Wednesday, May 14, 2014

Giặc Đến Nhà, Bây Giờ Ai Đánh?

Thục Quyên (Danlambao) - Với thái độ ngang nhiên lấn chiếm biển bằng giàn khoan HĐ-981 rồi đâm vào tàu kiểm ngư của Việt Nam, Trung Hoa đã tỏ rõ thái độ khinh thường của họ đối với một nước láng giềng mà họ tự tin đã kiểm soát gần như trọn vẹn.

Không một người Việt nào, dù trong hay ngoài nước, dù lúc trước khăng khăng Trung Hoa là “nước bạn”, là “đàn anh” cũng không thể thiếu thông minh đến mức không nghi ngờ chuyện này có thể xảy ra. Từ ý muốn, trở thành âm mưu, rồi phát triển thành một chiến lược, Bắc Kinh đương nhiên đã phải liên tục chuẩn bị, làm kế hoạch, tổ chức... v. v... ròng rã nhiều năm, và chậm nhất thì cũng đã công khai thực hiện từ năm 2011 khi ngang nhiên cắt cáp tàu Bình Minh2. 

Tóm lại, việc xảy ra không phải là không thể đoán trước, và ngay cả về vấn đề thời gian, từ nhà cầm quyền đến người dân Việt Nam cũng đã có tối thiểu là 3 năm để suy nghĩ, sửa soạn và hành động nhằm ngăn chận. Thêm vào đó Việt Nam lại cũng là một nước nhược tiểu tuy đầy kinh nghiệm đau thương nhưng cũng không thiếu kinh nghiệm về cách xử thế đương đầu với mộng bành trướng của Trung Quốc. 



Vậy mà nay giặc đã vào nhà. 

Là người Việt dù đang sống trong nước hay đang sống an toàn, no đủ tại một quốc gia khác, nghe tin giặc đã đánh vào và máu Việt đã đổ thì phản ứng đầu tiên chắc chắn là đau sót và căm giận. 

Điều này đang được thể hiện khắp mọi nơi trên thế giới, dù nơi đó có ít hay nhiều người Việt đang sinh sống. 
Nhưng để dân tộc còn có một tương lai, chúng ta cũng phải nhìn lại chính người dân và nhà cầm quyền Việt Nam trong ba năm qua đã làm gì và tình trạng nước ta ra sao?

Chúng ta bây giờ mới lồng lộn lên vì Trung Quốc cắm giàn khoan tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng chúng ta đã yên lặng khi “thực dân Vàng” nắm trọn đời sống kinh tế đất nước. 

Yên lặng trong khi nhiều vùng đất trên lãnh thổ Việt đã lọt vào tay người Hoa: Mười tỉnh (1) Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Bình Dương. đã cho các các doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng dài hạn (50 năm) trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích dự kiến là 305. 353 ha, trong đó các doanh nghiệp từ Hong kong, Đài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264 ngàn ha, 87% ở các tỉnh xung yếu biên giới, bất kể đến vấn đề an ninh quốc phòng. 

Yên lặng khi Sa Vĩ, địa đầu tổ quốc, bị công ty Hoa thuê 50 năm làm sân Golf. 

Yên lặng khi thành phố Móng Cái với 25 dự án đầu tư nước ngoài, số vốn đạt gần 300 triệu USD thì trong đó, có tới 3/4 là dự án này của các nhà đầu tư Trung Quốc, còn lại là hình thức liên doanh giữa nhà đầu tư Trung Quốc và doanh nghiệp tại địa phương. 

Có ai, cơ quan nào đã lưu tâm tìm cách xác định con số những người Trung Hoa đang chính thức và không chính thức có mặt tại VN hay không? Có còn bao giờ những người Hoa này trả lại những vùng đất của ta mà họ đang giữ?

Tại sao ta yên lặng đằng đẵng bấy nhiêu năm?

Nghe tin lãnh hải bị xâm chiếm lần này người Việt đâu có thờ ơ với vận mệnh mất còn của dân tộc?

Vậy thì tại sao một quốc gia có chính phủ, có gần chín triệu dân, có cơ quan truyền thông, truyền hình... mà để Trung Hoa xâm nhập dễ dàng như vào nhà vô chủ cho tới ngày nay? 

