn điện 2012 là 26.475 MW, thủy
điện chiếm tỷ lệ 47,5%. Các chuyên gia đã tính toán là để thủy điện tạo 1 MW
điện phải mất từ 10 tới 30 héc-ta rừng, tức là khai quang để làm hồ chứa nước,
xây dựng đập chắn và nhà máy vận hành thủy điện. Các cơ quan chức năng không
đưa ra thống kê về diện tích mất rừng do các dự án thủy điện, nhưng các ghi
nhận không chính thức cho thấy có thể lên tới hàng trăm ngàn héc-ta.
Trên Vietnam Net ông Doãn Mạnh Dũng, chuyên gia độc lập về
biến đổi khí hậu, Phó chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật và kinh tế biển TP.HCM
nhận định là, có ba nguyên nhân chính khiến tình hình lũ lụt ở miền Trung ngày
càng gay gắt, ác liệt. Thứ nhất là chiến lược phát triển hướng tây của các tỉnh
miền Trung, tức khai thác rừng phát triển sản xuất trên đất rừng; thứ hai là
công trình đường Hồ Chí Minh chạy lưng chừng dãy Trường Sơn chẳng khác chi một
con đê dài ngăn nước từ trên cao đổ xuống mà các giải pháp kỹ thuật không đồng
bộ và thứ ba là xả lũ hồ thủy lợi, thủy điện quản trị rất kém.
Từ Hà Nội GSTS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch hội Thủy lợi Việt Nam
nhận định về điều gọi là phát triển hướng tây của nhiều tỉnh miền Trung. Ông
nói:
“Theo tôi việc phá rừng cũng có bởi vì người dân cần đất sản
xuất và một số rừng nghèo người ta chuyển đổi trồng những cây công nghiệp như
cây cao su. Nhưng cái đó không phải hoàn toàn là nguyên nhân chính mà còn một
nguyên nhân nữa là quá trình đô thị hóa trên tất cả đường nước chảy, các diện
tích thấm nước kể cả những đường tiêu nước coi như đã bị bịt hết rồi, bê tông
hóa hết cho nên nước về rất nhanh và tốc độ lớn. Tôi cho là phải kết hợp như
thế thì mới giải quyết được bài toán này.”
Trả lời câu hỏi của Nam Nguyên về giải pháp và thời gian sửa
chữa những sai lầm đã dẫn tới hậu quả lũ lụt nghiêm trọng miền Trung , GSTS Vũ
Trọng Hồng nhận định:
Nạn phá rừng ở Tây Nguyên
“Tôi cho là chưa thể khắc phục được, là nhà khoa học tôi
nghiên cứu và thấy là chưa thể khắc phục được mà bây giờ đành có biện pháp khảo
sát chỗ bị ngập lụt để khuyến cáo dân di chuyển bớt đi thôi, chứ chưa có thể
giải quyết một cách thỏa đáng giữa phát triển kinh tế và tình trạng ngập lụt
được.”
GSTS Vũ Trọng Hồng phân tích thêm về những khó khăn mà giới
chuyên gia và cơ quan chức năng đang gặp phải:
“Bây giờ vấn đề này là khó, thứ nhất là thiếu những chuyên
gia giỏi vừa toán học vừa thủy văn học vừa thủy lực. Ở Việt Nam có nhiều nhà
thủy văn thủy lực nhưng kết hợp với toán thì rất hiếm. Thứ hai là thông số trên
mặt mà nó tràn qua đã thay đổi, vì bây giờ làm cầu cống nhà cửa rồi bây giờ
phải đi đo đạc mất nhiều thời gian, những diện tích như vậy rất lâu và thứ ba
là phải tốn khá nhiều tiền để khảo sát. Tôi cho là phải mất một thời gian không
thể ngắn được.”
Đê chắn lũ trên dãy Trường Sơn
Đối với vấn đề đường Hồ Chí Minh tựa như con đê chắn lũ trên
dãy Trường Sơn, nước qua các cống thoát không đủ gặp mưa lớn sẽ dồn xuống những
điểm yếu và gây lụt cho hạ du. GSTS Vũ Trọng Hồng đáp lời:
“Trước đây là có, nhưng gần đây Chính phủ cho nắn lại, Bộ
Giao thông đã chữa lại, những đoạn chắn nước người ta đã làm… ở Việt Nam có
kinh nghiệm làm ngầm, tức là hạ thấp đường xuống thành ngầm, khi có lũ thì ô tô
phải dừng còn mùa khô đi được. Hiện nay Bộ Giao thông cũng làm nhiều cống qua
đường Hồ Chí Minh. Nhưng có khả năng khi mà rừng bị mất mà lũ lớn quá thì có
thể nó tràn thôi. Tôi theo dõi thì không có hiện tượng tràn như ý kiến bức
tường chặn, Bộ Giao thông đã chữa ví dụ như ở Rừng Cúc Phương người ta làm
thiết kế hạ ngầm để cho nước đi qua chứ không bị con đường nó cản.”
Chung quanh vấn đề thủy điện xã lũ đúng hay không đúng qui
trình mà báo chí liên tục đề cập. Người dân vùng hạ du phản ánh là chạy lũ
không kịp làm nhiều người chết, tài sản mất mát. GSTS Vũ Trọng Hồng trình bày ý
kiến:
Hiện nay Bộ Giao thông cũng làm nhiều cống qua đường Hồ Chí
Minh. Nhưng có khả năng khi mà rừng bị mất mà lũ lớn quá thì có thể nó tràn
thôi.
» GS Vũ Trọng Hồng
“Qui trình xả lũ của hồ thủy lợi khác với hồ thủy điện. Hồ
thủy lợi người ta cân bằng nước, nước tưới, nước thấm lũ, rồi nước phát điện,
nước nuôi cá, nói chung người ta cân bằng. Riêng hồ thủy điện thì có một nhược
điểm là vì muốn phát triển nhanh nên tập trung tất cả nước đó chỉ để phát điện
thôi. Qui trình đó có chỗ bất hợp lý, nhưng điều lớn hơn cả là qui trình lâu
nay của các hồ chứa là cốt chỉ để bảo vệ cho đập khỏi bị vỡ, còn cho hạ du thì
các qui trình đó đều khiếm khuyết hết.
Khi tính đường nước chảy xuống hạ du ảnh hưởng đến đâu và
báo cho người dân thế nào. Tôi đang nghiên cứu vấn đề này để đi báo cáo, đúng
là phải nghiên cứu đường dẫn nước từ đập xuống khu dân cư, dù mấy chục cây số
cũng phải dẫn hết, để tìm ra đường thoát nước và cho người dân tránh. Qui trình
khiếm khuyết chỗ đó là chính.”
Trả lời Nam Nguyên, Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh hiện sống và làm
việc ở Đà Nẵng nêu lên nghi vấn về những qui trình xả lũ của các nhà máy thủy
điện ở miền Trung. Ông nói:
“Người ta cứ vin vào cớ xả lũ đúng qui trình để rồi đổ vấy
trách nhiệm cho chính phủ hay là cho trời chẳng hạn. Cuối cùng chẳng ai biết
được qui trình đó như thế nào, liệu có căn cứ bảo đảm tính mạng người dân khi
viết qui trình không? hay chỉ là một qui trình lập ra để bảo đảm nước phát điện
dồi dào và sự an toàn hồ chứa.”
TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển bền
vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu được VietnamNet trích lời
nói rằng: “Trong thiên tai lo nhất chính là chuyện vỡ đập. Xả lũ đã gây hậu quả
lớn, nhưng câu chuyện quan trọng nữa là những đập ấy có đứng vững trước thiên
tai không, đứng vững đến bao giờ.”
Theo TS Đào Trọng Tứ, thủy điện xã lũ vấn đề chính là xả lũ
có đúng lúc không. Các nhà quản lý công trình thủy điện không bao giờ muốn xả
lũ trước khi bão về dù được khuyến cáo. Họ không chịu xả lũ sớm vì sợ không đủ
nước trong hồ chứa, nhất là dự báo khí tượng không bảo đảm chính xác. Khi mưa
lũ lớn hơn năng lực tràn của đập thì họ buộc xả bớt lượng nước trong hồ. Trường
hợp này sẽ tác động đến dòng chảy lũ ở hạ lưu. Vẫn theo TS Đào Trọng Tứ, các
sông ở miền Trung đã có qui trình vận hành liên hồ, thí dụ như sông Ba. Đây là
một câu chuyện cực kỳ phức tạp, thử tưởng tượng có 3 cái hồ thì có 3 nhà quản
lý khác nhau. Qui trình vận hành liên hồ không mấy tác dụng nếu không có khả
năng dự báo tốt, chuyện này liên quan đến đầu tư máy móc rất tốn kém. Điểm quan
trọng nhất, vận hành liên hồ phải có một chỉ huy trưởng điều hành các hồ xả
nước trước sau thế nào. ở Việt Nam chưa có đầu mối tổng thể điều hành liên hồ.
Cùng về vấn đề liên quan Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh từ Đà Nẵng
phát biểu:
“Về mặt điều khiển tự động thì khi anh xả lũ tự động thì anh
phải thiết lập hệ thống cảnh báo như hệ thống logistic làm sao cho những người
khác người ta biết trước trong một khoảng thời gian bao lâu. Ở quê tôi, nhiều
người bị trôi chết khi đang làm đồng, nước lũ xuống quá nhanh cuốn trôi người
vợ, người chồng lao ra cứu cuối cùng cả hai cùng chết.”
Các chuyên gia cho rằng, câu chuyện lũ chồng lũ thiên tai
kết hợp nhân tai năm 2013 làm 120 người chết và bị thương, tài sản nhà cửa tổn
thất rất lớn lao là hậu quả của tư duy phát triển kinh tế thiếu bền vững, được
quyết định bởi những người cầm trịch có tầm nhìn rất giới hạn.
Nam Nguyên,
phóng viên RFA
Theo RFA
No comments:
Post a Comment