Đất, rừng, mỏ, đảo. Một phần giang sơn đắp xây bằng xương máu ông cha từ bao ngàn năm bây giờ đã được đánh đổi lấy chút cơm thừa canh cặn. Cho ai?

Những câu hỏi này mỗi cái đầu Việt Nam phải suy nghĩ và trả lời trước những thế hệ tiếp nối. Con đường tương lai đầy sỏi đá, phải suy nghĩ tường tận, đừng vấp ngay ở cục sạn con đầu tiên là như vậy có phản động không, có chống chế độ không rồi sợ hãi dừng lại? Nếu bây giờ còn chưa dám nhìn vào sự thật thì làm sao gỡ mối nguy?

Nhưng cũng đừng dừng lại ở chỗ bắt lỗi, kết tội. 

Phải tích cực tìm đường gỡ mối nguy. 

Giặc đã vào nhà và đang ra tăng tốc độ xâm chiếm. 

Mọi sự việc Trung Hoa đã sắp đặt kỹ càng và tiến hành đều đặn. 

Vẫn chỉ một giọng điệu, một phương cách: khi đánh giá nước đàn em không có những dấu hiệu trên đường phố của sự đoàn kết chú tâm của dân chúng, không có sự chống cự quyết liệt về mặt ngoại giao và pháp lý, cũng không có một lực lượng quân sự khổng lồ, thì dại gì mà không nuốt? Những bước trước đã trót lọt, trơn tuột, tại sao không đi tiếp?

Vừa cướp, vừa la làng chửi rủa, vừa tỏ ra mình là kẻ cả: mọi bất đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể được giải quyết thông qua “đàm phán hòa bình” (Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình). Đã đàm phán kín hở mấy chục năm rồi nên mới ra nông nỗi!

Dù sao cũng nên ghi nhận nhà cầm quyền Việt Nam lần này đã anh dũng không “đàm phán hoà bình” với giặc trong khi đất nước còn đang bị xâm phạm. Nhưng tại sao phải chờ đến giờ phút này, sau khi đã ngăn cản mọi sửa soạn từ tinh thần đến sức lực của người dân để chống trả mộng bành trướng của họ? 

Mất bao thời gian, bao cơ hội. Tại sao vậy?

Chủ nhà tỉnh giấc, giặc đã đứng đầu giường. 

Hai năm sau những cuộc biểu tình của vài trăm ngàn người trên các đường phố Nhật Bản và Philippines chống chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc, người dân Hà Nội -Saigon đã xuống đường. Vài trăm nơi này, vài ngàn nơi khác, với sự mừng rỡ không bị đánh, đạp vào mặt hay ăn mưa dùi cui. Một người sống trong một đất nước tự do dân chủ không bao giờ có thể tưởng tượng được điều này. Vậy mà một hành động tự nhiên để tỏ bày ý kiến của người dân như đi biểu tình tại Việt nam đã là một hành động đầy can đảm sau nhiều suy tư cân nhắc, chấp nhận hy sinh. Để cuối cùng thì chỉ một việc đơn giản là đứng trên chính mảnh đất cha ông mình để lại để tỏ thái độ bằng vài cái biểu ngữ, hô to vài câu chống đối, cách xa tòa đại sứ Trung Quốc vài trăm thước, mà đã tốn bao lo lắng, năng lượng, của cả người đi biểu tình lẫn nhà cầm quyền kiểm soát biểu tình, thì bao giờ cho đủ sức để chống lại và đuổi được giặc ra khỏi lãnh thổ và lãnh hải của mình?

Điều này Trung Quốc thấy. Họ biết. Và họ đã đưa vào sự tính toán của họ. 

Chỉ còn một bộ phận nhỏ người Việt là Trung quốc chưa đánh giá được hoàn toàn: đó là những người Việt ở hải ngoại. 

Người Việt tại hải ngoại đang làm gì?

Trong những ngày tháng sắp tới có thể nào thái độ của người Việt hải ngoại sẽ là một đóng góp định hướng cho kế hoạch chống Trung Quốc của Việt Nam?

Người Việt hải ngọai nói đây có thể là những người đúng nghĩa với chữ kiều bào, nghĩa là những người Việt sống ở nước ngoài, vẫn hoàn toàn tùy thuộc Đại sứ quán nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, hoặc đó là những người công dân các nước tự do nhưng có gốc Việt. Cần định nghĩa rõ vì sự khác biệt giữa hai nhóm người này đưa đến những hình thức phản ứng khác nhau đối với sự xâm chiếm trắng trợn mới đây của Trung Quốc.

Cũng những xúc động, cũng những căm giận, nhưng ngay trong phản ứng đầu là đi biểu tình đa số vẫn chưa thể đứng bên nhau. Tình trạng này có những khía cạnh tiêu cực nhưng ứng dụng một cách thông minh cũng có những khía cạnh tích cực. 

Khác với những cuộc biểu tình trong nước mà sự hiện diện của Cờ Đỏ Sao Vàng đã thưa đi, nhóm kiều bào nhấn mạnh vào lá cờ này mà đối với họ là lá cờ Tổ quốc. Mặc dù lá cờ này rõ ràng chỉ đồng thời xuất hiện với đảng Cộng sản Việt Nam và ông Hồ Chí Minh (chính theo lời ông Võ Nguyên Giáp) và đánh dấu quãng thời gian dài 69 năm ràng buộc, nợ nần, vay trả với đảng Cộng sản Trung Quốc, đưa tới sự mất kiểm soát chủ quyền ở một số vùng đất nước vì đã trao quyền khai thác hoặc cho thuê dài hạn, hoặc bị chiếm cứ. Và cũng đưa tới những lặng câm, nhu nhược suốt 3 năm nay, không dám mạnh dạn đứng vào hàng ngũ những quốc gia dân chủ để hợp tác kinh tế, ngoại giao, quân sự với họ. Sự gắn bó của những kiều bào với lá Cờ Đỏ là một gắn bó tình cảm mà lý trí cũng khó cắt rời. Chỉ có một tình cảm mạnh mẽ hơn, đó là tình cảm thiêng liêng đối với dân tộc một mai mới có thể giúp con người có cái nhìn sáng suốt vào lịch sử để tách Tổ quốc là trên hết. 

Đảng Cộng sản chỉ là một đảng phái chinh trị, chỉ có thể thăng trầm theo sự lợi ích hay phương hại của nó cho Tổ quốc, không thể đem đánh đồng với Tổ quốc. Sau cuộc sụp đổ của Cộng sản quốc tế, từ gần 100 quốc gia chỉ còn sót lại có 5 nước còn tự tuyên bố trong tên gọi hoặc hiến pháp là nước Xã hội Chủ nghĩa, mà Trung Hoa là nước đứng đầu. 

Đó là thế kẹt của đảng Cộng Sản Việt Nam. 

Nhưng đừng để nó trở thành thế kẹt của dân tộc Việt !

Không kém cương quyết lá cờ của mình mới là lá cờ Tổ quốc, những người gốc Việt (đã là công dân các nước khác) giương cao lá Cờ Vàng ba sọc đỏ trong những cuộc biểu tình chống mưu toan xâm lược của Trung quốc. Lá Cờ Vàng có vị thế một lá cờ của toàn Quốc gia Việt Nam, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, trước khi trở thành cờ của Đệ Nhất và Đệ Nhị Việt nam Cộng Hòa, và đã được những người Việt tỵ nạn cộng sản mọi nơi trên thế giới mang theo khi rời đất nước, để làm biểu tượng cho lý tưởng Tự do Dân chủ, không cộng sản của họ. Khác với Cờ Đỏ, lá Cờ Vàng chưa bao giờ bị ràng buộc vào chỉ riêng một đảng phái chính trị, nhưng vì những người Việt sống ở miền Bắc và cả những người sanh trưởng ở miền Nam sau 1975 chưa bao giờ sống với lá cờ này nên cũng khó có thể có sự lựa chọn nhanh chóng Cờ Vàng là cờ Tổ quốc. Đây là một sự thật hiển nhiên. Phải chấp nhận. 

Lẽ dĩ nhiên từ khi người dân trong nước nhận rõ sự hiểm nguy của mưu đồ Hán hóa, và ngay cả nhà cầm quyền Việt nam đương thời cũng mong mỏi được kết thân với nước Mỹ, thì những “ người Cờ Vàng” đã mời Mỹ làm đồng minh trước kia đã có cơ hội phục hồi danh dự cho cuộc tranh đấu cho lý tưởng Tự do Dân chủ của họ. Hơn lúc nào hết họ có quyền tin rằng lá Cờ Vàng là cờ chính nghĩa vì những “người Cờ Vàng” chưa bao giờ chịu luồn phục Trung Hoa đỏ. 

Nhưng lý lẽ hay phải trái rồi cũng chỉ là một góc nhìn. 

Khi tàu cảnh sát biển Việt Nam bị đâm, nhìn những người lính kiểm ngư bị thương nằm trên sàn tàu thì ai còn nghĩ gì tới phân bì cờ quạt? Đó là những con dân Việt chỉ biết làm phận sự của mình trong những bộ quân phục có gắn Cờ đỏ sao vàng, tàu của họ mang lá cờ Đỏ, như một điều tự nhiên, không suy nghĩ hay thắc mắc, vì cũng không có lựa chọn. 

Cờ Đỏ là của đảng Cộng Sản VN thật nhưng Cờ Đỏ không thể làm người lính biển không còn là người anh em trong lòng những người không chấp nhận Cờ Đỏ. Cờ Đỏ không có đủ sức mạnh chia rẽ làm cho đứa trẻ mồ côi người cha vừa ra biển không về, không còn cùng giòng máu Việt. 

Chế độ chính trị sẽ thay đổi. Màu cờ sắc áo sẽ thay đổi. Chỉ có Tổ quốc mới trường tồn. Hãy giữ cho giang sơn gấm vóc cha ông ta để lại được toàn vẹn. Chúng ta chỉ có thể an tâm và hãnh diện khi giương cao một Bản đồ Tổ quốc không suy suyển. 

Giặc đã vào nhà, bây giờ ai ra đánh?

Trước mắt, chỉ có những người lính biển phải tìm cách đối đầu với một kẻ thù hung hãn mạnh gấp chục lần. Họ phải đứng mũi chịu sào vì cả một dân tộc Việt Nam vì lý do này vì lý do khác đã thất bại không thoát ra được quỹ đạo độc hại của Trung Quốc. Lẽ dĩ nhiên đó là những người con anh dũng của Mẹ Việt Nam, nhưng nếu thương nhau thật tình thì không phải là những huy chương hay những lời hoan hô suông mà phải là những hành động khôn ngoan có trách nhiệm để giảm thiểu tối đa sự hy sinh xương máu của họ. 

Không biết khai thác tình thế để giữ sự tranh chấp trong phạm vi pháp lý và ngoại giao, giới lãnh đạo Việt Nam mang trách nhiệm rất nặng khi sự tranh chấp chuyển qua phạm vi quân sự. Nhà cầm quyền Việt Nam đã không khôn khéo dứt khoát dĩ vãng trong những năm qua để hội nhập vững vàng với khối ASEAN, và công khai thiết lập phòng tuyến chung với Philippines, Malaysia, Singapore, là những quốc gia chủ trương chống sự bành trướng của Trung Quốc. 

Những quốc gia dân chủ có quyền lợi trực tiếp ở Đông Nam Á và Biển Đông như Mỹ, Úc, Ấn Độ, Nhật, Anh, Pháp, Đức, Nam Hàn... v. v… cần một Việt Nam dân chủ đáng tin cậy, để hợp tác. Và còn những quốc gia như Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan... v.v… luôn sẵn sàng bênh vực những đồng minh cùng theo lý tưởng Tự do, Dân chủ với họ. 

Đánh giặc trong thế kỷ 21 là như vậy. 

Người Việt tại hải ngoại có khả năng và trọng trách huy động hậu thuẫn của thế giới tự do để mặt trận chống ngoại xâm của Việt Nam trở thành một mặt trận toàn cầu, yểm trợ cho những lực lượng dân tộc trong nước, tiết kiệm xương máu cho đồng bào. 
Người Việt trong nước là phần chính của dân tộc sẽ phải chịu mọi khổ cực cam go để gánh vác trách nhiệm. Không thể giao trắng tiền đồ đất nước cho một nhóm người nhỏ. 

“Toute nation a le gouvernement qu'elle mérite” là một nhận xét bất hủ của Bá tước Joseph de Maistre (1753-1821)

Mối quan tâm của người Việt ngày hôm nay là phải dùng sự hiểu biết để tích cực lựa chọn những người lãnh đạo quốc gia có đạo đức và khả năng giữ toàn vẹn lãnh thổ, không đẩy dân tộc bằng những huyền thọai tâng bốc vào những hy sinh đẫm máu không có tương lai. 

No comments:

Post a Comment